Mới đây, giáo sư Sheng Jifang, giám đốc Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện liên kết số 1 thuộc Đại học Y khoa Chiết Giang đã tiếp nhận một người đàn ông 28 tuổi bắt đầu có các triệu chứng như động kinh và đau đầu 16 năm trước.
Người đàn ông 28 tuổi ở Trường Sơn, Chương Châu, Trung Quốc. Trước đó, chàng trai trẻ đã được điều trị theo phương pháp chữa bệnh động kinh nhưng không có tác dụng. Chàng trai liên tục bị những cơn đau đầu và co giật không rõ nguyên nhân. Sau 16 năm chịu những cơn động kinh này, anh đã tìm tới Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện số 1 thuôc Đại học Y Chiết Giang.
Sau khi tham khảo chi tiết về lịch sử y tế, giáo sư Sheng Jifang phát hiện cha của chàng trai trẻ là một thợ săn nổi tiếng ở huyện Trường Sơn, Chương Châu. Ông thường xuyên bắt rắn quanh năm và thường chế biến thành các món ăn cho con trai.
Người đàn ông 28 tuổi bị đau đầu, co giật như người động kinh suốt 16 năm không rõ lý do. (Ảnh minh họa)
"Túi mật rắn là một dược liệu quý giá có giá trị dinh dưỡng cao", chàng trai trẻ kể lại rằng anh thường có thói quen ăn mật rắn hoặc uống với rượu trắng. Nhiều người tin rằng mật rắn có thể làm giải nhiệt, giải độc, cải thiện thị lực, giảm ho và đờm. Chàng trai trẻ đã được cha cho ăn mật rắn cùng nhiều món khác liên quan tới rắn suốt 5 năm kể từ anh lên 7 tuổi.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong thực hành y tế, giáo sư Sheng Jifang đã hình thành một chẩn đoán sơ bộ trong tâm trí của ông, rất có thể bệnh nhân đã nhiễm ký sinh trùng. Kết quả kiểm tra cuối cùng đã xác nhận đúng như nghi ngờ của giáo sư Sheng Jifang, nam thanh niên đã nhiễm sán nhái vào tới não và chúng đang dần "ăn" não bộ của anh. Điều này bắt nguồn từ thói quen ăn mật rắn.
Ngay khi biết điều này, người cha của chàng trai trẻ vô cùng hối hận bởi chính ông là người đã khiến cho con trai phải chịu tình cảnh như bây giờ.
Thói quen ăn mật rắn sống suốt 5 năm là nguyên nhân khiến người đàn ông nhiễm sán nhái. (Ảnh minh họa)
Sán nhái là gì?
Sán nhái có tên khoa học là Spirometra erinaceieuropaei. Hình dạng sán giống một dải băng màu trắng, rộng khoảng 3mm và dài 3cm-30cm. Về hình thể, sán nhái không xác định được đầu và không có nội tạng. Phần cuối phía trước phình to và có một đường rãnh.
Bệnh nhân bị nhiễm sán nhái qua ba đường: uống nước nhiễm ấu trùng sán; ăn thịt rắn, ếch, nhái... nấu chưa chín; đắp thịt ếch, thịt rắn lên vết thương hở. Ngoài ra, ấu trùng sán nhái xâm nhập qua da khi bơi lội trong nước bẩn.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh sán nhái thường xảy ra sau khi ấu trùng di chuyển đến vị trí dưới da. Đích đến của ấu trùng thường là mô hoặc cơ ở ngực, thành bụng, tứ chi hoặc bìu, các vị trí khác bao gồm mắt, não, đường tiết niệu, màng phổi, màng ngoài tim và ống sống.
Sán nhái khi trưởng thành xâm nhập vào não có thể gây động kinh, liệt nửa người. (Ảnh minh họa)
Các giai đoạn đầu của bệnh ở người thường không có triệu chứng, một số biểu hiện có thể bắt gặp như đau ở các mô xung quanh vị trí dưới da khi ấu trùng sán lớn lên. Các nốt dưới da rời rạc phát triển có thể xuất hiện và biến mất trong một khoảng thời gian. Các nốt thường ngứa, sưng, đỏ và có thể di chuyển, đôi khi bị phù nề đau đớn.
Động kinh, liệt nửa người và đau đầu cũng là những triệu chứng phổ biến của bệnh do sán nhái gây ra, đặc biệt là bệnh sán nhái ở não và bạch cầu ái toan. Các triệu chứng lâm sàng cũng thay đổi tùy theo vị trí của sán như bệnh chân voi từ vị trí trong các kênh bạch huyết, viêm phúc mạc từ vị trí trong ruột và áp xe não từ vị trí trong não.
Bệnh sán nhái ở mắt: Tùy vào vị trí ký sinh của sparganum ở mắt, bệnh nhân có thể bị lồi mắt, viêm loét giác mạc, phù mi mắt, viêm dây thần kinh thị giác; bệnh nhân thấy xốn mắt, cử động nhãn cầu khó khăn, giảm thị lực. Nếu không chữa trị kịp thời dây thần kinh thị giác viêm nặng có thể gây mù.
Để phòng ngừa nhiễm sán nhái, mọi người không sử dụng thịt ếch, thịt rắn, da rắn để bôi da, không ăn thịt ếch, rắn,... còn sống, không uống nước chưa đun sôi,...