Xâm hại tình dục trẻ em trên mạng xã hội đang ngày càng phổ biến. Nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời những đứa trẻ rất dễ bị tổn thương về sức khỏe thể chất và tâm lý.
Chuyên gia trị liệu tâm lý, tư vấn tâm lý học đường; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em, Liên hiệp các Hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam
Nhiều trẻ cầu cứu vì bị xâm hại tình dục trên không gian mạng
Bà Phan Thị Lan Hương – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền trẻ em cho biết, gần đây nhiều trẻ vị thành niên đã “cầu cứu” về việc bị những người lạ mặt xâm hại tình dục trên không gian mạng. Điển hình như trường hợp một bé trai, bị một người đàn ông làm quen trên mạng, rồi gạ gẫm gửi anh khỏa thân, phô diễn cơ thể qua camera để hắn xem. Cùng với đó, người này cũng gửi cho cậu bé xem những hình ảnh khỏa thân của hắn, điều này làm cậu bé vô cùng hoang mang, lo lắng nhưng không dám kể với bố mẹ.
Hay một trường hợp khác là một bé gái 12 tuổi, làm quen với một người đàn ông ngoại quốc, mục đích để học và trau dồi kiến thức ngoại ngữ. Sau đó, người đàn ông kia đã gửi cho bé gái 1 đường link với lời mời hấp dẫn, ngọt ngào. Khi mở link ra, hình ảnh những đôi trai gái ăn mặc thiếu vải, đang có hành vi không phù hợp trên giường đã khiến bé gái vô cùng ám ảnh, đến mức bị sang chấn tâm lý, phải đi gặp chuyên gia trị liệu.
Trẻ bị xâm hại tình dục trên mạng cũng rất dễ bị sang chấn tâm lý. Ảnh minh họa.
Bà Lan Hương cho biết, hiện nay xâm hại tình dục trẻ em qua mạng đang là nỗi lo mới, vì thế phụ huynh nào cũng nên biết đề phòng và giáo dục con em mình. Với hai trường hợp trên, khi nhận được thông tin chia sẻ, bà Hương đã phải động viên, trấn an tâm lý cho các nạn nhân bị xâm hại, đồng thời kết nối với gia đình để có hình thức bảo vệ, giáo dục con một cách kịp thời.
Theo bà Hương, hiện nay các hình thức xâm hại tình dục trẻ em qua mạng có khá nhiều thủ đoạn tinh vi khiến những đứa trẻ còn thiếu kinh nghiệm sống rất khó nhận biết. Hơn nữa, với lứa tuổi vị thành niên đang tò mò về sự phát triển của cơ thể, nên khi thấy những lời mời chào hấp dẫn, hình ảnh gợi cảm chúng rất dễ bị “sập bẫy”.
“Như trường hợp bé gái trên, mục đích làm quen rất tốt, đó là học ngoại ngữ, hay một số trường hợp làm quen để giao lưu, đôi khi chỉ vì lý do “bạn xinh quá” nên muốn làm quen. Những cách làm quen ấy tưởng chừng rất vô tình, nhưng đều có mục đích ở phía sau. Khi trẻ thiếu cảnh giác, chúng sẽ xâm hại bằng cách dùng lời lẽ, trao đổi hình ảnh nhạy cảm, rồi sau đó có thể là sai khiến, tống tiền từ những hình ảnh đã gửi trước đó”, bà Hương cảnh báo.
Theo bà Hương, nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời trẻ bị xâm hại tình dục trên mạng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần.
Bị xâm hại qua mạng cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý trẻ
Về phương diện sức khỏe, TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Điều trị các rối loạn liên quan stress và tình dục (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, với trẻ vị thành niên việc bị xâm hại tình dục trực tiếp hay qua mạng xã hội đều ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Khi bị quấy rối hay xâm hại tình dục, trẻ luôn bị ám ảnh bởi những hình ảnh đáng sợ đó, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc học tập, làm việc, kể cả khi ngủ hay trong giấc mơ.
Đặc biệt, những hình ảnh đó sẽ luôn ám ảnh khiến trẻ sợ hãi, mất tập trung, buồn phiền, xấu hổ, mất tự tin, sống thu mình, dẫn đến ức chế tư duy để phát triển, trầm cảm, lo âu. Tình trạng đó cứ kéo dài âm thầm gây tổn hại đến sức khỏe, người bệnh cảm thấy không lối thoát, thậm chí muốn tự giải thoát mình.
Với trẻ bị quấy rối, xâm hại tình dục trên mạng, do không có thông tin người quấy rối nên rất khó để xử lý về mặt pháp luật. Điều này càng làm cho trẻ sợ hãi, cảnh giác với những người khác giới, hoặc trước những vấn đề liên quan đến tình dục và có thể biểu hiện những hành vi tình dục không đúng mực.
Để phòng xâm hại tình dục trẻ em trên mạng, ngoài giáo dục trẻ thì phụ huynh cũng cần làm bạn với con ở trên mạng. Ảnh minh họa.
Cần làm gì với hình thức xâm hại khó kiểm soát này?
Dưới đây là một số lời khuyên của bà Phan Thị Lan Hương với phụ huynh, nhằm phòng tránh nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục trên không gian mạng:
- Cha mẹ xác định cung cấp điện thoại cho con nhằm mục đích gì?
- Giáo dục con về kiến thức phòng chống xâm hại tình dục qua mạng;
- Làm bạn của con trên mạng;
- Cùng con trò chuyện và giải quyết những tình huống có thể xảy ra trên internet;
- Chơi thân với bạn của con;
- Chơi thân với con;
- Nhạy cảm với những thay đổi về tâm lý và hành vi bất thường của con;
- Không để con cảnh giác và tạo khoảng cách với cha mẹ;
- Giải thích và cung cấp cho con về kiến thức sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn;
- Không cấm con dùng internet nhưng nên quy định thời gian dùng không quá khuya;
- Quan tâm tới 1 số app con tải về máy;
- Trò chuyện về những hội nhóm con tham gia.
Tin liên quan
Ban đầu, chị Linh ngại đưa con đi khám phụ khoa vì sợ người khác nghi ngờ con bị xâm hại. Đến khi bị chồng mắng, chị mới đưa con đến gặp bác...
Một chiếc bình giữ nhiệt an toàn không chỉ cần khả năng bảo vệ thực phẩm nguyên vẹn mà còn phải sạch sẽ về cấu trúc. Những dấu hiệu hỏng hóc...
Cứ vài tuần bé Hồng lại bị nhiễm đỏ "vùng kín", thậm chí có lần còn bị nhiễm nấm nên gia đình rất hoang mang đưa đi khám. Sau khi có kết...
Vì nghiện game, Tính không tập trung vào học tập mà lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc làm sao có tiền để thỏa mãn đam mê, dù bị xâm hại nhiều...
Tin bài cùng chủ đề Xâm hại trẻ em
Sau cuộc nhậu, nữ sinh lớp 10 tại huyện Minh Hoá, Quảng Bình, nghi bị nhóm thanh niên đưa vào nhà nghỉ xâm hại.