Nữ sinh 19 tuổi ngày nào cũng uống một loại nước nhiều người thích để giải khuây, không ngờ mắc bệnh của người già

DIỆU THUẦN - Ngày 05/10/2023 18:39 PM (GMT+7)

Suốt 1 năm, Quỳnh Hương cứ buồn là lại tìm niềm vui bằng cách uống trà sữa, nước ngọt… nên khiến cơ thể ngày càng kiệt quệ và mắc thêm bệnh tiểu đường.

Trước đây, Phạm Quỳnh Hương (19 tuổi, TP.HCM) là một cô gái vui vẻ, hoạt bát và có mục tiêu cố gắng đỗ đại học sau khi tốt nghiệp lớp 12. Vì điều đó, cô nữ sinh luôn chăm chỉ học tập để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng. Khi nhận kết quả trượt đại học năm 2022, Hương không tin vào mắt mình.

Sau một năm nhận kết quả rớt đại học, Hương bị 2 căn bệnh một lúc. Ảnh: BVCC.

Sau một năm nhận kết quả rớt đại học, Hương bị 2 căn bệnh một lúc. Ảnh: BVCC.

Sau đó, Hương từ một cô bé vui vẻ trở nên cáu gắt, ít nói, thay đổi tâm trạng liên tục lúc vui, lúc buồn. Để có thể dễ ngủ và kiềm chế cảm xúc, cô gái trẻ phải sử dụng đến thuốc an thần. 

Mới đây, gia đình đưa Hương đi khám tâm lý tại một bệnh viện tư và nhận được kết quả chẩn đoán mắc trầm cảm, phải cai thuốc an thần, thay đổi lối sống để cải thiện. Sau 2 tháng, cô gái cai được thuốc an thần, nhưng mỗi khi buồn Hương lại thèm ăn đồ ngọt, uống trà sữa, nước ngọt có gas. “Có ngày, tôi uống đến 2-3 lon nước ngọt”, Hương chia sẻ với bác sĩ.

Do tiêu thụ quá nhiều chất ngọt, cơ thể cô gái 19 tuổi xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, đi tiểu nhiều và khát liên tục. Ban đầu, Hương chỉ nghĩ mình bị ảnh hưởng của căn bệnh trầm cảm. Đến khi đi tái khám tâm lý, cô được bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra tiểu đường.

Kết quả cho thấy đường huyết lúc đói của Hương cao 7,2 mmol/L (chỉ số bình thường từ 4,11 - 6,05 mmol/L), xét nghiệm HbA1c (đường huyết trong 3 tháng) cao 10,3% (chỉ số ở người bình thường dưới 5,7%).

Từ kết quả trên, BS.CKII Đỗ Tiến Vũ, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) chẩn đoán, nữ bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2, phải điều trị bằng thuốc và tái khám định kỳ. Ngoài ra, Hương cần ăn uống lành mạnh, giảm tinh bột, đồ ngọt, tập thể dục hàng ngày và giữ tinh thần thoải mái, tham gia nhiều hoạt động bổ ích để kiểm soát đường huyết.

Uống nhiều trà sữa có nguy cơ cao mắc tiểu đường. Ảnh minh họa.

Uống nhiều trà sữa có nguy cơ cao mắc tiểu đường. Ảnh minh họa.

Người bị trầm cảm dễ mắc tiểu đường

Theo Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, tiểu đường là nhóm bệnh lý nội khoa rất phổ biến hiện nay. Trong đó, tiểu đường tuýp 2 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến hơn ở người trên 40 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay do lối sống sinh hoạt, ăn uống, vận động không phù hợp nên tỷ lệ người trẻ mắc bệnh ngày càng tăng.

Theo kết quả điều tra mới đây của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ người trưởng thành mắc bệnh này ở nước ta ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người. Trong đó, nguy cơ mắc bệnh ở người trưởng thành trong độ tuổi 18-69 là 4,1%.

Theo bác sĩ Vũ, những người bị trầm cảm kéo dài có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn người bình thường. Bộ Y tế cũng từng khuyến cáo trầm cảm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 lên tới 37%. Ngược lại, căn bệnh này cũng làm tăng 3 lần nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, nhất là ở những người đã xuất hiện biến chứng.

Bác sĩ Vũ giải thích khi cơ thể bị trầm cảm sẽ tiết ra các hormone cortisol và adrenaline. Tình trạng tăng cortisol máu mãn tính và kích hoạt hệ thần kinh giao cảm kéo dài sẽ thúc đẩy tình trạng kháng insulin, tăng mỡ nội tạng và dẫn đến hội chứng chuyển hóa và tiểu đường tuýp 2.

Căng thẳng trong công việc, cuộc sống khiến nhiều người trẻ đối diện nguy cơ mắc trầm cảm, tiểu đường. Ảnh minh họa.

Căng thẳng trong công việc, cuộc sống khiến nhiều người trẻ đối diện nguy cơ mắc trầm cảm, tiểu đường. Ảnh minh họa.

“Trầm cảm khiến người bệnh ăn nhiều hơn gây tăng cân, thừa cân và cũng tăng nguy cơ bị tiểu đường. Ngoài ra, việc mất ngủ hay thức khuya do trầm cảm cũng làm tăng nguy cơ do kháng insulin”, bác sĩ Vũ chia sẻ thêm.

Bác sĩ Vũ khuyến cáo nếu tình trạng căng thẳng, trầm cảm không được điều trị sớm sẽ khiến đường huyết tăng cao kéo dài gây tiểu đường tuýp 2 và biến chứng. Khi bị bệnh, tình trạng trầm cảm cũng có thể trở nên nặng hơn vì người bệnh cảm thấy áp lực khi chế độ ăn uống không được tự do. Đồng thời việc lo lắng đến chỉ số đường huyết hàng ngày cũng tạo áp lực lên tâm lý.

Trầm cảm ở người bệnh tiểu đường có liên quan đến nguy cơ phát triển các biến chứng cấp tính cao gấp 2,3 lần, nguy cơ phát triển các biến chứng lâu dài gấp 1,6 lần và nguy cơ tử vong cao gấp 2,8 lần.

“Căng thẳng và áp lực trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi, cố gắng duy trì lối sống lành mạnh, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc lá là một trong những cách giúp đem lại sự cân bằng trong cuộc sống. Người bệnh cần chia sẻ vấn đề với gia đình, bạn bè để được thấu hiểu giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Nếu căng thẳng kéo dài người bệnh nên đến gặp bác sĩ tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”, bác sĩ Vũ khuyên.  

* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.

Đưa con đi khám tâm lý, mẹ được yêu cầu chữa tâm thần, BS chỉ ra vấn đề cha mẹ dễ mắc khi con thi cử
Khi biết kết quả thi đại học, không chỉ thí sinh, các phụ huynh cũng dễ bị tác động nặng nề đến tâm lý và sức khỏe.

Gỡ rối cho bố mẹ có con tốt nghiệp THPT

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh trầm cảm