Một số câu nói tưởng như chỉ là thăm hỏi thông thường có thể gây "sát thương", nhất là vào dịp Tết, vô tình ảnh hưởng đến tâm lý, khiến người nghe dễ bị stress, trầm cảm.
Những câu hỏi sắc như dao trong dịp Tết
Tết là khoảng thời gian mọi người đoàn tụ bên nhau, cùng nhìn lại một năm cũ đã qua và đặt ra những định hướng cho năm mới. Thế nhưng, có không ít người luôn có cảm giác sợ Tết, thậm chí là không dám về với gia đình dịp Tết vì những lý do tế nhị.
Chị Nguyễn Thị Lan (34 tuổi, quê Phú Thọ) hiện là công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Năm nay dù công ty cho nghỉ Tết 10 ngày nhưng chị không về quê mà kết nối với một số người quen để đi bán hàng ăn xuyên Tết.
Chị chia sẻ, bản thân và gia đình không quá khó khăn, nhưng chị cảm thấy ngán ngẩm và lo sợ khi lần nào về quê, nhất là vào dịp nghỉ Tết, mọi người cũng hỏi: “Bao giờ lấy chồng” hay “Lấy chồng đi còn đẻ con, định làm bà cô à?”.
Nhiều cô gái cảm thấy áp lực khi nhận những câu hỏi về chuyện riêng tư. Ảnh minh họa.
Những câu nói đó ám ảnh chị những ngày Tết suốt 5-7 năm qua. Có năm chị về quê ăn Tế đến mùng 3 đã xuôi Hà Nội vì không muốn nghe những câu hỏi kiểu như vậy. “Gia đình biết tính tôi nên không đả đụng gì, nhưng những người anh em, họ hàng, làm xóm đến chơi chúc Tết ai cũng hỏi khiến tôi bị stress. Năm nay, tôi quyết định đi làm thêm dịp Tết để kiếm tiền thay vì về nhà để nghe những câu nói đó”, chị Lan chia sẻ.
Tiến sĩ tâm lý học Phạm Văn Tư - Phó trưởng khoa Công tác xã hội (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, những câu hỏi kiểu “bao giờ lấy chồng?”, “bao giờ sinh em bé?” sẽ rất dễ khiến người đối diện bị tổn thương. Trong dịp Tết, đáng ra nên tạo không khí vui vẻ thì việc hỏi những câu đó lại mang tới cảm giác trầm buồn, không khác gì “vết dao” cứa vào lòng người đối diện. Một kỳ nghỉ Tết kéo dài nhưng liên tục phải đối diện với hàng chục câu hỏi như vậy sẽ khiến người trong cuộc bị sang chấn tâm lý, stress, thậm chí là trầm cảm, không dám đi đâu, không dám tiếp xúc với mọi người.
“Phụ nữ khi nhận được câu hỏi đó rất dễ bị tổn thương, bởi thực tế nhiều người trong số họ rất muốn lập gia đình, sinh con nhưng vì lý do nào đó chưa thực hiện được. Bản thân tôi rất dị ứng với những câu hỏi đó. Nơi tôi làm việc hay trong gia đình, tôi cấm mọi người hỏi những câu khiến người khác tổn thương như vậy”, tiến sĩ Tư chia sẻ.
Hãy tinh tế xử lý để không mất lòng nhau ngày Tết
Bác sĩ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hồng Bách, Giám đốc Viện Tâm lý ứng dụng và phát triển MP cho rằng, với những người “có tuổi” nhưng chưa lấy chồng, sinh con thì sẽ chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là họ muốn cuộc sống như vậy, không vướng bận chuyện chồng con, sống cho bản thân. Với nhóm người này khi đối diện với những câu hỏi kiểu như: "Bao giờ lấy chồng? Bao giờ sinh con?" thì họ vui vẻ chấp nhận, thường không thấy ảnh hưởng gì.
Bác sĩ Hồng Bách cho rằng, những câu nói gây tổn thương với những người chưa lấy được chồng, chưa sinh con sẽ khiến họ bị sang chấn tâm lý ngày tết.
Nhóm thứ hai là những người muốn lấy chồng, muốn sinh con nhưng chưa thể thực hiện, thì khi đối diện với những câu hỏi như vậy thường dễ bị tổn thương và muốn trốn tránh, thậm chí sợ hãi tới mức cố “trốn Tết”. Nếu cố tình bị hỏi và dồn nén, họ có thể bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, lâu dần dễ gặp các vấn đề về tâm lý, tâm thần.
Để giải quyết vấn đề này, bác sĩ Bách cho rằng cả người hỏi và được hỏi phải rất tế nhị, vì những câu hỏi vốn đã dễ gây tổn thương, nhưng nếu trả lời một cách "cay cú" thì sẽ làm mất đi không khí vui vẻ ngày Tết. Do vậy, bản thân "chính chủ" cần lường trước và có kế hoạch đối mặt với những "lời nói sát thương", sau đó những người thân ở quê của họ sẽ cũng hỗ trợ truyền tải thông điệp tới làng xóm, anh em nội ngoại để mọi người hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của con/em. Như vậy, khi về Tết, những câu hỏi kiểu "vô duyên" như trên sẽ ít xuất hiện hoặc lặp lại.
Đặc biệt, chính mỗi người đang trong hoàn cảnh muộn lập gia đình hoặc chậm có con cũng nên có tư tưởng cởi mở, thoải mái để tâm lý không bị đè nặng. Trong những ngày Tết, nếu nhận được câu hỏi mình không mong muốn, thì có thể nhanh chóng chuyển chủ đề vui vẻ, hấp dẫn khác để mọi người quên đi vấn đề mình đang gặp phải. "Theo tôi, chúng ta nên chủ động đối diện thay vì ủ rũ, trốn tránh. Biết đâu khi sống vui vẻ, tư tưởng thoải mái, tin vui sẽ đến với mình vào một ngày không xa", bác sĩ Bách tư vấn.