Cứ đến chu kỳ kinh nguyệt, cô gái 18 tuổi lại đau bụng dữ dội nên quyết định đến gặp bác sĩ nhờ can thiệp. Tại bệnh viện, nữ bệnh nhân được xác định có bất thường ở cơ quan sinh dục và phải cắt tử cung.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Minh, trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Hàm mặt (Bệnh viện E Trung ương) cho biết, thời gian qua, khoa tiếp nhận một số nữ bệnh nhân mắc hội chứng Rokitansky (không âm đạo) đến tư vấn và can thiệp xử lý. Bệnh nhân đến ở mọi lứa tuổi và có hoàn cảnh khác nhau, có trường hợp đã lập gia đình nhưng tan vỡ, có những người tuổi đã gần 50 mà vẫn lẻ bỏng, hay cũng có những thiếu nữ vừa tròn 18.
“Một đặc điểm rất đặc biệt của các bệnh nhân này là họ đều rất xinh đẹp, cao ráo và các bộ phận trên cơ thể đều chuẩn mực. Duy chỉ có hệ thống sinh sản là gặp vấn đề”, bác sĩ Minh chia sẻ.
Đa số các bệnh nhân khi mắc hội chứng Rokitansky vì thiếu thông tin hoặc e ngại nên không đi khám và can thiệp kịp thời, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống. Thậm chí có trường hợp khi lập gia đình mới biết mình không thể quan hệ được, hay có những cô gái cứ đến chu kỳ kinh nguyệt, đau bụng dữ dội nhưng kinh không thể thoát ra ngoài, lúc đó mới vội vàng đến viện.
Theo bác sĩ Minh, đa số các trường hợp bị hội chứng Rokitansky đều có nhan sắc, ngoại hình lý tưởng.
Điển hình như trường hợp của cô gái trẻ mới 18 tuổi, chưa quan hệ tình dục, đến viện trong tình trạng đau bụng theo chu kỳ hàng tháng. Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết bệnh nhân mắc hội chứng Rokitansky, đồng thời bị tử cung nhi hóa, không có ống thông từ tử cung ra ngoài.
“Bệnh nhân này dù có tử cung nhưng rất nhỏ và không có chức năng gì ngoài tiết ra máu kinh hàng tháng. Chính việc máu kinh được tiết ra nhưng không có ống để thoát ra ngoài nên bệnh nhân bị bế kinh, gây ra những cơn đau bụng khi đến tháng”, bác sĩ Minh giải thích.
Với trường hợp này, sau khi thăm khám, các bác sĩ cũng nghĩ đến phương án tạo hình âm đạo, rồi tiếp tục tạo ống để nối với tử cung. Tuy nhiên, do tử cung nhi hóa không giúp cho việc sinh sản sau này nên các bác sĩ đã quyết định cắt bỏ tử cung, chỉ tạo hình âm đạo để giúp người bệnh có thể sinh hoạt tình dục.
“Thời điểm đến khám bệnh nhân mới 17 tuổi 11 tháng, chưa đủ tuổi để thực hiện phẫu thuật, nên phải đợi thêm một tháng mới can thiệp được. Sau khi can thiệp, chất lượng sống của bệnh nhân được tăng lên rõ rệt”, bác sĩ Minh cho hay.
Sau khi tạo hình âm đạo, cắt tử cung nhưng bệnh nhân vẫn có thể có con được nhờ mang thai hộ, vì chất lượng buồng trứng khá tốt.
Trường hợp này, nếu nhờ các biện pháp hỗ trợ, người bệnh hoàn toàn có thể có con bằng cách nhờ mang thai hộ bởi buồng trứng và hormone của cô gái bình thường, chất lượng buồng trứng cũng khá tốt.
“Chúng tôi từng tiếp nhận một trường hợp tương tự, hai vợ chồng kết hôn rồi nhờ mang thai hộ thành công. Sau đó, người chồng đưa vợ đến viện tạo hình âm đạo và mới sinh hoạt tình dục được”, bác sĩ Minh kể lại.
Chia sẻ sâu hơn về hội chứng Rokitansky, bác sĩ Minh cho biết, thông thường người phụ nữ sinh ra đã có ống Muller để phát triển biệt hóa thành tử cung và âm đạo. Những người không phát triển biệt hóa được ống này được gọi là mắc hội chứng Rokitansky.
Tuy nhiên, mỗi cá thể lại có sự phát triển biệt hóa khác nhau. Có bệnh nhân chỉ có một phần ống âm đạo nhưng rất ngắn, có người lại không có gì. Do vậy, các bác sĩ sẽ tùy từng trường hợp mà có cách xử lý khác nhau, có thể tạo hình lại hoàn toàn, tạo hình thêm hoặc đôi khi chỉ cần nong âm đạo.
Tương tự với tử cung, có người ống Muller không phát triển, chỉ là một dải dài như cái đũa. Có trường hợp tử cung chỉ phình ra như cái thìa rồi không phát triển được nữa, do vậy khi mang thai chúng không thể giãn nở để đủ sức chứa thai nhỉ 2-3kg. Đó là lý do những trường hợp này mang thai hay bị sảy khi thai phát triển đến một mức độ nhất định, thậm chí là vỡ tử cung.
Bác sĩ Minh khuyến cáo phụ nữ mang thai nên khám định kỳ theo tư vấn của bác sĩ, để từ đó phát hiện bất thường. Ngoài ra, trong quá trình phát triển cũng cần phải lưu ý đến những dấu hiệu bất thường (không có kinh nguyệt) để đi khám và có biện pháp xử lý kịp thời.