Trái cây là thực phẩm luôn được khuyến khích ăn đều đặn hàng ngày vì chúng rất giàu vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Tuy nhiên một số loại trái cây ăn vào có thể khiến bạn đổ bệnh nếu không sử dụng đúng cách.
Mùa thu là mùa thu hoạch của nhiều loại trái cây như táo, cam quýt, hồng,... Trái cây bổ dưỡng và luôn được khuyến khích ăn hàng ngày nhưng ăn quá nhiều hoặc ăn không đúng cách cũng sẽ sinh bệnh. Một số loại trái cây có thể khiến bạn bị "ốm" nếu không biết cách dùng.
1. Ăn dứa gây ngứa ran, châm chích trong miệng
Khi ăn dứa nhiều người sẽ có cảm giác khó chịu râm ran ở miệng, cổ họng. Trước đây, ai cũng nghĩ rằng đó là do chất bromelain có trong dứa khiến chúng ta bị dị ứng, gây ra các triệu chứng như sưng đau miệng, khó chịu ở cổ họng.
Tuy nhiên, các nghiên cứu sau đó đã phát hiện ra rằng thủ phạm gây ra sự khó chịu khi ăn dứa không phải là bromelain mà là các tinh thể canxi oxalat.
Bromelain trong dứa cũng có thể gây kích ứng màng nhầy, nhưng thường phải mất thời gian lâu hơn để cảm nhận nó và sẽ không có cảm giác ngứa ran ngay lập tức. Trong khi đó, tinh thể canxi oxalat hầu hết tồn tại thành từng bó trong tế bào thực vật. Khi các tế bào thực vật bị tổn thương trong quá trình nhai, nước sẽ xâm nhập vào và làm cho các tế bào này sưng lên, do đó đẩy mạnh các tinh thể canxi oxalat vào môi trường miệng, gây kích thích các mô nhạy cảm như lưỡi, nướu và cổ họng, dẫn đến cảm giác râm ran miệng.
Điều đáng mừng là ngâm trong nước muối sẽ hòa tan được canxi oxalat trong nước, đun nóng cũng có thể hòa tan canxi oxalat. Vì vậy trước khi ăn dứa nên ngâm trong nước muối hoặc đun sôi để dứa không gây châm chích miệng.
2. Trái cây giàu fructose có thể gây tiêu chảy
Nhiều người cảm thấy bụng khó chịu sau khi ăn trái cây, thậm chí có thể bị tiêu chảy. Đó có thể là do không dung nạp đường fructose.
Không dung nạp đường fructose tương tự như những trường hợp không dung nạp lactose khi uống sữa. Chúng ta biết rằng trong trái cây có rất nhiều đường fructose, và đường fructose sẽ không đi vào hệ tuần hoàn máu trực tiếp như đường glucose trong ruột, mà cần được vận chuyển đến máu với sự hỗ trợ của một loại protein trên thành ruột gọi là “chất vận chuyển fructose”.
Nhưng một số người sinh ra đã thiếu chất “vận chuyển fructose” này, hoặc chất “vận chuyển fructose” hoạt động quá kém sẽ khiến fructose không được hấp thu kịp thời trong đường ruột, dẫn đến áp suất thẩm thấu tương đối cao trong đường ruột.
Sau đó những đường fructose không được hấp thụ này sẽ được vi khuẩn ở đó chuyển hóa và sinh ra khí sẽ kích thích nhu động ruột già, do thừa nước nên sẽ dẫn đến tiêu chảy. Do đó, một số người sẽ bị đầy bụng, khó chịu, thậm chí bị tiêu chảy sau khi ăn trái cây.
Nếu bạn thực sự không dung nạp fructose, thì nên cố gắng ăn ít trái cây có hàm lượng fructose cao. Trái cây có lượng đường fructose cao nhất bao gồm vải, táo, chuối, quả sung, nho và xoài... Bạn có thể chọn ăn các loại trái cây có tỷ lệ glucose cao hơn fructose, chẳng hạn như chuối, cam, bưởi, dâu tây, kiwi... Bạn cũng có thể thử ăn nhiều loại trái cây, xem loại nào sau khi ăn sẽ không bị đau bụng và tiêu chảy thì chọn dùng thường xuyên hơn.
3. Ăn vải khi đói và quá nhiều làm hạ đường huyết
Nhiều người sẽ gặp phải các triệu chứng như hạ đường huyết và chóng mặt sau khi ăn vải, dân gian gọi đó là "say vải". Chuyện này diễn ra như thế nào?
Các nhà khoa học phát hiện ra nguyên nhân thực sự gây ra tình trạng này là do trong vải thiều chứa hai chất độc: Hypoglycin-A và α-Methylenecyclopropyl glycine (MCPG), độc tố này có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa đường của cơ thể, dẫn đến ngộ độc.
Ngoài ra, vải chưa chín hoàn toàn có hàm lượng độc tố cao hơn. Trẻ nhỏ cũng có nguy cơ "say vải" cao hơn do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện.
Tuy nhiên, có hai điều kiện tiên quyết quan trọng dẫn đến tình trạng "say vải" đó là ăn khi đói và ăn quá nhiều. Ở Ấn Độ từng ghi nhận hơn 100 trẻ em tử vong có liên quan đến quả vải. Các trường hợp này hầu hết là trẻ em đang chơi trong vườn cây ăn quả, khi mệt và đói thì nhặt nhiều quả vải rụng xuống đất, ăn nhiều và ăn khi đói đã dẫn tới hạ đường huyết đột ngột dẫn đến viêm não cấp.
Vì vậy, đừng ăn nhiều vải khi bụng đói, hãy cố gắng ăn những quả vải chín hoàn toàn.
4. Ăn quá nhiều hồng hoặc ăn hồng chưa chín làm tắc ruột
Nhiều người nói rằng quả hồng không được ăn lúc đói là hoàn toàn có lý do.
Quả hồng có chứa axit tannic, sự kết hợp giữa axit tannic và protein trong nước bọt khi vào miệng sẽ khiến người ăn có cảm giác tê chát khi ăn.
Axit tannic có thể kết hợp với protein tạo thành chất kết tủa không hòa tan, không thể phân hủy trong đường tiêu hóa. Nếu ăn nhiều axit tanic và trong dạ dày có nhiều protein thì một mặt tanin sẽ tạo thành phức hợp protein không hòa tan, đồng thời tanin cũng có thể làm bất hoạt pepsin, cộng với pectin, chất xơ trong quả hồng… Các thành phần này trộn lẫn với nhau có thể gây tắc nghẽn đường tiêu hóa và gây đau bụng.
Nếu bạn lo lắng về việc ăn quả hồng sẽ gây ra tắc ruột, bạn nên:
- Không ăn quả hồng chưa chín vì chúng có hàm lượng axit tannic cao và có vị chát.
- Không nên ăn lúc đói.
- Nên ăn hồng đã chín mềm vì lúc đó hàm lượng axit tannic đã giảm dần trong quá trình chín.
- Những người bị tiết quá nhiều axit dạ dày và nhu động dạ dày kém, hoặc những người bị bệnh dạ dày như viêm loét dạ dày, cố gắng không ăn quả hồng, đặc biệt là những quả có vị quá chát và non.
5. Xoài có chứa 9 chất gây dị ứng
Một số người sau khi ăn xoài bị nổi ban đỏ lớn quanh môi, cảm thấy ngứa, mặt sưng tấy rõ rệt. Đây thực sự là một phản ứng dị ứng.
Nghiên cứu cho thấy có 9 chất gây dị ứng phổ biến trong xoài, có thể gây ra các phản ứng dị ứng trên cơ thể người, bao gồm viêm da tiếp xúc, dị ứng miệng, dị ứng chéo...
Ví dụ, dị ứng xoài có thể gây tổn thương da và niêm mạc (như phù mạch, mày đay, sưng mặt...), tổn thương hệ tiêu hóa (như hội chứng hầu họng, tiêu chảy, đau bụng...), tổn thương hệ hô hấp (chẳng hạn như hen suyễn, khó thở, viêm mũi dị ứng...), trường hợp nặng cũng có thể có các triệu chứng đe dọa tính mạng như các triệu chứng dị ứng toàn thân và sốc phản vệ.
Cách duy nhất để ngăn ngừa dị ứng là tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Nếu bạn thực sự bị dị ứng với xoài, hãy cố gắng không ăn hoặc chạm vào nó.
Ví dụ, nếu bạn có một số triệu chứng dị ứng nhẹ ngay sau khi ăn xoài, chẳng hạn như viêm khóe môi, ngứa da... có nghĩa là bạn bị dị ứng với xoài, bạn nên cố gắng ăn ít hoặc không ăn xoài, và tránh tiếp xúc với thân, cành, lá và đặc biệt là nhựa cây xoài , vì chúng cũng có thể chứa chất gây dị ứng.