Một người phụ nữ bị đau từ bụng dưới liên tục khẳng định đang mang thai và lo sợ sảy thai. Tuy nhiên sau khi kiểm tra bác sĩ phát hiện sự thật đáng xấu hổ.
Bác sĩ cấp cứu Tian Zhixue tại Bệnh viện Trường Canh, Đài Loan chia sẻ trong chương trình Doctor is Hot trường hợp một cô gái trẻ 19 tuổi đã lập gia đình vào viện cấp cứu vì đau bụng. Cô gái cho biết bị đau bụng dưới lan đến cả lưng và nói rằng đang mang thai nên lo lắng sẽ sảy thai do cơn đau bụng lạ.
Tuy nhiên vì bệnh viện không có hồ sơ mang thai của nữ bệnh nhân và vì cơn đau bụng bất thường của cô nên bác sĩ cho cô gái dùng nước tiểu để thử thai trước, không ngờ lại cho kết quả không có thai. Khi biết kết quả, cô gái trẻ nói một cách hoài nghi: "Không thể nào, tôi thật sự có thai!" Cô gái khẳng định mình đã kết hôn 1 năm và gần đây cô không có kinh nguyệt, bụng cũng ngày càng to.
Cô gái trẻ khẳng định đang mang thai nhưng kết quả cuối cùng cho thấy cô thực ra bị táo bón. (Ảnh minh họa)
Trước lời khẳng định của bệnh nhân, bác sĩ Tian Zhixue sắp xếp cho cô gái lấy xét nghiệm máu để xác định có mang thai hay không, nhưng kết quả vẫn là không có thai. Lúc này cả bác sĩ và bệnh nhân đều có chút hoang mang quyết định cho cô gái đi siêu âm và thực sự không có thai nhi trong tử cung.
Kết quả khi chụp X-quang, bác sĩ phát hiện bụng nữ bệnh nhân không có thai mà chứa đầy chất thải. Người phụ nữ xấu hổ nói: “Nhưng mà bụng tôi to lên…” Cuối cùng bác sĩ dùng thuốc xổ và triệu chứng đau bụng của cô gái cũng giảm dần.
Bác sĩ Tian Zhixue tiếp tục chia sẻ một trường hợp khác cũng liên quan tới táo bón nhưng ở tình huống ngược lại. Một cô gái trẻ 19 tuổi chưa lập gia đình đi cấp cứu cho biết bụng bị căng đầy, không thể đại tiện, đau đến mức phải dùng thuốc xổ vài lần vì táo bón.
Thoạt nhìn qua bác sĩ thấy bụng của cô gái to lên như người mang bầu nhưng cô khẳng định không có thai và kiên quyết không thử thai. "Bác sĩ cứ trực tiếp cho em uống thuốc xổ, em thực sự rất đau", cô gái cầu xin bác sĩ cấp cứu. Để đề phòng, bác sĩ Tian Zhixue vẫn quyết định siêu âm cho nữ bệnh nhân. Kết quả là cô gái không có đầy bụng hay táo bón mà thực sự có bầu và còn sắp sinh.
Bác sĩ Tian Zhixue chia sẻ một trường hợp khác ngỡ táo bón nhưng hóa ra có bầu.
Bác sĩ Tian Zhixue chia sẻ trong phòng cấp cứu có thể gặp không ít những ca bệnh kỳ lạ như vậy. Bác sĩ Zheng Chengjie, một bác sĩ sản phụ khoa nổi tiếng cũng cho biết thêm, hơn 30 năm trước, do không có bảo hiểm y tế nên nhiều phụ nữ mang thai không được khám, một số thai phụ thuộc gia đình nghèo đã đến thẳng bệnh viện cho đến khi mang thai đủ tháng, nhưng tình hình hiện đã được cải thiện nhiều.
Những trường hợp không hề biết có thai cho tới ngày sinh hiện còn rất ít, đôi khi một số phụ nữ nhầm lẫn cử động của thai nhi là nhu động đường tiêu hóa. Một số khác vẫn bị ra máu một ít hàng tháng trong thai kỳ nên không nghĩ mình có bầu. Không ít người vì không có kiến thức nên không tìm đến sự chăm sóc y tế kịp thời.
Dấu hiệu táo bón kéo dài cần biết để tránh nhầm lẫn
Những triệu chứng táo bón kéo dài bao gồm:
- Đi đại tiện ít hơn 3 lần/tuần và giảm theo mức độ nghiêm trọng của táo bón
- Đi đại tiện khó khăn: phải rặn nhiều, vận động các cơ bụng, cơ hoành nhiều trong thời gian kéo dài
- Phân rắn, lổn nhổn từng cục như phân dê
- Đi đại tiện ra máu tươi do dùng lực rặn mạnh dẫn đến niêm mạc hậu môn bị xây xát
- Đau bụng, đau bụng dữ dội kèm theo chướng hơi, đầy bụng
- Thường xuyên phải nhờ sự hỗ trợ từ bên ngoài để giúp đi đại tiện dễ dàng hơn.
Chú ý tới tần suất đi đại tiện cũng như đặc điểm của phân của bản thân để phát hiện ra những bất thường, biểu hiện của táo bón kéo dài. Từ đó có các phương pháp điều trị phù hợp cũng như đề phòng những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe do táo bón kéo dài gây ra.
Táo bón kéo dài có nguy hiểm không?
Nếu không để ý và điều trị sớm, táo bón kéo dài làm rối loạn chức năng vị tràng, khiến các chất cặn bã không được đào thải. Việc không đào thải được độc tố lâu ngày có thể gây viêm nhiễm trực tràng, các chất gây ung thư tích tụ trong đại tràng và trực tràng sẽ dẫn đến căn bệnh ung thư đại tràng.
Táo bón kéo dài còn là dấu hiệu phổ biến của bệnh trĩ. Phân đọng lại ở trực tràng lâu ngày làm cản trở tuần hoàn, sinh ra trĩ nội, trĩ ngoại. Để càng lâu trĩ càng tiến triển nhanh và nặng, gây ra những khó chịu trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày.
Táo bón kéo dài ở trẻ em, nếu mẹ để tình trạng này kéo dài không có giải pháp điều trị kịp thời thì sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ như:
- Biếng ăn: Táo bón khiến phân tích tụ không thoát ra ngoài, gây chướng bụng, đầy hơi làm trẻ ăn không ngon miệng, chán ăn, khó tiêu,... Từ đó dẫn đến chứng biếng ăn, kém hấp thụ dinh dưỡng gây
- Giảm sức đề kháng: Không được bổ sung đủ chất dinh dưỡng cần thiết sẽ làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể
- Bệnh trĩ: Ở trẻ nhỏ, phân ứ đọng lâu ngày trong trực tràng gây cản trở quá trình tuần hoàn máu, lâu dần gây nên bệnh trĩ.
Nên làm gì khi bị táo bón kéo dài?
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bổ sung nhiều chất xơ, vitamin từ rau xanh, ngũ cốc và trái cây
- Ăn nhiều sữa chua
- Uống đủ nước mỗi ngày
- Vận động cơ thể
- Rèn luyện thói quen đi đại tiện đều đặn
- Tư thế ngồi đúng khi đi vệ sinh.