Thói quen ăn món cá tái sống có thể là nguyên nhân gây nhiễm sán lá gan, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí ung thư.
Theo tờ Urban Express, một người đàn ông 55 tuổi họ Xie ở Tứ Xuyên, Trung Quốc đến Hàng Châu làm việc hơn 10 năm. Thời gian trước, ông Xia đột nhiên bị chán ăn và tiêu chảy nhẹ, kèm theo mệt mỏi. Ban đầu ông nghĩ do căng thẳng, trầm cảm nhưng 4 tháng sau, ông Xie bắt đầu bị ớn lạnh và sốt nên đã tới Khoa Phẫu thuật Gan mật và Tụy của Bệnh viện Nhân dân số 1 Hàng Châu.
Kết quả kiểm tra khiến ông Xie vô cùng sốc, phần gan bên trái hoàn toàn rỗng và có ổ áp xe rất to. Bác sĩ đã phải chọc hút mủ ra, sau 3 tuần dù vết áp xe đã nhỏ lại nhưng vẫn còn một khối u trong gan. Sau khi hội chẩn, bàn bạc, các bác sĩ đã quyết định tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân và cắt bỏ phần lá gan bên trái. Sau khi mổ, bác sĩ nhận thấy một số lượng lớn các u bị áp xe, kiểm tra kỹ hơn thì đó chính là những chùm trứng sán lá gan.
Phần gan bên trái của bệnh nhân rỗng hoàn toàn và chứa đầy trứng sán.
Phẫu thuật xong, ông Xie kể lại, thời gian trước, khi trở về quê ở Hàng Châu để chăm sóc cha, ông đã mua cá ở quê và làm món đặc sản là chần sơ cá qua nước nóng khoảng chục giây rồi ăn tái sống cùng với dưa cải.
Bác sĩ nói với ông Xie: “Một khi cá bị nhiễm sán lá gan, con người cũng sẽ bị nhiễm bệnh ngay sau khi ăn phải con cá đó. Sán lá gan có thể sống 20 đến 30 năm và chúng có thể sinh sản từ 1.400-2000 trứng một lần đẻ. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, chúng không chỉ ở trong gan mà còn "ăn" gan, hậu quả là gan bị nhiễm trùng, xơ gan, thậm chí ung thư gan."
Thói quen ăn món cá tái sống của ông Xie là nguyên nhân gây nhiễm sán. (Ảnh minh họa)
Sán lá gan nguy hiểm thế nào?
Bệnh sán lá gan ở người gồm có bệnh sán lá gan nhỏ và bệnh sán lá gan lớn. Bệnh sán lá gan nhỏ thường do loài sán Clonorchis sinensis hoặc Opisthorchis viverrini gây ra, bệnh sán lá gan lớn thường do loài sán Fasciola gigantica.
Sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ là các ký sinh trùng có chu kỳ sống phức tạp, qua nhiều giai đoạn và ký sinh ở nhiều vật chủ. Sán lá gan lớn ký sinh trong gan mật người và một số loài động vật, sán trưởng thành đẻ trứng theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân. Nếu trứng gặp môi trường nước, sẽ nở ra thành ấu trùng lông ký sinh trong các loại ốc, sau đó phát triển thành ấu trùng đuôi rời khỏi ốc và bám vào các loại rau mọc dưới nước hoặc bơi tự do trong nước. Người hoặc trâu bò sẽ mắc bệnh sán lá gan lớn nếu ăn các loại rau thủy sinh có chứa nang sán hoặc uống phải nước lã có ấu trùng sán.
Sán lá gan ở người là bệnh nguy hiểm, gây nhiều biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Khi nhiễm sán lá gan lớn, sau khi vào dạ dày, tá tràng, các vỏ nang trùng sẽ giải phóng ra các ấu trùng. Các ấu trùng này xuyên qua thành tá tràng, vào ổ bụng rồi di chuyển đến nhu mô gan để sinh trưởng và phát triển.
Trong quá trình ký sinh ở gan, sán lá gan tiết ra các chất độc làm phá hủy nhu mô gan, gây áp xe gan. Sau khoảng 2-3 tháng phát triển ở nhu mô gan, sán có thể chui vào đường mật, tiếp tục phát triển và đẻ trứng trong một khoảng thời gian rất dài. Nếu không được phát hiện và điều trị, sán lá gan lớn có thể gây bệnh ung thư đường mật. Một số ít trường hợp, ấu trùng sán lá gan lớn di chuyển lạc chỗ và gây bệnh ở một số cơ quan khác như da, cơ, khớp, vú, dạ dày, đại tràng,...
Sán lá gan nhỏ sau khi xâm nhập vào nhu mô gan, sán non sẽ phát triển thành sán trưởng thành và đẻ trứng trong các đường dẫn mật. Từ khi ăn cá có nang trùng đến khi sán trưởng thành có khả năng đẻ trứng chỉ khoảng trong một tháng. Sán ký sinh trong những ống dẫn mật trong gan, mỗi sán lá gan nhỏ có hai mồm hút, bám chặt trong gan để chiếm thức ăn, gây những tổn thương nghiêm trọng ở gan và ống mật như xơ gan, tắc mật, xơ cứng ống dẫn mật,... Nếu không được điều trị, bệnh sán lá gan nhỏ có thể gây xơ gan cổ trướng, áp xe gan thoái hóa, đây là những bệnh lý rất nặng, nguy cơ tử vong cao.