Giải Nobel Y học vinh danh người tạo ra công nghệ vắc xin COVID-19

Ngày 03/10/2023 09:41 AM (GMT+7)

Chủ nhân giải Nobel lĩnh vực Y/Sinh học năm nay vừa được công bố, thuộc về hai nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissman vì nghiên cứu về công nghệ mRNA, tạo nên công cụ quan trọng để hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Hai nhà khoa học Katalin Karikó (phải) và Drew Weissman trở thành chủ nhân của giải Nobel Y học 2023.

Hai nhà khoa học Katalin Karikó (phải) và Drew Weissman trở thành chủ nhân của giải Nobel Y học 2023.

Chiều 2/10, Ủy ban Giải thưởng Nobel công bố hai chủ nhân của giải thưởng danh giá, được coi là đỉnh cao của thành tựu khoa học.

Ủy ban ca ngợi “những phát hiện mang tính đột phá” của hai nhà khoa học, “về cơ bản đã thay đổi hiểu biết của chúng ta về cách mRNA tương tác với hệ thống miễn dịch của con người”.

Karikó, nhà hóa sinh người Mỹ gốc Hungary, và Weissman, bác sĩ người Mỹ, đều là giáo sư tại Đại học Pennsylvania. Kết quả nghiên cứu của họ tạo nên nền tảng để hãng dược Pfizer cùng đối tác BioNTech, cũng như Moderna, tạo ra vắc xin sử dụng công nghệ mRNA.

Công nghệ mang tính cách mạng đã mở ra một chương mới của y học, có thể tiếp tục khai thác để phát triển vắc xin chống lại các bệnh khác như sốt rét, virus hợp bào hô hấp và HIV. Nó cũng mang lại một cách tiếp cận mới đối với các bệnh như ung thư, với triển vọng tạo ra vắc xin cá nhân hóa.

Các nhà nghiên cứu thường so sánh ADN với một cuốn sách công thức đồ sộ chứa tất cả những hướng dẫn về sự sống. mRNA là một chuỗi mã di truyền tạm thời mà tế bào có thể “đọc” và sử dụng để tạo ra protein – giống như một bản sao viết tay của một công thức nấu ăn trong sách dạy nấu ăn.

Với vắc xin mRNA, mã di truyền tạm thời được sử dụng để ra lệnh cho các tế bào tạo ra thứ trông giống như một mảnh virus, để cơ thể sinh ra kháng thể và các tế bào hệ thống miễn dịch đặc biệt để đáp lại. Công nghệ này không sử dụng virus sống hoặc virus giảm độc lực như những loại vắc xin khác.

J. Larry Jameson, phó chủ tịch điều hành của Trường Y UPenn, cho rằng công trình nghiêncứu mRNA “đã thay đổi thế giới”.

“Trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng lớn nhất trong đời chúng ta, các nhà phát triển vắc xin dựa vào những khám phá của TS Weissman và TS Karikó để cứu sống vô số sinh mạng và mở đường thoát khỏi đại dịch”, TS Jameson đánh giá.

Ông cho rằng công trình này để lại dấu ấn lâu dài trong y học.

Giải thưởng Y/Sinh mở màn tuần lễ giải Nobel hằng năm, tiếp nối sẽ là các giải vật lý, hóa học, văn học và kinh tế. Giải Nobel Hòa bình sẽ được công bố tại Na Uy vào cuối tuần này.

WHO: Hai nguyên nhân chính khiến COVID-19 càn quét châu Á
Phát biểu trực tuyến tối 4-5, tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 thuộc Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã giải thích những vấn đề liên quan đến làn sóng mới ở châu Á và sự tiến hóa liên tục của SARS-CoV-2.

Dịch COVID-19

Theo Bình Giang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vắc xin COVID-19