Bạn hoàn toàn có thể ứng phó với chứng bệnh đang dần dần trở nên phổ biến trong xã hội nếu biết đầy đủ những kiến thức về chúng.
Xã hội hiện đại, những vấn đề về bệnh tâm lý còn nguy hiểm hơn cả. Còn nhớ năm 2017, sự việc mẹ nhẫn tâm giết đứa con thơ bé bỏng chỉ vì một chứng bệnh mang tên trầm cảm đã gây chấn động dư luận. Lúc này người ta mới thực sự hiểu được sự nguy hiểm của con "quái vật" tâm lý đáng sợ vẫn luôn ngấm ngầm len lỏi trong mỗi người. Vậy thật sự trầm cảm là gì, sức mạnh của nó lớn thế nào mà có thể khiến một người bình thường trở nên cực đoan như vậy?
TRẦM CẢM LÀ GÌ?
Trầm cảm là chứng rối loạn tâm trạng gây ra cảm giác buồn bã, thất vọng, tự cô lập bản thân, ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của cá nhân. Tình trạng này gây trở ngại không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta và thậm chí có thể dẫn tới việc tự tử.
Trầm cảm không chỉ là nỗi buồn hay sự cô đơn trong một thời gian ngắn mà nó kéo dài trung bình từ 6-8 tháng.
Chứng trầm cảm tưởng như đơn giản nhưng thật sự rất nguy hiểm và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vào năm 2015, ước tính có 16,1 triệu người trưởng thành ở Mỹ (từ 18 tuổi trở lên) bị mắc chứng trầm cảm. Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIMH) đã tuyên bố trầm cảm trở thành chứng bệnh phổ biến nhất về rối loạn tâm lý.
Trầm cảm có thể ảnh hưởng tới bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi, giới tính mà chúng ta không thể lường trước được. Theo NIMH thì số phụ nữ mắc trầm cảm nhiều gấp đôi so với nam giới.
Trong báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng phụ nữ từ 40-59 tuổi có tỷ lệ trầm cảm cao nhất (chiếm 12,3%).
TRIỆU CHỨNG BỆNH TRẦM CẢM
Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, những người bị trầm cảm không chỉ đơn giản là trải qua cảm xúc buồn rầu, cô độc, chán nản mà còn có thể trải qua những triệu chứng khác bao gồm:
- Dễ bị kích động, hay bồn chồn
- Suy giảm khả năng tình dục
- Không thể tập trung hay đưa ra quyết định
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Thay đổi thói quen ăn uống, ăn nhiều hoặc ít hơn
- Mệt mỏi, thiếu sức sống
- Đau đầu hay đau toàn thân
- Cảm thấy tuyệt vọng, thiếu lòng tin vào bản thân
- Không tham gia các hoạt động xã hội bình thường
- Có ý nghĩ tự tử
NGUYÊN NHÂN GÂY RA TRẦM CẢM
Các nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm hiện nay vẫn chưa được hiểu một cách đầy đủ và chính xác nhất nhưng các nhà khoa học cho rằng trầm cảm có thể là do sự kết hợp của nhiều yếu tố như di truyền, thay đổi mức độ truyền dẫn thần kinh, môi trường, tâm lý và xã hội.
Ngoài ra có những người có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn so với những người khác vì những nguyên nhân dưới đây:
- Do hoàn cảnh tác động: mất mát người thân, ly hôn, các mối quan hệ không tốt đẹp, mắc bệnh khó chữa.
- Tính cách: Những người có tâm lý yếu thường khó đối phó được với những trở ngại trong cuộc sống.
- Di truyền: Có người thân từng mắc trầm cảm bậc 1
- Trẻ em bị chấn thương tâm lý
- Sự ảnh hưởng của thuốc như thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc hạ huyết áp
- Lạm dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá,…
- Bị chấn thương ở đầu
- Từng bị trầm cảm
- Các chứng bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh phổi mãn tính hay tim mạch
ĐIỀU TRỊ CHỨNG TRẦM CẢM
Có đến một nửa số người bị trầm cảm mà không nhận được sự trợ giúp y tế. Chứng trầm cảm nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại những hậu quả xấu cho bản thân và xã hội.
Có 3 phương pháp điều trị trầm cảm phổ biến nhất đó là liệu pháp tâm lý, thuốc và dùng sốc điện.
Liệu pháp tâm lý
Hay còn được gọi là tư vấn trị liệu. Phương pháp này đã được chứng minh là giúp không ít những bệnh nhân thoát khỏi trầm cảm. Các liệu pháp tâm lý bào gồm liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), liệu pháp tâm lý cá nhân và giải quyết vấn đề. Trong trường hợp trầm cảm nhẹ thì có thể lựa chọn cách chữa đầu tiên, trong những trường hợp nặng hơn có thể sử dụng kết hợp trị liệu tâm lý và dùng thuốc.
Phương pháp CBT là những buổi trò chuyện riêng giữa hai người là bệnh nhân với bác sĩ hoặc theo nhóm giữa nhiều bệnh nhân với chuyên gia. Họ có thể gặp mặt trực tiếp hoặc chia sẻ qua điện thoại. Với sự phát triển của công nghệ, giờ đây các chuyên gia cũng có thể điều trị thông qua máy tính.
Liệu pháp tâm lý cá nhân sẽ giúp bệnh nhân xác định được các vấn đề tâm lý bị ảnh hưởng từ các mối quan hệ và xã hội. Từ đó biết được mức độ ảnh hưởng và cách thức để thay đổi.
Gặp bác sĩ tâm lý hoặc chữa bằng thuốc là cách chữa trầm cảm phổ biến nhất. (Ảnh minh họa)
Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chữa trầm cảm luôn phải được kê theo đơn của bác sĩ. Thuốc thường được sử dụng cho những bệnh nhân có mức độ trầm cảm từ trung bình cho tới trầm trọng. Tuy nhiên trẻ em được khuyến cáo không nên dùng thuốc để chữa bệnh. Một số loại thuốc được sử dụng trong việc điều trị trầm cảm như:
- Thuốc ngăn hấp thụ ngược serotonin có chọn lọc (SSRIs) được tung ra thị trường vào giữa và cuối năm 1980.
- Thuốc ngăn hấp thụ ngược serotonin và norepinephrine là loại thuốc chống trầm cảm mới hơn.
- Thuốc ba vòng (TCA) MAOIs là một trong những loại thuốc chữa trị trầm cảm đầu tiên.
- Monoamine oxidase inhibitors là một trong những loại thuốc điều trị trầm cảm sớm nhất.
Các bác sĩ cũng khuyên nên tiếp tục sử dụng thuốc để điều trị dù các triệu chứng đã được cải thiện nhằm ngăn ngừa tái phát nhưng phải đúng liều lượng và tuân theo sự chỉ định của chuyên gia.
Bởi Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) từng cho biết “thuốc chồng trầm cảm có thể làm tăng ý nghĩ hoặc hành động tự sát ở trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên trong vài tháng đầu điều trị.”
Nếu có bất cứ phản ứng phụ nào cần báo ngay với bác sĩ và ngưng sử dụng thuốc.
Trị liệu bằng sốc điện
Đối với bệnh trầm cảm nghiêm trọng, không thể chữa trị bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý, bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp sốc điện. Tuy nhiên liệu pháp này có thể gây ra các tác dụng phụ như lú lẫn hoặc mất trí nhớ, thường là chỉ trong khoảng thời gian ngắn hạn.
CÁCH PHÒNG NGỪA CHỨNG TRẦM CẢM
Trầm cảm thực tế có thể dễ dàng phòng ngừa nếu như chúng ta biết cách thay đổi thói quen sống thật khoa học, lành mạnh.
- Tập thể dục: Cố gắng dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể thao.
- Đi ra ngoài: Ngay cả khi bạn cảm thấy chản nản cũng nên ra ngoài, việc gặp gỡ nhiều người hay tận hưởng không gian xung quanh cũng có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
- Bớt suy nghĩ: Nếu thấy mệt mỏi, hãy thư giãn đừng suy nghĩ quá nhiều khiến não bộ cảm thấy căng thẳng.
- Nói chuyện nhiều hơn: Hãy trò chuyện với những người mà bạn thấy tin tưởng, chia sẻ cảm xúc với họ.
- Ăn uống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng hợp lý
- Tránh xa chất kích thích
- Ngủ đủ giấc