Coi chừng biến chứng thủy đậu

Ngày 24/01/2013 06:03 AM (GMT+7)

Thủy đậu là căn bệnh nhiều trẻ em măc phải, nhưng biến chứng của nó rất nguy hiểm.

Cuối đông, đầu xuân là thời điểm thuận lợi cho bệnh thủy đậu bùng phát. Ở nhiều vùng quê, người dân áp dụng những phương pháp phản khoa học để chữa bệnh, dẫn tới bệnh nhân bị bội nhiễm, biến chứng.

Dễ biến chứng

Bà Phạm Thị Mùi (Châu Khê, Bắc Ninh) chăm sóc cháu ở khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) đã được 8 ngày. Bà cho biết, cháu gái 15 tháng tuổi bị thủy đậu nặng. Lúc đầu, cơ thể bé chỉ nổi 1-2 nốt đỏ, sau đó phồng rộp nhiều chỗ. Gia đình mua thuốc xanh methylen bôi, sau đó vết phồng lan rộng, bị bội nhiễm lên mắt khiến mắt bé sưng húp, không mở được. Cháu bé lại bị sốt cao đến 40 độ C, nên gia đình phải đưa cháu đi cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Lê (khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) cho biết, cháu bé bị bội nhiễm do gia đình chăm sóc, vệ sinh không đúng cách. Theo bác sĩ Lê, thủy đậu là bệnh do virus Varicella Zoster gây ra với các biểu hiện như trẻ quấy khóc, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, sau 1-2 ngày xuất hiện các vết mụn rộp ở ngực, bụng, lưng, mặt, chân tay và vùng da đầu. Bệnh thủy đậu lây truyền qua tiếp xúc, qua hô hấp, ho, hắt hơi và qua dịch ở các mụn nước. Bệnh có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Nhưng nhiều trường hợp bị nặng, các bác sĩ cũng có thể kê thuốc đặc trị kìm hãm sự phát triển của virus. Các vết mụn cũng sẽ tự biến mất, không để lại sẹo.

Coi chừng biến chứng thủy đậu - 1

Một ca thủy đậu ở khoa Nhi – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư

Tuy nhiên, bác sĩ Lê cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị bội nhiễm do thủy đậu với các biểu hiện như sốt cao, ho, viêm phổi, quấy khóc nhiều, mắt kết mủ không mở được, thậm chí co giật, rối loạn tinh thần. Các trường hợp này đều phải điều trị rất lâu, có bé còn bị viêm não, để lại hậu quả lâu dài.

Cần chăm sóc đúng cách

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, những ngày này có tới hàng trăm ca bệnh nhi nhiễm thủy đậu tới khám. Theo tiến sĩ Bùi Vũ Huy – Phó Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư), sai lầm của các bậc cha mẹ là khi con bị bệnh không vệ sinh thân thể cho con. Trẻ em nông thôn bị bệnh vẫn ra ngoài đường, nghịch bẩn, ngứa gãi, mất vệ sinh.

Khi trẻ bị thủy đậu nên cách li khoảng 7-10 ngày, rửa tay tiệt trùng sau khi tiếp xúc với trẻ để tránh lây lan. Vệ sinh thân thể cho trẻ bằng nước sôi để nguội, rửa nhẹ bằng khăn mềm. Có thể đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ sốt cao, các vết rộp có hiện tượng đục (bình thường thì mụn nước trong).

Ngoài ra, nhiều cha mẹ dùng các bài thuốc lá tự tắm, rửa cho con mà không quan tâm đến việc tiệt trùng khiến các vết loét bị bội nhiễm nhiều hơn. Lại có trường hợp mẹ bôi thuốc của ông lang không rõ nguồn gốc khiến các mụn rộp bị sưng tấy, trẻ bị nhiễm trùng máu, dẫn đến sốc, co giật.

Cách duy nhất phòng tránh thủy đậu là tiêm phòng cho trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cần đề phòng cả việc trẻ không thích ứng với vaccin, có thể vẫn bị bệnh thủy đậu, mặc dù bệnh có thể diễn tiến nhẹ hơn so với trẻ chưa tiêm.

Tiến sĩ Huy cũng lưu ý, thuỷ đậu thường mắc ở trẻ dưới 10 tuổi, tuy nhiên người lớn cũng có thể mắc . Nếu phụ nữ mang thai bị thủy đậu trong nửa đầu thai kỳ sẽ có nguy cơ bị sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.

Theo Diệu Linh (DâN Việt)
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp