Các chuyên gia cho biết, trẻ em rất nhạy cảm, giống như hoa lan cần môi trường đặc biệt để phát triển mạnh.
Alicia - một người mẹ đến từ một vùng nông thôn gần Burlington, Vermont (Mỹ), nhận thấy rằng cô con gái 4 tuổi của cô có những hành vi dường như không giống với những gì được mô tả trong những cuốn sách nuôi dạy trẻ mà cô đang đọc.
Con gái cô sẽ bật khóc khi nghe thấy tiếng chim kêu quá lớn hoặc một người hát không đúng giai điệu hoặc khi không được ăn mặc đẹp. Và cô bé luôn đòi mẹ bế cũng như không bao giờ muốn ở một mình. Những đòi hỏi liên tục này đã khiến người mẹ mệt mỏi. Alicia lo lắng rằng có thể có điều gì đó không ổn trong tâm lý con.
Những đứa trẻ rất nhạy cảm quan sát thế giới rất sắc bén, nhưng có xu hướng bị kích thích quá mức. (Ảnh minh họa)
Sau đó, cô đã đọc một cuốn sách mà trong đó mô tả chính xác những biểu hiện của con gái và được các nhà tâm lý học gọi là đứa trẻ rất nhạy cảm. "Những mô tả trong sách hoàn toàn phù hợp. Nó đã giúp tôi nhận ra rằng mọi thứ sẽ khác một chút với con gái tôi và tôi cần phải chấp nhận điều đó", Alicia nói.
Nhạy cảm thường được coi là một điểm yếu trong xã hội vốn coi trọng những người có tính quyết đoán, mãnh mẽ hơn. Tuy nhiên, Alicia đã coi sự nhạy cảm của con mình như một món quà - mặc dù rõ ràng nó cũng chứa không ít thách thức.
Những đứa trẻ rất nhạy cảm là những người quan sát thế giới một cách sắc bén, nhưng có xu hướng bị kích thích quá mức. Chúng thường có nội tâm mãnh liệt và có khả năng sáng tạo cao, nhưng luôn cảnh giác với những tình huống mới và những người chúng không quen biết.
Chúng cũng dễ dàng thấu hiểu được tâm trạng và cảm nhận được nỗi đau của người khác. Sự đồng cảm này khiến những đứa trẻ nhạy cảm dễ thu hút các bạn cùng lứa tuổi và đôi khi ngay cả người lớn cũng muốn tâm sự với những đứa trẻ này. Khi lớn lên, những đứa trẻ nhạy cảm thường tham gia vào các công việc giúp đỡ như tư vấn và chăm sóc sức khỏe, những nơi có thể phát huy tốt sự nhạy cảm của chúng.
Michael Pluess, giáo sư tâm lý học phát triển tại Đại học Queen Mary, London (Anh) cho biết những đứa trẻ có thể được chia thành ba nhóm:
- Những đứa trẻ rất nhạy cảm được ông gọi là "hoa lan", là loài hoa đẹp cần môi trường rất đặc biệt để phát triển;
- Những đứa trẻ “bồ công anh” cứng cáp, có thể mọc hầu như ở bất cứ đâu;
- Nhóm ở giữa - nhóm lớn nhất là nhóm "hoa tulip", nằm ở giữa hai nhóm trên tức là không quá nhạy cảm nhưng cũng không quá cứng rắn.
Những đứa trẻ "hoa lan" thường nhạy cảm và những đứa trẻ "hoa bồ công anh" có sự cứng rắn hơn. (Ảnh minh họa)
“Việc phân loại này không phải để chia ra ai tốt hơn, ai xấu hơn", Pluess giải thích, “Đó là những tính cách khác nhau, mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng của họ. Điều quan trọng là phải truyền đạt một cách nhất quán với đứa trẻ rằng sự nhạy cảm của chúng không phải là vấn đề, đó là sức mạnh để chúng có thể phát triển một ý thức lành mạnh."
Theo nhà tâm lý học Elaine Aron, tác giá cuốn sách The Highly Sensitive Person xuất bản năm 1996 đã phổ biến thuật ngữ này cho khoảng 1/5 trẻ em. Aron đã phát triển một bài kiểm tra gồm 23 câu hỏi, thường được sử dụng để giúp xác định xem một đứa trẻ có nhạy cảm cao hay không.
Aron nói: "Một đứa trẻ có độ nhạy cảm cao là một trong số 15-20% trẻ sinh ra có hệ thần kinh nhận thức cao và phản ứng nhanh với mọi thứ." Những đứa trẻ như vậy phản ứng cực kỳ nhanh với môi trường xung quanh cho dù đó là ánh sáng, âm thanh, mùi hay tâm trạng chung của những người xung quanh - những đứa trẻ này đều sẽ tiếp thu.
Tracy Cooper, một nhà nghiên cứu tại Đại học Baker ở Thành phố Baldwin, Kansas (Mỹ), người tự nhận mình là một người rất nhạy cảm, cho biết bộ não của những người như vậy có những đặc điểm riêng biệt. Các nghiên cứu hình ảnh não đã chỉ ra rằng chúng “có mức độ hoạt động cao hơn trong các tế bào thần kinh phản chiếu, điều này liên quan đến sự đồng cảm và xã hội hóa, và có nhiều kết nối hơn trên các phân đoạn khác nhau của não, thông báo cho sự sáng tạo,” ông nói.
Giáo sư Michael Pluess lại phát hiện ra rằng trải nghiệm cuộc sống đặc biệt là những ngày đầu đời, cũng có tác động lớn tới việc một đứa trẻ có trở nên nhạy cảm hay không. “Chúng tôi phát hiện ra rằng khoảng 50% sự khác biệt về độ nhạy cảm giữa mọi người là do yếu tố di truyền, nửa còn lại do môi trường, bao gồm cả môi trường trước khi sinh,” Pluess nói.
Với nhận thức nhạy bén, những đứa trẻ nhạy cảm thường có năng khiếu về trí tuệ, sáng tạo và cảm xúc, thể hiện lòng nhân ái chân thành ngay từ khi còn nhỏ. Mặt hạn chế là những đứa trẻ nhạy cảm cũng có thể dễ dàng bị tác động mạnh bởi đám đông, tiếng ồn, sự thay đổi đột ngột và cảm xúc đau khổ của người khác.
Giáo sư Plues cũng đã phát hiện ra rằng những người nhạy cảm cao được hưởng lợi nhiều hơn những người kém nhạy cảm hơn từ những trải nghiệm tích cực. Trong một nghiên cứu năm 2015 về trẻ vị thành niên ở Anh, ông phát hiện ra rằng những người nhạy cảm cao tỏ ra phản ứng nhanh hơn với liệu pháp điều trị trầm cảm so với những người kém nhạy cảm.
Nhưng mặt trái của nó là những người nhạy cảm cao cũng dễ bị tổn thương bởi những trải nghiệm đau đớn khi còn nhỏ và đôi khi bởi sự thiếu hiểu biết đơn giản của người lớn.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các bé trai cũng có độ nhạy cảm cao gần giống với các bé gái. Nhưng những cậu bé có sự nhạy cảm cao thường bị coi là không phù hợp với quy chuẩn rằng con trai phải nam tính nên thường phải chịu đựng sự tức giận và cả hành vi bạo lực.
Giúp trẻ bình tĩnh khi chúng lo lắng và dạy trẻ cách chấp nhận và phát huy sự nhạy cảm của bản thân là cách tốt nhất. (Ảnh minh họa)
Nhà nghiên cứu Cooper cũng nói rằng điều quan trọng là tôn trọng nhu cầu của những đứa trẻ nhạy cảm kể cả các bé trai và không ép buộc chúng tham gia các hoạt động cạnh tranh như thể thao đồng đội nếu chúng không muốn.
Các giáo viên đôi khi có thể nhầm lẫn sự nhạy cảm cao với các tình trạng khác, bao gồm chứng sợ xã hội, rối loạn phổ tự kỷ hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý. Sự nhạy cảm đôi khi cũng bị nhầm lẫn với sự nhút nhát. Trong khi phần lớn trẻ em nhạy cảm cao là người hướng nội, khoảng 30% là người hướng ngoại, mặc dù chúng có xu hướng dễ bị kích thích quá mức trong các tình huống xã hội.
Candy Crawford, một nhà trị liệu đã có các cuộc hội thảo với các trường học ở khu vực Chicago (Mỹ) cho biết: “Các nhà giáo dục thường ngạc nhiên về mức độ căng thẳng của những học sinh này khi ở trong môi trường học đường. Tôi nói với họ rằng khi những đứa trẻ này cảm thấy lo lắng, chúng nên được phép đứng lên, đi lại và lấy nước uống.”
Bác sĩ Judith Orloff, một bác sĩ tâm thần lâm sàng tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ) từng là một đứa trẻ nhạy cảm và khi còn nhỏ, cô luôn cảm thấy lo lắng hoặc chán nản mỗi khi đi vào trung tâm mua sắm hoặc những nơi đông đúc. Khi đó, người lớn thường bảo cô ấy "hãy cứng rắn lên."
"Đó là lời khuyên sai lầm", bác sĩ Judith Orloff. “Hãy dạy chúng hít thở sâu vài lần, hình dung ra khung cảnh thư giãn và bình tĩnh. Hoặc đôi khi bạn chỉ cần loại bỏ những đứa trẻ nhạy cảm khỏi những tình huống khiến chúng lo lắng. Hãy giúp chúng chấp nhận những khả năng tuyệt vời của chúng và không bị kích thích quá mức, hơn là kìm hãm những đặc điểm của chúng bằng thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo âu.
Những đứa trẻ này cần được chăm sóc và quan tâm nhiều hơn để chúng có thể hiểu rằng sự nhạy cảm của mình là thế mạnh và biết tận dụng điều đó cho sự sáng tạo, đồng cảm, đồng thời học cách quản lý đời sống tình cảm phong phú của bản thân.