Mỗi ngày có hàng chục người đến BV Da liễu Trung ương khám và điều trị do bị kiến ba khoang tấn công, các bác sĩ cho biết nguyên nhân đều xuất phát từ một sai lầm.
Các bác sĩ BV Da liễu Trung ương cho biết, thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận hàng chục ca vào viện khám và điều trị do bị kiến ba khoang tấn công. Thậm chí, có những ngày cao điểm con số lên đến trên 20 ca, tăng 20 - 30% so với những tháng trước đó.
Có những trường hợp khi nhập viện đã ở trong tình trạng tổn thương da rất nặng, phải điều trị dài ngày. Qua thăm khám trực tiếp các bác sĩ nhận định, các ca vào viện đều bắt nguồn từ một sai lầm đó là dùng tay không bắt hoặc giết kiến ba khoang.
BS Nguyễn Tiến Thành (BV Da liễu Trung ương) cho biết thêm, một số ca nhập viện trong tình trạng nặng là do người bệnh tự mua thuốc điều trị, tự dùng lá cây, thuốc màu bôi vào vết thương.
Các tổn thương do kiếm ba khoang gây ra.
Chia sẻ về những tổn thương do kiến ba khoang gây ra, BS Thành cho hay, tổn thương do loại côn trùng này có dạng đỏ rát, nổi lên những đám nhỏ và dài thành từng vệt theo chiều tay quệt hoặc xoa.
Phía trên các tổn thương đa phần có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Viêm da do độc tố ba khoang thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay.
Sở dĩ có các tổn thương trên là do thói quen của người dân khi tự dùng tay không bắt hoặc giết kiến ba khoang. Sau đó, lại dùng tay tiếp xúc lên các vùng da hở trên cơ thể, vì thế chất tiết (có độc) của kiến ba khoang bám dính vào da và gây tổn thương.
Kiến ba khoang chứa độc tố rất mạnh, người dân nên dùng đồ bảo hộ khi bắt hoặc giết kiến ba khoang.
Được biết, trong cơ thể của kiến ba khoa có chứa loại độc tố pederin, loại độc tính này rất nguy hiểm (mạnh hơn nọc độc của rắn hổ mang), tuy nhiên do lượng tiếp xúc ít nên chỉ gây tổn thương ở ngoài da.
Theo các bác sĩ, hiện đang là mùa sinh sản và phát triển của kiến ba khoang, vì thế loại côn trùng này hay xuất hiện ở nhà dân, nhất là vào buổi tối khi có ánh đèn. Khi phát hiện có sự xuất hiện của loại côn trùng này, các chuyên gia khuyến cáo, không dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến ba khoang.
Nên bắt kiến ba khoang ra khỏi da bằng cách thổi hoặc đặt một tờ giấy cho kiến bò lên và lấy ra khỏi người. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót.
Trong trường hợp lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác.
Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối loãng, xà phòng... chú ý các biểu hiện để khám bác sĩ da liễu khi cần thiết. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị khi bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.
Để phòng kiến ba khoang, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: - Đề phòng côn trùng bay vào nhà bằng cách hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn. - Ngủ trong màn. - Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt. - Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ. - Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng. - Khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động như: quần áo dài tay, đội mũ/nón, khẩu trang, đi ủng. - Có thể xử lý diệt kiến bằng phun deltamethrin, alphacyhalothrin và permethrin ở những vị trí mà kiến hay tập trung gần người. |