Hai bà cháu vào viện cấp cứu sau khi ăn canh trứng cà chua, cảnh báo thói quen nguy hiểm

HÀ VŨ. - Ngày 31/08/2020 19:15 PM (GMT+7)

Mới đây, Bệnh viện Lộ Kiều thành phố Đài Châu (Trung Quốc) đã tiếp nhận 2 bệnh nhân bị ngộ độc nặng, nguyên nhân là vì bát canh cà chua trứng.

Sau khi tìm hiểu được biết, bà Trần, 60 tuổi, nấu quá nhiều thức ăn vào bữa trưa nên ăn không hết, vì vậy đã để lại món canh trứng cà chua vào bữa ăn tối. Không ngờ rằng, do thời tiết nóng, món canh trứng cà chua đã bị biến chất… nên sau khi ăn món này vào bữa tối đã khiến bà Trần và cháu gái 5 tuổi bị đau bụng dữ dội, tiêu chảy. Hai bà cháu được gia đình đưa vào Khoa cấp cứu của Bệnh viện Lộ Kiều thành phố Đài Châu. Sau khi kiểm tra, bác sĩ kết luận 2 bà cháu bị “viêm đường ruột cấp tính”.

Hai bà cháu vào viện cấp cứu sau khi ăn canh trứng cà chua, cảnh báo thói quen nguy hiểm - 1

Bát canh trứng cà chua khiến 2 bà cháu phải vào viện cấp cứu

Câu chuyện của bà Trần đã cảnh báo mọi người, trong mùa hè nóng nực, không nên tiết kiệm, tiếc rẻ mà ăn thực phẩm đã hư hỏng, có thể sẽ mất mạng.

Các triệu chứng của bệnh viêm đường ruột cấp tính là gì?

Viêm đường ruột cấp tính là tình trạng viêm cấp tính niêm mạc đường tiêu hóa, là một bệnh nhiễm trùng thường gặp vào mùa hè, nguyên nhân do chế độ ăn uống không hợp lý (ăn quá no, lạnh) hoặc chế độ ăn không sạch sẽ (ăn đồ để qua đêm bị biến chất, thực phẩm không sạch), các biểu hiện chính là:

1. Đau bụng: Bệnh nhân rõ ràng sẽ cảm thấy đau co thắt hoặc dai dẳng quanh vùng bụng trên hoặc rốn, một số ít người sẽ bị đau dữ dội.

Hai bà cháu vào viện cấp cứu sau khi ăn canh trứng cà chua, cảnh báo thói quen nguy hiểm - 2

Đau bụng là biểu hiện rõ ràng của viêm đường ruột cấp tính

2. Tiêu chảy: Tiêu chảy là triệu chứng điển hình của bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột cấp, phân nhão hoặc lỏng màu vàng, có bọt hoặc dính một ít chất nhầy.

3. Buồn nôn và nôn: Nhìn chung, bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột cấp tính sẽ có cảm giác buồn nôn và nôn ói, trong trường hợp nặng, chất nôn sẽ có chút máu.

4. Các vấn đề khác: Một số bệnh nhân sẽ bị sốt, toàn thân khó chịu, dị ứng, trong trường hợp nặng còn có thể gây mất nước, mất cân bằng điện giải, sốc,…

Hãy đi khám càng sớm càng tốt trong những trường hợp sau:

- Tiêu chảy cả chục lần trong ngày và có các triệu chứng mất nước rõ ràng như khát nước, suy nhược, sốt cao trên 38 độ, đau bụng rõ rệt, thỉnh thoảng nôn mửa, tiêu chảy phân có máu và tinh thần bất an, hoảng loạn.

- Các triệu chứng trên kéo dài hơn 2 ngày không thuyên giảm.

- Đặc biệt lưu ý: Đối với nhóm đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân suy giảm miễn dịch, suy thận, ngay khi xuất hiện các triệu chứng của viêm dạ dày ruột cấp cần đến bệnh viện ngay ngay lập tức để được điều trị, bằng không có thể đe dọa đến tính mạng.

Nguyên tắc bảo quản thực phẩm trong mùa nóng

Thực phẩm chín

- Cần chú ý nấu sôi lại các loại thức ăn thừa và để nguội trước khi cất vào tủ lạnh. Tốt nhất, nên sử dụng các loại hộp thức ăn có nắp đậy kín để các loại thức ăn thừa không lẫn lộn vào nhau. Phải nấu lại cho sôi kỹ trước khi dùng lại các món ăn này và chỉ nên ăn lại một lần sau đó.

- Các chuyên gia dinh dưỡng cũng đưa ra lời khuyên, những món canh chỉ để tủ lạnh trong khoảng 24 giờ. Các món kho, mặn thì không nên để trong tủ lạnh quá 3 ngày.

Hai bà cháu vào viện cấp cứu sau khi ăn canh trứng cà chua, cảnh báo thói quen nguy hiểm - 3

Lưu trữ thực phẩm phải đúng cách để không ảnh hưởng đến sức khỏe

- Nếu bạn muốn cất thực phẩm trong tủ lạnh, tốt nhất nên nấu sôi, để nguội rồi cất vào luôn, không nên để thức ăn ở ngoài quá 2 tiếng rồi mới cho vào tủ lạnh.

- Nếu gia đình không có tủ lạnh hoặc trong những ngày cúp điện, có thể bảo quản phần thức ăn thừa trong thùng đá hoặc cho phần thức ăn thừa vào hộp đựng thực phẩm và đặt đá xung quanh hộp. Cho vào tủ lạnh ngay khi có điều kiện. Tuyệt đối không sử dụng những thức ăn đã có mùi ôi thiu hoặc màu sắc thay đổi bất thường.

Thực phẩm đông lạnh

- Với những gia đình đi chợ một ngày để dành cho nhiều ngày, nên làm sạch các loại thực phẩm tươi sống muốn dự trữ ngay sau khi đi chợ về, để hạn chế khả năng thực phẩm bị ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng.

- Giữ thịt, cá tươi sống trong ngăn đá là cách bảo quản an toàn nhất. Để tránh việc rã đông nhiều lần có thể khiến thực phẩm đông lạnh bị nhiễm khuẩn, nên chia thịt, cá thành từng phần nhỏ phù hợp với từng bữa ăn của gia đình.

- Với các loại rau xanh, cần nhặt bỏ phần gốc, lá sâu, lá giập và rửa sạch, sau đó cho vào bao đựng thực phẩm (có thể sử dụng túi xốp), buộc chặt miệng túi trước khi cất vào ngăn mát. Các loại rau cải, rau lá xanh… không nên để lâu quá một tuần, thời hạn dùng tốt nhất là trong vòng ba ngày kể từ lúc mua.

- Về nguyên tắc, thực phẩm tươi sống có thể để được đến 6 tháng. Tuy nhiên, các bác sĩ dinh dưỡng đưa ra lời khuyên, khi để lâu thì một số enzyme trong thực phẩm sẽ tự phân hủy và chuyển hóa, làm cho thực phẩm ít nhiều mất đi một số chất dinh dưỡng, chất béo hòa tan… Do vậy, thời gian bảo quản tối đa trong ngăn đá đối với thịt bò, cừu, dê là từ bảy đến 10 ngày; thịt heo, gà, vịt khoảng bảy ngày. Riêng với cá, nên sử dụng trong vòng ba ngày từ khi cất giữ trong ngăn đá để cá được tươi ngon hơn.

Canh cua đồng bổ mát nhưng đại kỵ với những thực phẩm này, nếu cố tình ăn dễ ngộ độc
Mùa hè nhiều người thường nấu canh cua ăn giải nhiệt, nhưng nếu không chú ý trong khâu chế biến sẽ dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
HÀ VŨ. Dịch từ QQ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh thường gặp