Dù đã hơn 1 tuần tích cực điều trị, nhưng 2 anh em sinh đôi mới 11 tháng tuổi vẫn đang nguy kịch, chưa thể tiên lượng trước được điều gì.
PGS Bùi Vũ Huy nói về 2 trường hợp mắc sởi biến chứng.
Xuất hiện trẻ mắc sởi có biến chứng nặng
PGS.TS Bùi Vũ Huy – Trưởng khoa Nhi (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, từ đầu năm đến nay, khoa tiếp nhận rải rảc với tổng số 34 ca bệnh mắc sởi. Trong đó, chủ yếu là các ca được chuyển đến từ Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Nội…
Cũng theo vị trưởng khoa này, hiện khoa vẫn đang điều trị cho 3 trường hợp bị sởi biến chứng rất nặng. Trong đó có 2 anh em sinh đôi, được 11 tháng tuổi và ở Hà Nội.
Theo thông tin các bác sĩ cung cấp, hai anh em mắc bệnh sởi, có tiền sử bị sinh non (sinh khi được 30 tuần tuổi) và chưa được tiêm phòng. Khi vào viện, cả 2 đều có những triệu chứng và tiến triển bệnh giống nhau.
Bác sĩ đang thăm khám cho 2 anh em bị mắc sởi biến chứng nặng.
Trước khi nhập viện điều trị, cả 2 cháu bé đều có biểu hiện sốt cao liên tục, kèm theo đó là ho, chảy nước mũi,… Đến ngày thứ 4, trên đầu bắt đầu xuất hiện ban đỏ, sau đó lan xuống người và tay chân, kèm theo đó là trẻ vẫn ho và sốt tăng lên.
Khi chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trẻ khó thở, suy hô hấp, rút lõm lồng ngực… Qua thăm khám các bác sĩ kết luận, bị viêm phổi nặng trên nền bệnh sởi.
Cùng với đó, các bác sĩ tiến hành hạ sốt, chống co giật, dùng kháng sinh mạnh và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
“Đến nay, dù đã 1 tuần điều trị tích cực, nhưng cả hai bệnh nhi vẫn chưa thuyên giảm, các bác sĩ vẫn đang tiếp tục theo dõi và chưa thể nói trước điều gì”, PGS Huy chia sẻ.
Trẻ mắc sởi chủ yếu do bố mẹ chủ quan
Trong số 34 trường hợp trẻ đến nhập viện tại khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, PGS Bùi Vũ Huy cho biết, có đến 33 trẻ là dưới 3 tuổi và 100% trẻ chưa hoặc không được tiêm vắc xin phòng bệnh.
Theo phân tích của PGS Huy, nếu so với cách đây khoảng 30 năm về trước thì bệnh sởi hiện nay đã giảm rất nhiều, những ca mắc sởi và bị biến chứng nặng tuyệt đại đa số là do trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc do bố mẹ chủ quan không tiêm chủng.
PGS Huy khuyên các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm phòng đúng tuổi, đúng lịch.
“Đã có thời điểm nhiều phụ huynh còn lên án, tẩy chay vắc xin. Đó là một quan điểm hết sức sai lầm, để lại hậu quả vô cùng nguy hiểm mà người gánh chịu chính là con em họ.
Khi đưa vào sử dụng bất kể một loại vắc xin nào, nhà sản xuất đều có những khuyến cáo về tỷ lệ tai biến nhất định, tai biến đó xảy ra là không mong muốn và chủ yếu là do cơ địa trẻ. Còn lại đa số là an toàn với trẻ được tiêm, vì thế việc không cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh là suy nghĩ quá sai lầm”, PGS Huy chia sẻ.
Trước những diễn biến bệnh sởi năm 2018, dù có tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng theo PGS Huy điều đó chưa có gì là bất thường.
Để phòng bệnh sởi cho trẻ, PGS Huy khuyến cáo, biện pháp đầu tiên là chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vắc xin Sởi –Rubella đầy đủ và đúng lịch.
Thứ hai, do bệnh sởi rất dễ lây, không nên cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Thứ ba, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Thứ tư, khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.