Theo các bác sĩ, cả nước mía và nước cam đều có tác dụng thanh nhiệt, dễ tiêu hóa, cũng như giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể nên rất thích hợp để sử dụng trong những ngày nắng nóng, nhất là khi đi chơi vào các ngày lễ.
Mía được mệnh danh "Thang thuốc phục mạch" nhưng lại dễ nhiễm khuẩn
Với 4 ngày nghỉ lễ, rất nhiều gia đình đã lên kế hoạch đi chơi, đi du lịch hay về quê thăm người thân. Theo các bác sĩ, để có kỳ nghỉ lễ ý nghĩa, người dân cần vui chơi lành mạnh, ăn uống đủ chất nhằm đảm bảo sức khỏe.
Để giải nhiệt và giữ nước cho cơ thể, ngoài uống đủ 1,5 - 2l nước/ngày, nhiều người còn lựa chọn uống thêm các loại nước như nước mía, nước cam. Đây là loại nước ép từ 2 loại cây có sẵn, được trồng nhiều ở nước ta, giá lại rẻ.
Theo BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên Khoa Y học cổ truyền - Trường Đại học Y Dược TP.HCM, mía là cây được trồng ở khắp nơi trên đất nước ta, ngoài ăn trực tiếp còn ép lấy nước uống. Nước mía được làm bằng cách ép cây mía đã gọt vỏ để lấy nước, có thể trộn với chanh hoặc các loại nước trái cây khác và cho thêm đá để tạo ra nước mía với hương vị ngon hơn.
Trong Đông y, mía còn được mệnh danh "Thang thuốc phục mạch", có vị ngọt tính hàn, bổ dưỡng, đại bổ tỳ âm, dưỡng huyết cường gân cốt, an thần trấn kinh tức phong, tả phế nhiệt, lợi yết hầu, hạ đờm hỏa, chỉ nôn, hòa vị, tiêu phiền nhiệt. Dùng để chữa suy nhược cơ thể, thanh nhiệt nhuận hầu họng, chữa ho, hen, nôn mửa, tình trạng hoảng hốt, tâm thần bất định.
Uống nước mía giúp giải nhiệt nhưng nó dễ bị nhiễm khuẩn ở giai đoạn ép lấy nước. Ảnh minh họa.
Theo y học hiện đại, nước mía rất giàu chất dinh dưỡng. Thành phần chủ yếu trong nước mía là đường saccaro, canxi, crôm, kẽm, các loại vitamin, cùng với nhiều phytonutrient, chất chống oxy hóa, protein và chất xơ hòa tan cần thiết cho cơ thể.
Nhờ công dụng giải nhiệt, bổ sung nước, chất điện giải và hương vị thơm ngon nên nước mía đã trở thành thức uống rất được ưa chuộng vào những ngày nắng nóng hay khi đi chơi ngoài trời. Ngoài tác dụng giải khát, nước mía còn có giúp bớt mệt mỏi, khoan khoái trong lòng, hạ hỏa giảm căng thẳng lo âu, tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng ốm nghén, cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, làm đẹp da.
Theo bác sĩ Vũ, dù nước mía mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời nhưng không uống quá nhiều dù rất khát, chỉ nên dao động dưới 240ml mỗi ngày (khoảng 2 ly) và nên dùng ngay sau khi ép, không để nước mía quá lâu bên ngoài dễ bị nhiễm khuẩn. Với những người có hệ tiêu hóa kém, đang sử dụng thuốc, bị tiểu đường, đang ăn kiêng, phụ nữ mang thai thì không nên uống nhiều.
Hơn nữa, nước mía phải trải qua khâu cạo vỏ, ép lấy nước bằng máy. Khi trải qua các khâu này, nếu không được làm sạch thì nước mía dễ dính bụi bẩn, vi khuẩn… nên độ nguyên chất sẽ giảm đi đáng kể. Vì vậy, tốt nhất chúng ta nên chọn ăn mía trực tiếp hoặc tự ép lấy nước uống sẽ đảm bảo an toàn hơn.
Cam giàu vitamin C nhưng dễ “ngậm” hóa chất, uống sai lại phản tác dụng
Nước cam cũng được nhiều người chọn uống trong những ngày nắng nóng hay đi du lịch, đi chơi lễ.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Sơn, Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cam chứa 60% hàm lượng vitamin C, nhiều chất dinh dưỡng tốt như các khoáng chất, chất chống oxy hóa, flavonoid và hợp chất thực vật. Vào những ngày thời tiết nắng nóng, hay khi đi chơi ngoài trời cơ thể thường rơi vào trạng thái thiếu nước và tụt năng lượng. Khi ấy bổ sung một ly nước ép cam giúp cơ thể giải nhiệt, tăng cường hệ miễn dịch.
Ngoài ra, các chất dinh dưỡng trong cam cũng có thể giúp bạn phòng ngừa ung thư, điều hòa hoạt động của hệ tuần hoàn, hỗ trợ máu lưu thông hiệu quả nhờ làm tăng nồng độ cholesterol HDL, đồng thời giảm cholesterol LDL xấu và ngăn ngừa được các bệnh mạn tính khác.
Uống nước cam giúp giải nhiệt, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, bác sĩ Sơn lưu ý, chúng ta không nên lạm dụng nước cam để tránh các tác dụng phụ. Không nên uống quá nhiều nước ép cam, đặc biệt là khi mắc tiểu đường, mỗi tuần chỉ nên uống tối đa 2 ly. Hạn chế pha thêm đường hoặc các chất tạo ngọt khác. “Tốt nhất, bạn nên uống nước cam khi bụng không no cũng không đói, tốt nhất là sau khi ăn khoảng 30-45 phút. Chỉ sử dụng nước ép cam sau khi pha chế trong thời gian một ngày. Tránh uống nước ép cam sau khi đã sử dụng các sản phẩm từ sữa”, bác sĩ Sơn khuyến cáo.
Ngoài ra, cam cũng là loại quả dễ bị phun thuốc trừ sâu trong quá trình trồng, vỏ quả cũng dễ dính bụi bẩn và các loại vi khuẩn. Nếu khi vắt lấy nước, nếu quả cam không được rửa sạch vỏ hoặc trái bị “ngậm” hóa chất uống sẽ không tốt. Vì vậy, tốt nhất bạn nên mua cam về tự vắt nước uống hoặc nên bóc vỏ, ăn trực tiếp cũng sẽ tốt hơn.
Có thể thấy về mặt dưỡng chất, cả nước mía và nước cam đều rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên mỗi loại nước đều có cách sử dụng riêng, hi vọng các ý kiến của bác sĩ qua bài viết ở trên sẽ giúp bạn có thêm bí quyết trong việc dùng 2 loại nước ép này để giải khát, tận hưởng kỳ nghỉ lễ trọn vẹn.