Bệnh phụ khoa: Dấu hiệu, triệu chứng và những loại thường gặp

Bệnh phụ khoa là những loại bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống sinh sản của nữ giới, như âm đạo, tử cung, buồng trứng,... và thậm chí cả ngực. Hiện nay chị em phụ nữ vẫn chưa phổ biến khái niệm khám phụ khoa định kì, vậy nên khả năng mắc bệnh mà không được phát hiện là cực kì cao.

Tổng quan về bệnh

Bệnh phụ khoa là khái niệm để chỉ tất cả các bệnh lý liên quan đến cơ quan sinh dục của phụ nữ như: âm đạo, âm hộ, cổ tử cung, tử cung, vòi trứng, buồng trứng, hệ thống dây chằng... 

Theo thống kê, khoảng 70% phụ nữ mắc bệnh phụ khoa, đặc biệt là những người đã từng quan hệ tình dục và sinh con là đối tượng có nguy cơ dễ mắc hơn cả. Bệnh phụ khoa của phụ nữ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống, đặc biệt trong "chuyện vợ chồng" và việc sinh sản. Do đó, nếu như không được phát hiện và khám chữa kịp thời, bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống cùng như để lại nhiều hậu quả khó lường.

Dấu hiệu nhận biết

- Kinh nguyệt không đều

- Khí hư bất thường, có màu lạ và mùi khó chịu

- Ngứa vùng kín

- Vùng kín có mùi hôi

- Đau rát khi quan hệ tình dục

- Một số dấu hiệu khác như: đau bụng vùng dưới, đau lưng lâu ngày, cơ thể suy nhược, mệt mỏi...

Nguyên nhân

- Vệ sinh vùng kín không đúng cách

- Quan hệ tình dục không an toàn

- Nạo phá thai

- Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi không hợp lý

- Sử dụng một số loại thuốc

Những loại bệnh phụ khoa thường gặp

1. Viêm âm đạo

Viêm âm đạo là loại bệnh phụ khoa của phụ nữ thường gặp nhất. Đây là tình trạng viêm, nhiễm trùng tại âm đạo khi bị vi khuẩn, nấm hoặc vi trùng xâm nhập. Hầu hết phụ nữ đều mắc phải bệnh viêm âm đạo ít nhất một lần trong đời, tùy mức độ nặng nhẹ. Bệnh viêm âm đạo có thể xuất hiện do quan hệ tình dục không lành mạnh, vệ sinh vùng kín không sạch sẽ và đúng cách, sử dụng sai sản phẩm vệ sinh... Có 3 loại viêm âm đạo phổ biến nhất là: Trichomoniasis, viêm âm đạo do vi khuẩn và nhiễm trùng nấm men. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm âm đạo có thể gây ra nhiều bệnh lý khác nguy hiểm hơn.

Một số dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh viêm âm đạo là: Khí hư bất thường, âm đạo ngứa hoặc đau rát, đau khi đi tiểu, đau khi quan hệ tình dục, xuất huyết âm đạo nhẹ.

2. Viêm cổ tử cung

Viêm cổ tử cung là tình trạng viêm nhiễm ngoài cổ tử cung, thường xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đây cũng là loại bệnh phụ khoa nhiều phụ nữ gặp phải. Nguyên nhân mắc viêm cổ tử cung cũng gần giống với bệnh viêm âm đạo. Bệnh này phát triển theo 2 giai đoạn: cấp tính và mãn tính. Tùy vào mỗi giai đoạn bệnh, sẽ có những dấu hiệu và triệu chứng khác nhau.

Những dấu hiệu thường gặp của viêm cổ tử cung: Khí hư bất thường, có màu nâu và mùi khó chịu, đau khi đi tiểu, đau khi quan hệ tình dục, giảm khoái cảm...

3. U xơ tử cung

U xơ tử cung là tình trạng tử cung của phụ nữ xuất hiện những khối u nhỏ, mọc đơn lẻ với những kích thước khác nhau. U xơ tử cung thường là khối u lành tính và không ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh, tuy nhiên nếu để lâu ngày không được chữa trị thì có thể gây ra những bệnh lý liên quan nguy hiểm hơn.

Người mắc bệnh u xơ tử cung thường có những dấu hiệu: Rối loạn kinh nguyệt; đau bụng, đau lưng, đau vùng xương chậu; bí tiểu hoặc tiểu rắt; đau hoặc chảy máu khi quan hệ tình dục; táo bón; sờ vào vùng bụng dưới thấy cứng hoặc có khối u cứng...

4. U nang buồng trứng

U nang buồng trứng và căn bệnh khi buồng trứng có sự xuất hiện bất thường của những khối u nang, là những túi chứa chất lỏng. Khối u này có thể là do sự tích tụ dịch tiết bất thường hoặc do sự phát triển bất thường của khối cấu tạo không nằm trong buồng trứng tạo thành. Có 2 loại u nang buồng trứng chính: u nang buồng trứng cơ nang, và u nang buồng trứng thực thể.

Những biểu hiện thông thường của u nang buồng trứng: Khí hư bất thường, đau bụng dưới, rối loạn kinh nguyệt, đau ngực, buồn nôn, đau vùng xương chậu, đau rát khi quan hệ...

5. Viêm lộ tuyến cổ tử cung

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là hiện tượng nhiễm trùng hoặc tổn thương tế bào lót cổ tử cung. Nguyên nhân gây nên những tế bào viêm lộ tuyến có thể là do rối loạn nội tiết tố nữ estrogen trong cơ thể, bệnh lậu, herpes sinh dục, mất cân bằng vi khuẩn hay hormone, kích ứng với băng vệ sinh hoặc bao cao su, quan hệ tình dục không an toàn, vệ sinh vùng kín không sạch sẽ và đúng cách...

Những biểu hiện của viêm lộ tuyến cổ tử cung: Khí hư bất thường, màu xám hoặc vàng nhạt; đau bụng hoặc đau vùng thắt lưng; đau rát ở âm hộ và âm đạo; tiểu rắt, đau khi đi tiểu; đau khi quan hệ tình dục; xuất huyết âm đạo; có thể sốt...

6. Polyp cổ tử cung

Polyp cổ tử cung là tình trạng xuất hiện những khối u nhỏ, mọc kéo dài trên cổ tử cung. Thường có một hoặc nhiều nhất là 3 polyp. Bệnh này thường hay gặp ở phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ trong độ tuổi từ 40-50 tuổi. Đây là loại bệnh lành tính, không phát triển thành ung thư nhưng nếu không được chữa trị kịp thời, nó vẫn ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của phụ nữ.

Một số dấu hiệu của polyp cổ tử cung: Âm đạo tiết dịch bất thường, rối loạn kinh nguyệt, đau khi quan hệ tình dục...

7. Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến với phụ nữ, chỉ sau ung thư vú. Ung thư cổ tử cung do virus HPV gây nên. Nó được hình thành khi tế bào niêm mạc cổ tử cung phát triển bất thường và khó kiểm soát, tạo thành khối u lớn. Ung thư cổ tử cung không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống mà còn có thể nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

Ung thư cổ tử cung thường có 4 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Khi mới nhiễm virus HPV, những biểu hiện còn mờ nhạt và chưa rõ ràng.

- Giai đoạn 2: Xuất hiện một số triệu chứng nhưng có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác.

- Giai đoạn 3: Tế bào ung thư ảnh hưởng đến cơ thể, đây là giai đoạn tế bào ung thư phát triển mạnh mẽ nhất.

- Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn cuối, khi tế bào ung thư đã di căn và lan rộng ra cơ thể, tỷ lệ chữa khỏi rất thấp.

Những dấu hiệu ban đầu của ung thư cổ tử cung khá giống với các bệnh phụ khoa khác: Đau khi quan hệ tình dục, đau bụng, buồn nôn, xuất huyết âm đạo, đau khi đi tiểu, kinh nguyệt bất thường... Do đó, để chắc chắn bạn có mắc ung thư cổ tử cung hay không, nên đến các cơ sở y tế để thăm khám kỹ càng.

8. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs)

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp phải như: bệnh lậu, bệnh giang mai, bệnh sùi mào gà, mụn rộp sinh dục...

Bệnh lây truyền qua đường tình dục được hình thành do sự lây nhiễm virus, vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng từ người này qua người khác thông qua con đường tình dục. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên các bệnh phụ khoa phổ biến ở phụ nữ. 

Biểu hiện của các bệnh lây truyền qua đường tình dục khá giống các bệnh phụ khoa khác như: Khí hư bất thường, đau khi đi tiểu, xuất huyết âm đạo, đau rát khi quan hệ tình dục, rối loạn kinh nguyệt... Ngoài ra, còn có một số triệu chứng rõ ràng hơn như: Có vết lở loét, mụn cóc, mụn rộp quanh bộ phận sinh dục; xuất hiện hạch ở háng gây viêm đau; âm đạo sưng đỏ và ngứa ngáy; cơ thể suy nhược, giảm cân, mệt mỏi, ớn lạnh và sốt...

Cách phòng tránh

Bạn có lẽ sẽ chỉ gặp bác sĩ phụ khoa mỗi năm một lần, vậy nên cách tốt nhất để phòng tránh các bệnh phụ khoa là trang bị đầy đủ kiến thức cho chính bản thân bạn.

Có một số thói quen gây hại cho sức khỏe sinh sản của chị em mà các bác sĩ muốn bạn tránh thật xa, đồng thời cũng có một số điều đơn giản mà họ muốn bạn làm thường xuyên hơn:

1. Không thụt rửa âm đạo

Hãy luôn nhớ rằng, âm đạo của bạn có cơ chế tự làm sạch. Việc thụt rửa chỉ khiến mất cân bằng pH trong âm đạo, khiến vi khuẩn dễ dàng tấn công khu vườn của bạn hơn. Mặc dù không nhiều người có thói quen này, nhưng đề phòng vẫn tốt hơn.

2. Thành thật về các thói quen khi đi khám

Nhiều phụ nữ khi đi khám phụ khoa đã nói dối về thói quen tình dục cũng như các thói quen khác như hút thuốc hoặc uống rượu. Yên tâm đi, công việc của bác sĩ phụ khoa là giúp đỡ chứ không phải phán xét bạn. Họ cần những thông tin chính xác để giúp bạn phòng chống các bệnh phụ khoa một cách hiệu quả nhất.

3. Thay quần lót thường xuyên

Sau khi tập thể dục hay tham gia vào các hoạt động khiến bạn toát nhiều mồ hôi hoặc sau 1 ngày làm việc, những gì bạn cần phải làm là thay ngay quần áo, đồ lót và đi tắm rửa sạch sẽ. Độ ẩm dư thừa có thể dẫn đến những kích ứng âm đạo không đáng có.

Thay đồ lót bằng những loại vải mềm, nhẹ như cotton sẽ khiến vùng kín thoáng và dễ chịu hơn.

4. Không dùng xà phòng, chất tẩy rửa ở khu vực âm đạo

Cũng giống như việc thụt rửa, xà phòng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự cân bằng pH của âm đạo. Những loại xà phòng trên thị trường được quảng cáo là dành riêng cho vùng kín cũng không cần thiết, bạn chỉ cần sử dụng những loại xà phòng dịu nhẹ, có độ pH hợp lí là được.

5. Quan hệ tình dục an toàn

Hãy đảm bảo rằng bạn vệ sinh vùng kín của bản thân và bạn tình thật sạch sẽ cả trước và sau khi quan hệ tình dục. Đồng thời, sử dụng bao cao su cũng bảo vệ bạn khỏi những căn bệnh lây qua đường tình dục, ví dụ như lậu, giang mai, sùi mào gà, ...

Thông Tin Cần Biết

Bệnh phụ khoa khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY

Top 10 loại rau củ tốt cho tim

Top 10 loại rau củ tốt cho tim

Nên ăn nhiều rau xanh, củ quả để bảo vệ trái tim, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Rau củ là nguồn cung cấp kali, magie tự nhiên rất quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp, giúp duy trì cân...