Những hạt lơ lửng trong không khí (TSP) có nguồn gốc từ khói xe, khói than có thể phá vỡ cơ chế sản xuất hormone, làm chậm tuổi dậy thì của bé gái và tăng nguy cơ có con dị tật sứt môi – hở hàm ếch.
Một nghiên cứu vừa công bố của Đại học Boston (Mỹ) cho thấy lượng TSP cao ảnh hưởng đến cơ chế sản xuất hormone ở cả hai giới, đặc biệt là làm đảo lộn chu kỳ kinh nguyệt và hệ thống nội tiết sinh sản của phụ nữ.
Ô nhiễm không khí ở các thành phố đông người và xe cộ khiến cơ chế sản xuất hormone bị rối loạn - ảnh minh họa từ internet
Tác giả chính – tiến sĩ Shruthi Mahalingaiah cho biết nhiều bé gái tiếp xúc nhiều với các hạt ô nhiễm chậm bước vào giai đoạn dậy thì chính thức, tức lúc bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt và dễ có chu kỳ không đều sau này. Lý do được tìm thấy là TSP làm tăng hàm lượng hormone sinh dục nam testosterone trong cơ thể nữ giới!
Về lâu dài, phụ nữ sống ở các thành phố lớn, bị ô nhiễm nặng thường có chu kỳ kinh nguyệt không đều và khả năng sinh sản cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
Đáng sợ hơn, mỗi 0,01 mg/m3 các hạt này tăng thêm, nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh lại tăng 19%. Một kết quả đo đạc cho thấy chỉ cần sống trong phạm vi 5 km từ một khu vực bị ô nhiễm cao trong vòng 1 tháng trước khi thụ thai, phụ nữ tăng đến gần 20% nguy cơ sinh con dị tật, phổ biến nhất là tật sứt môi – hở hàm ếch.
Công trình vừa được xuất bản trên tạp chí khoa học Human Reproduction.
Không chỉ phụ nữ bị ảnh hưởng, cách đây vài tháng, một nghiên cứu của Đài Loan cũng phát hiện ra không khí ô nhiễm cũng phá hỏng DNA và làm hỏng khả năng di động của tinh trùng nam giới, làm tăng cao tỉ lệ vô sinh nam.