Cà tím rẻ, ăn bổ dưỡng cho sức khỏe, tuy nhiên cách chế biến không phải ai cũng biết.
Cà tím là món ăn quen thuộc trong các gia đình, với nhiều cách làm, đem đến hương vị thơm ngon. Phổ biến nhất là cà tím, xanh và đen, với nhiều hình dạng khác nhau như hình tròn, hình bầu dục, hình quả lê... Trong ba loại này, quả vỏ màu tím rất giàu vitamin E và vitamin P, có tác dụng thanh nhiệt, mát huyết, tiêu huyết ứ, tiêu sưng, được cho bổ nhất so với các loại còn lại.
Quả cà tím. (Ảnh minh họa).
Tác dụng của cà tím
Chống lão hóa:
Giàu vitamin E, cà tím có chức năng ngăn ngừa chảy máu và chống lão hóa. Ăn cà tím thường xuyên có thể làm giảm cholesterol, có tác dụng tích cực trong việc trì hoãn sự lão hóa của con người.
Thanh nhiệt, giải độc:
Bạn có thể ăn cà tím để chữa lở loét ngoài da, lở miệng, trĩ, đi phân ra máu... Đông y cho rằng cà tím là thực phẩm có tính lạnh, ăn vào mùa hè giúp thanh nhiệt, giải nhiệt, thích hợp cho người dễ bị nhiệt miệng, mụn nhọt lở loét.
Hạ huyết áp:
Cà tím có tác dụng hạ lipid máu và huyết áp rất tốt, khi ăn, bạn cắt thành miếng mỏng chấm với tương, xì dầu sẽ có tác dụng hơn.
Bảo vệ hệ tim mạch:
Cà tím rất giàu vitamin P, có thể tăng cường sự kết dính giữa các tế bào của con người, tăng cường độ đàn hồi của các mao mạch, ngăn ngừa vỡ và chảy máu vi mạch, duy trì chức năng tim mạch bình thường.
Món ăn từ cà tím không chỉ ngon mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Phòng ngừa và điều trị ung thư dạ dày:
Cà tím chứa chất solanin có thể ức chế sự tăng sinh của các khối u trong hệ tiêu hóa, có tác dụng nhất định đối với việc phòng và điều trị ung thư dạ dày.
Tiêu sưng và giảm đau:
Quả cà tím có tác dụng thanh nhiệt và cầm máu, tiêu sưng và giảm đau.
Chọn cà tím đúng cách:
Cà tím ngon chủ yếu phải có màu tím thẫm hoặc tím đen, vỏ bóng bẩy, nhìn đẹp mắt. Ngược lại, nếu cà tím xỉn màu và có màu nâu tức là cà đã già hoặc sắp hỏng, không nên mua. Nên chú ý, giữa núm và quả của cà tím có một dải trắng tức là quả cà tươi, ngon, ngược lại, nếu lớp đó thâm, đen thì cà đã cũ hoặc già.
Ngoài ra, một quả cà tím ngon sẽ thuôn dài, bề mặt không có đốm hoặc vết nứt. Đừng mua cà tím da nhăn, đồng nghĩa với cà tím đã để lâu. Cà đừng cứng quá, nếu không sẽ già, ruột nhiều hạt.
Cà tím nấu theo cách nào sẽ tăng độ bổ dưỡng?
Cà tím và rau cải chân vịt: Tăng tốc độ tuần hoàn máu và ngăn ngừa ung thư
Sau khi gọt vỏ và rửa sạch cà tím, bạn cắt thành hình bán nguyệt rồi ngâm trong nước muối khoảng nửa tiếng. Rau cải bó xôi (Chân vịt) rửa sạch, cắt khúc, chần sơ qua nước sôi. Gừng tỏi bóc, đập dập. Cho dầu vào bếp, cho tỏi và gừng đập vào, phi thơm, cho cà vào, xào thơm và săn lại rồi cho rau vào xào cùng, đến khi chín đổ ra đĩa dùng.
Cà tím chế biến được món ăn ngon. (Ảnh minh họa)
Cà tím + mướp đắng: Có tác dụng giảm bệnh tim mạch rất tốt
Rửa sạch và cắt riêng cà tím, mướp đắng, ớt, tỏi xắt hạt lựu. Cho dầu vào nồi và phi tỏi cho thơm rồi đổ cà tím vào xào lửa to cho đến khi cà tím tái. Cà tím chứa nhiều nước, vì vậy bạn nên xào lửa to để quả không ra nước hay bị nẫu. Đổ mướp đắng vào cùng, xào cho chín vừa phải. Thêm ớt xanh và đỏ, thêm gia vị vào xào chín rồi đổ ra đĩa.
Cà tím + Thịt lợn: Giúp giảm hấp thụ cholesterol và ổn định lượng đường trong máu.
Rửa sạch cà tím và cắt miếng vừa ăn. Thịt xay ướp gia vị. Đun nóng dầu trong chảo, đổ thịt băm vào xào săn, thơm. Sau đó, cho hành tỏi vào xào dầu cho thơm, đổ cà vào, đun cho đến khi cà mềm rồi cho thịt băm vào xào cùng. Cuối cùng rắc hành lá thái nhỏ lên trên là có thể dùng được.