Nhiều ý kiến cho rằng, sau tiêm vaccine COVID-19 không có phản ứng phụ gì sẽ không có tác dụng bảo vệ. Điều này có thực sự đúng?
Thời gian qua, nhiều người được tiêm vaccine COVID-1 đều chia sẻ gặp phải những phản ứng phụ rất mạnh như sốt cao, cơ thể mệt mỏi, đau đầu… Họ cho rằng điều đó chứng tỏ cơ thể đã tạo miễn dịch. Tuy nhiên, có những người sau tiêm lại chẳng có phản ứng phụ nào. Khi tiêm về họ cảm giác như chưa hề được tiêm. Không ít người lo lắng việc sau tiêm không có các phản ứng phụ là không tốt, không có tác dụng bảo vệ. Điều này có thực sự đúng?
Về vấn đề này, BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ý) cho biết, đáp ứng sau tiêm ở mỗi người khác nhau. Khi tiêm vaccine vào cơ thể cũng giống như việc chúng ta đưa một chất lạ hay đưa hẳn tác nhân giống tác nhân gây bệnh vào cơ thể. Cơ thể nhận biết các tác nhân, từ đó tạo ra các kháng thể cũng như tế bào đặc hiệu để chống lại tác nhân gây bệnh. Khi những tác nhân gây bệnh thực sự vào, cơ thể sẽ tiêu diệt các tác nhân gây bệnh đó. Trong quá trình này sẽ xảy ra các hoạt động kích hoạt hệ thống miễn dịch.
Tương tự việc một người bị nhiễm bệnh, cơ thể sẽ đáp ứng với chất lạ theo nhiều cách khác nhau. Có rất nhiều trường hợp chúng ta đã thấy bị mắc COVID-19 mà hoàn toàn không có biểu hiện triệu chứng nào trước đó. Khi tiêm vào cũng sẽ có người hoàn toàn không có bất cứ biểu hiện gì sau tiêm. Số lượng người này có thể chiếm tới 40% số người được tiêm. Nhiều người đi tiêm về họ cảm giác như chưa hề được tiêm chủng. Điều này là hết sức bình thường.
Ngoài ra, hầu hết vaccine có tác dụng bảo vệ mạnh mẽ, sinh ra miễn dịch mạnh mẽ hay kèm theo những phản ứng tương đối mạnh ở những người được tiêm. Các vaccine này đều cho người được tiêm cảm giác giống như trải qua lần nhiễm virus. Cơ thể mệt mỏi, chiến đấu với lượng kháng nguyên tạo ra của vaccine, từ đó tạo ra miễn dịch rất mạnh mẽ. Những người đi tiêm về có phản ứng khó chịu như sốt, đau tại chỗ tiêm… cũng là điều bình thường.
Sau tiêm vaccine mỗi người có phản ứng phụ khác nhau. Ảnh TL
BS Phạm Quang Thái nhấn mạnh, không thể căn cứ vào có hay không có các phản ứng bất lợi sau tiêm để nói rằng có miễn dịch hay không. Không thể nói rằng với những người không có phản ứng gì lại là những người không có miễn dịch. Thực tế, mỗi cơ thể có một đáp ứng khác nhau đối với chất lạ từ bên ngoài vào bên trong cơ thể. Và vẫn có những người hoàn toàn không có một phản ứng rõ rệt nào nhưng lại có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ vì họ có sẵn rèn luyện. Giống như họ đã có phơi nhiễm tác nhân tương tự như vậy trong quá khứ. Khi gặp những tác nhân như này họ dễ dàng vượt qua và có được đáp ứng miễn dịch tốt.
"Nếu chỉ căn cứ vào những phản ứng phụ sau tiêm để đánh giá có miễn dịch hay không thì hoàn toàn không chính xác. Muốn biết có miễn dịch phòng bệnh tốt hay không phải thông qua kháng thể tạo ra ở cơ thể người đó như thế nào và khả năng chống chịu của họ khi gặp tác nhân thực tế như thế nào. Thực tế cho thấy những người dù không cho thấy đáp ứng bất lợi sau tiêm vẫn được bảo vệ tốt với tác nhân gây bệnh là virus SARs-CoV-2" – BS Thái cho hay.
Chuyên gia cũng khuyến cáo, việc tiêm phòng vaccine COVID-19 hay bất cứ vaccine nào tỷ lệ bảo vệ cũng không thể đạt 100%. Có nghĩa khi đã tiêm cũng có thể vẫn mắc COVID-19, vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác. Thực tế tiêm chủng nhiều năm qua cho thấy nhiều trường hợp ghi nhận bị nhiễm virus sau khi tiêm, nhất là khi mới chỉ tiêm 1 mũi.
Do đó, dù đã được tiêm vaccine, người được tiêm vẫn cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh khác, đặc biệt là thực hiện biện pháp 5K (đeo khẩu trang, thực hiện khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế) theo khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ bản thân và người xung quanh.