Đối phó với hội chứng mệt mỏi mạn tính

Ngày 22/01/2014 05:00 AM (GMT+7)

Bệnh mệt mỏi mạn tính gặp nhiều ở nữ giới gấp 2 lần nam giới, hay gặp ở lứa tuổi từ 25 - 45.

Hội chứng mệt mỏi mạn tính là tên gọi đối với những rối loạn đặc trưng bởi sự mệt mỏi, yếu sức và những khó chịu khác về cơ thể, thể trạng và thần kinh tâm lý như mệt mỏi, khó tập trung sự chú ý, đau đầu, đau cơ, đau khớp, khó ngủ, các rối loạn tâm lý, đau họng, sốt nhẹ... Bệnh gặp nhiều ở nữ giới gấp 2 lần nam giới, hay gặp ở lứa tuổi từ 25 - 45.

Mệt mỏi mạn tính tác động đến hệ thần kinh và nội tiết của người bệnh

Hội chứng mệt mỏi mạn tính thường gặp sau nhiễm virut kết hợp với các rối loạn miễn dịch và thường kèm theo trầm cảm. Có một số virut (Herpes, Retrovirus, Enterovirus...) là các tác nhân gây bệnh tiềm tàng. Các virut này có khả năng tồn tại lâu trong cơ thể và gây ra các bệnh mạn tính. Những nghiên cứu gần đây đối với những bệnh nhân bị hội chứng mệt mỏi mạn tính thấy rằng có sự bất thường về chức năng nội tiết làm giảm sản xuất hormon giải phóng corticotropin ở vùng dưới đồi. Độ tập trung cortisol trung bình thấp hơn người bình thường, mức độ ACTH lại cao. Có những bất thường về thần kinh - nội tiết có thể góp phần làm ảnh hưởng đến sinh lực và khí sắc của người bệnh. Những thay đổi này càng chứng tỏ bản chất phức tạp và đa nguyên nhân của hội chứng mệt mỏi mạn tính. Trầm cảm mức độ từ nhẹ đến vừa được thấy ở 2/3 bệnh nhân. Có thể nhiều bệnh nhân bị trầm cảm phản ứng, nhưng tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với những bệnh thực thể mạn tính khác.Mệt mỏi kéo dài làm giảm hiệu quả làm việc.

Đối phó với hội chứng mệt mỏi mạn tính - 1

Mệt mỏi kéo dài làm giảm hiệu quả làm việc

Khó phát hiện bệnh cụ thể ở người mệt mỏi mạn tính

Trong trường hợp điển hình, hội chứng mệt mỏi mạn tính khởi phát đột ngột ở những người trước đây vốn năng động. Một số bệnh nhân có một vài sự căng thẳng cấp tính. Mệt mỏi dai dẳng hoặc tái phát, hoặc dễ bị mệt mỏi không thể chịu đựng được, không đỡ sau khi nghỉ ngơi. Những triệu chứng khác gồm: đau đầu, đau họng, sưng hạch, đau cơ và đau khớp. Bệnh nhân thường có sốt nhẹ nên có thể nhầm lẫn với một số bệnh nhiễm khuẩn. Sau vài tuần, những dấu hiệu này giảm dần thì những triệu chứng khác đặc trưng của hội chứng trở nên rõ rệt hơn như rối loạn giấc ngủ, khó tập trung sự chú ý và trầm cảm. Người bệnh thường đi khám chuyên khoa dị ứng, tim mạch, truyền nhiễm, tâm thần... song thường không tìm ra bệnh. Khi mô hình của bệnh đã được thiết lập, triệu chứng có thể có một vài thay đổi. Vào giai đoạn mệt mỏi đạt cao điểm, người bệnh thường cảm thấy đau ở nhiều nơi và khó tập trung được sự chú ý. Người bệnh cũng cảm thấy căng thẳng quá mức về thể xác và tinh thần có thể làm triệu chứng của họ trầm trọng hơn. Phần lớn bệnh nhân vẫn duy trì được các công việc gia đình hay nơi làm việc. Một số người cảm thấy không đủ khả năng thực hiện bất kỳ một công việc nào. Thậm chí một số bệnh nhân yêu cầu được giúp đỡ trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Cuối cùng cảm giác bị cô lập, sự cam chịu và sự hẫng hụt có thể xuất hiện theo tiến trình kéo dài của bệnh. May mắn là hội chứng mệt mỏi mạn tính không tiến triển thêm. Ngược lại, nhiều bệnh nhân cảm thấy bệnh đỡ dần và cuối cùng bình phục.

Thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng thường quy cần được tiến hành để tìm ra các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng mệt mỏi này. Tuy nhiên, không có xét nghiệm cận lâm sàng nào là đặc hiệu để có thể chẩn đoán được trạng thái này hay đo được mức độ trầm trọng của bệnh. Bệnh nhân và bác sĩ đều có chung một tình trạng khó xử là hội chứng mệt mỏi mạn tính không có triệu chứng bệnh lý đặc trưng mà là một tập hợp các triệu chứng và phải dựa vào chẩn đoán loại trừ.

Cần được chăm sóc và điều trị lâu dài

Người bệnh cần được biết về bệnh và bệnh sinh của nó, ảnh hưởng của nó đối với cơ thể, tâm lý và xã hội, cũng như tiên lượng của bệnh. Bệnh nhân thường cảm thấy yên tâm hơn khi những khó chịu của họ được bác sĩ hay người nhà quan tâm. Cần tái khám định kỳ để đánh giá tiến triển của quá trình điều trị cũng như những triệu chứng mới phát sinh. Có nhiều triệu chứng của hội chứng mệt mỏi mạn tính đáp ứng với điều trị. Thuốc chống viêm giảm đau không steroid làm giảm đau đầu, đau lan tỏa và sốt nhẹ. Viêm mũi và viêm xoang dị ứng thường hay gặp ở các bệnh nhân này, do vậy các loại thuốc kháng histamin có thể có lợi. Mặc dù bệnh nhân không muốn được chẩn đoán là tâm thần nhưng vẫn cần phải đối mặt với triệu chứng trầm cảm nổi bật. Thuốc chống trầm cảm làm an dịu, cải thiện khí sắc và rối loạn giấc ngủ do đó phần nào làm giảm mệt mỏi. Thậm chí chỉ cải thiện triệu chứng ở mức độ vừa cũng đã đủ gây ra một ảnh hưởng tốt đối với sự tự tin và khả năng cảm nhận niềm vui cuộc sống của người bệnh.

Lời khuyên của thầy thuốc

Người bệnh cần có lối sống lành mạnh, hoạt động thể lực và sinh hoạt phù hợp. Nếu ăn nhiều, uống rượu và cà phê vào ban đêm có thể gây khó ngủ cùng với cảm giác mệt mỏi. Nghỉ ngơi hoàn toàn là có hại, nó làm cho tình trạng bệnh lý xấu đi và bệnh nhân tự cho mình là tàn phế. Cảm giác bị kiệt sức tăng lên nếu quá cố gắng hoạt động, căng thẳng... do vậy sẽ làm cho bệnh nhân né tránh hoàn toàn sự luyện tập. Cần khuyến khích và động viên tinh thần cho bệnh nhân. Liệu pháp tâm lý rất có hiệu quả nhằm xua tan những nhận thức sai lệch làm người bệnh không chịu hoạt động và thất vọng. Các thầy thuốc cần áp dụng tổng hợp các phương pháp tiếp cận về mặt thể chất, tâm lý và xã hội.

Theo BS. Nguyễn Đình Việt (Sức khỏe & Đời sống)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp