Một người đàn ông 44 tuổi đã bị sốc khi kéo ra một con sán dây vẫn còn sống từ hậu môn khi đi vệ sinh.
Theo Daily Mail, anh Kritsada Ratprachoom từ Udon Thani, Thái Lan sau khi đưa con tới trường và đi về thì đột nhiên cảm thấy muốn đi vệ sinh. Khi sắp đi vệ sinh xong, Kritsada đột nhiên cảm thấy có gì đó ở không đúng ở “bên dưới” và như có vật gì mắc kẹt.
Khi cố gắng nhìn xuống phía dưới, anh thấy có thứ nhô ra khỏi hậu môn. Nghĩ rằng đó là đoạn dây còn sót lại từ ca phẫu thuật ruột thừa mà anh thực hiện từ 1 tuần trước nên Kritsada quyết định kéo nó ra.
Tuy nhiên càng kéo, anh lại càng thấy “sợi dây” càng dài và cảm thấy dính dính, co giãn không giống chỉ phẫu thuật. Đáng sợ hơn là khi kéo hết “sợi dây” ra, Kritsanda mới nhận ra đó thực sự là một con sán dây dài tới 9 mét.
Khi thả con sán xuống bồn cầu để xả đi, Kritsada vẫn thấy nó còn sống và ngọ nguậy khiến anh vô cùng kinh hãi. Kritsada không hiểu con sán dây đã có trong cơ thể anh từ bao giờ và xâm nhập bằng con đường nào.
Đây không phải trường hợp đầu tiên có sán dây trong cơ thể với kích thước "khủng" như vậy. Ngay tại Việt Nam cũng từng có trường hợp bác sĩ lấy ra sán xơ mít dài tới 7 mét. Đó là một người đàn ông ở Quảng Nam bị nhiễm sán gần 2 năm do thường xuyên lên rừng ăn rau sống và thịt chưa được nấu chín.
Nhiễm sán dây, hay nhiễm sán dải, xảy ra khi sán dây đi vào trong cơ thể và sống trong ruột. Sán dây thuộc nhóm ký sinh trùng thân dẹt sống trong nhiều loại động vật khác nhau như lợn, gia súc, cừu và cá.
Sán dây lây nhiễm cho người và sống trong ruột. Con người có thể ăn phải trứng hoặc sán con (ấu trùng) có trong thức ăn và thức uống nhiễm khuẩn. Trứng và ấu trùng chui ra khỏi cơ thể thông qua sự co bóp ở ruột (sự tống phân). Tuy nhiên, nếu chúng không được đào thải ra khỏi cơ thể, trứng cũng có thể nở thành ấu trùng và chui ra khỏi ruột, hình thành u nang ở những cơ quan khác (phổi và gan) và gây ra bệnh tật nghiêm trọng.
Sán dây dài tới 9 mét từ cơ thể người đàn ông.
Cách phòng ngừa nhiễm sán
Bệnh nhiễm sán dây trở nên nặng hơn khi bệnh nhân không có ý thức giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là vệ sinh ăn uống và thân thể; môi trường sống ô nhiễm, dơ bẩn chứa nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.
Hơn nữa, bệnh nhân khi mắc bệnh không chữa trị đúng cách, đúng thời hạn và không khám kiểm tra sức khỏe thường xuyên tại các trung tâm y tế, cũng như uống thuốc tẩy giun định kỳ. Ngoài ra, bạn nên:
- Tẩy giun sán cho cả gia đình;
- Uống thuốc đã được chỉ định và kiểm tra lại sau 3 tới 6 tuần;
- Gọi cho bác sĩ khi có những triệu chứng xuất hiện lại và không nên bỏ qua lần kiểm tra sau khi điều trị;
- Chỉ nên ăn thịt đã qua kiểm định;
- Nên nấu chín thịt bò, heo và cá (ít nhất 70 độ C). Không nên ăn thịt hoặc cá tươi sống, nấu tái, đặc biệt khi du lịch nước ngoài. Khi đi du lịch, không ăn trái cây và rau củ cho đến khi rau củ quả được rửa sạch hoặc nấu chín với nước sạch;
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Rửa sạch tay sau khi đi vệ sinh sẽ ngăn ngừa nhiễm khuẩn.