Đu đủ đứng đầu những quả có lợi cho sức khỏe, nhưng những người này nên hạn chế ăn

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 10/03/2021 07:00 AM (GMT+7)

Đu đủ là loại quả quen thuộc, có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe, tuy nhiên mọi người không nên lạm dụng, đặc biệt là phụ nữ mang thai.

Lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y quận Ba Đình – Hà Nội) cho biết, đu đủ là loại trái cây rất quen thuộc với người Việt. Nó còn đứng đầu trong danh mục những trái cây có lợi cho sức khỏe vì không chỉ giàu vitamin mà còn là vị thuốc tốt giúp cho cơ thể phòng được nhiều bệnh thường gặp.

Đu đủ hay còn có tên khác là mộc qua, cả quả chín và quả xanh đều có thể sử dụng vào những mục đích khác nhau. Theo đó, đu đủ chín chứa khoảng 70% nước, 13% đường, không có tinh bột, có nhiều carotenoit, axit hữu cơ, vitamin A, B, C, Protit, 0,9% chất béo, canxi, photpho, magiê, sắt, thiamin, riboflavin...

Còn đu đủ xanh cũng rất giàu vitamin như vitamin A, C, B1, B2 và các khoáng chất như kali, magiê, canxi, sắt, kẽm. Đặc biệt, nó chứa nhiều enzyme tự nhiên, trong đó enzyme papain là loại enzyme rất tốt cho cơ thể và có công dụng hỗ trợ điều trị bệnh tuyệt vời.

Đu đủ đứng đầu những quả có lợi cho sức khỏe, nhưng những người này nên hạn chế ăn - 1

Quả đu đủ dù chín hay xanh đều có rất nhiều giá trị dinh dưỡng.

Đu đủ có tính hàn, vị ngọt, thanh nhiệt, bổ tỳ, thông đại tiện, chủ trị chứng tích trệ, đại tiện táo két (táo bón). Ăn đu đủ vào mùa nào cũng tốt cho sức khoẻ. Mùa xuân - hè, ăn đu đủ có tác dụng thanh tâm nhuận phế, giải nhiệt, giải độc. Mùa thu - đông, ăn đu đủ có tác dụng nhuận táo, ôn bổ, tỳ vị, dưỡng can, nhuận phế, chỉ khái, hóa đàm.

Đặc biệt, trong đu đủ có nhiều vitamin C và caroten nên đu đủ có tác dụng chống oxy hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Do chứa nhiều các thành phần trên nên đu đủ rất hữu ích trong việc phòng chống các bệnh tim mạch và ung thư, tăng sức đề kháng cho cơ thể và là một trong những vũ khí đắc lực chống lại căn bệnh viêm túi mật xuất hiện nhiều ở phụ nữ.

Không chỉ phần thịt quả đu đủ có nhiều tác dụng với cơ thể, mà ngay cả nhựa và hạt đu đủ xanh cũng là vị thuốc trong đông y. Theo đó, hạt và nhựa đu đủ thường được sắc làm thuốc chống các loại ký sinh trùng đường ruột như giun, sán, chữa hen phế quản trẻ em và kích thích chức năng hoạt động của gan, mật.

Đu đủ đứng đầu những quả có lợi cho sức khỏe, nhưng những người này nên hạn chế ăn - 2

Không chỉ là món ăn, quả đu đủ xanh còn là vị thuốc chữa bệnh.

Rễ cây đu đủ sắc lấy nước uống chữa chứng tiểu rắt, buốt. Lá cây đu đủ cũng có thể giúp tẩy sạch máu mủ, sát trùng vết thương, chữa vết thương lở loét…

Lương y Bùi Hồng Minh tư vấn một số bài thuốc đu đủ:

- Bổ dưỡng nhuận tràng, trị táo bón: Đu đủ chín, gọt vỏ, bỏ hạt rồi ăn khoảng 100gram.

- Sát trùng vết thương, tẩy máu: Lá đu đủ tươi đun lấy nước tẩy rửa vết thương.

- Chữa rắn cắn: Rễ đu đủ sắc uống nước, bã đắp về thương.

- Làm tan sỏi mật, thận: Đu đủ xanh cắt bỏ đầu, nạo bỏ hạt, giữa nguyên vỏ, bỏ muối hoặc phèn chua nấu cách thủy chín mềm. Ăn nguội, liệu trình 7 ngày rồi nghỉ.

- Trị giun kim: Ăn đu đủ chín vào buổi sáng lúc đói, ăn liên tục 3-5 ngày.

- Chứng ít ngủ, hay hồi hộp: Đu đủ chín, chuối, củ cà rốt mỗi thứ 100g; xay trong nước dừa non. Thêm mật ong cho đủ ngọt, uống cách ngày.

- Trị ho do phế hư: Đu đủ xanh 100g, đường phèn 20g hầm ăn, ngày ăn 2 lần vào trưa và tối, ăn trong 3-5 ngày.

Đu đủ đứng đầu những quả có lợi cho sức khỏe, nhưng những người này nên hạn chế ăn - 3

Phụ nữ mang thai không nên ăn đu đủ xanh. (Ảnh minh họa)

Lưu ý khi ăn và những ai nên hạn chế hoặc tránh ăn đu đủ?

Lưu ý khi ăn

- Không nên ăn hạt quá nhiều: Dù đu đủ tốt cho sức khỏe nhưng vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, không nên ăn hạt đu đủ bởi trong hạt đu đủ có chứa chất độc gọi là carpine. Với một số lượng lớn carpine sẽ làm bạn bị rối loạn mạch đập và làm suy nhược hệ thống thần kinh.

- Không ăn đu đủ chín quá nhiều: Không ăn nhiều đu đủ chín hàng ngày trong thời gian dài vì sẽ khiến phần da lòng bàn tay, bàn chân bị vàng. Hiện tượng này hết sau một thời gian ngừng ăn.

- Ăn đu đủ nên hạn chế dùng lạnh vì bản thân đu đủ có tính hàn.

Những ai nên hạn chế ăn

- Loại quả này giàu đường nên cũng không dùng nhiều cho người đường huyết cao.

- Đu đủ chín có tính nhuận tràng, nên kiêng với những trường hợp đang đi ngoài hay đang uống các thuốc nhuận tẩy của Đông Tây y.

- Đặc biệt cần lưu ý với những người có cơ địa dị ứng với đu đủ, những người tiêu hóa kém, tiêu chảy, bị dạ dày, bị bệnh loãng máu hay có dấu hiệu vàng da.

- Đối với phụ nữ có thai không nên ăn đu đủ xanh sẽ rất có hại đến thai nhi và có thể gây ra sảy thai ngoài ý muốn.

Ăn đủ đủ nở ngực, chuối giúp nhuận tràng liệu có đúng? 5 sự thật nhiều người giờ mới biết
Ăn đu đủ giúp tăng vòng một, ăn chuối trị táo bón,... là những điều mà chúng ta nghe thấy rất nhiều nhưng liệu điều đó có chính xác.
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe