Cứ vài tuần bé Hồng lại bị nhiễm đỏ "vùng kín", thậm chí có lần còn bị nhiễm nấm nên gia đình rất hoang mang đưa đi khám. Sau khi có kết luận, bác sĩ chỉ ra nguyên nhân là do sai lầm của bố mẹ.
Theo thống kê, viêm nhiễm phụ khoa thường gặp ở phụ nữ đã quan hệ tình dục, còn những độ tuổi khác dù có mắc nhưng tỉ lệ chiếm ít hơn. Với trẻ nhỏ, tuy tình trạng này không nhiều nhưng đa số bị nặng, nguyên nhân chủ yếu là sai lầm của phụ huynh.
Thạc sĩ, bác sĩ Tạ Việt Cường - Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Cơ sở 2) cho biết, từng tiếp nhận một số trẻ bị viêm nhiễm phụ khoa và câu hỏi bác sĩ thường gặp nhất là: “Con em đã quan hệ tình dục đâu, sao lại mắc bệnh?”. Theo bác sĩ Cường, đúng là bệnh phụ khoa hay gặp ở phụ nữ trưởng thành, đã quan hệ nhưng không có nghĩa là không gặp ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân trẻ nhỏ mắc bệnh phụ khoa chủ yếu do sai lầm trong sinh hoạt, cũng như cách chăm sóc trẻ hàng ngày.
Thạc sĩ, bác Nguyễn Thị Hiền - Chuyên khoa Sản phụ khoa cũng cho biết nếu so sánh tỉ lệ viêm nhiễm bộ phận sinh dục ở bé trai và bé gái thì trẻ nữ gặp nhiều hơn. Bác sĩ Hiền lý giải do cấu tạo bộ phận sinh dục của các bé gái có nhiều nếp gấp, lỗ tự nhiên, cũng như sự phát triển môi lớn, môi bé chưa hoàn thiện nên dễ viêm nhiễm.
Cơ quan sinh dục của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa rất lớn. Ảnh minh họa.
Ngoài nguyên nhân trên, bác sĩ Hiền cũng cho biết thêm trẻ bị viêm phụ khoa chủ yếu do cách chăm sóc trẻ không đúng, thậm chí nhiều phụ huynh khi thấy "vùng kín" trẻ bất thường còn lo ngại con bị xâm hại tình dục…
Điển hình như trường hợp của bé Ánh Hồng (5 tuổi, ở Hà Nội) liên tục bị viêm nhiễm âm đạo và được mẹ đưa đi khám ở nhiều nơi. Theo mẹ bé chia sẻ, do mỗi lần đi khám lại cho một nguyên nhân khác nhau nên gia đình càng lo lắng, thậm chí còn sợ con từng bị xâm hại. Cụ thể, khi thấy con bị ngứa âm đạo, kiểm tra có dấu hiệu trợt đỏ, mẹ bé Hồng đưa ra phòng khám gần nhà, bác sĩ chẩn đoán bị viêm nhiễm do tạp khuẩn.
Khoảng gần 1 tháng sau, cũng đến phòng khám này, bác sĩ lại tư vấn trẻ bị nhiễm nấm nên mẹ bé Hồng nghi ngờ kết quả khám của các bác sĩ. Để yên tâm hơn, bé Hồng được đưa đến một bệnh viện khác kiểm tra, soi và làm xét nghiệm, kết quả trẻ vẫn được chẩn đoán bị nhiễm nấm. Đáng nói, khi khai thác tiền sử, các bác sĩ tư vấn mẹ cũng nên khám và làm xét nghiệm thì cho kết quả nhiễm nấm giống như con, có thể do sức đề kháng của người mẹ tốt nên chưa có những biểu hiện rõ rệt.
Giặt chung quần áo, nhất là đồ lót làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh lây qua đường tình dục với trẻ. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Nguyễn Thị Hiền lý giải trường hợp hai mẹ con cùng nhiễm nấm không có gì khó hiểu, bởi khai thác tiền sử cho thấy hàng ngày gia đình đều giặt chung quần áo, kể cả đồ lót và đây chính là nguyên nhân. “Quá trình giặt chung quần áo trong máy giặt do môi trường ẩm ướt nên vi khuẩn, nấm rất dễ lây từ đồ của mẹ sang của con. Đây chính là lý do khiến trẻ dễ bị viêm nhiễm, nấm âm đạo”, bác sĩ Hiền chia sẻ.
Bác sĩ Tạ Việt Cường cảnh báo thêm không chỉ có nấm, việc giặt chung đồ lót còn có nguy cơ lây truyền bệnh tình dục cho trẻ như sùi mào gà. “Thực tế, tôi từng gặp trường hợp cháu nhỏ 3 tuổi bị sùi mào gà do giặt chung quần áo, và qua xét nghiệm sau đó người mẹ cũng mắc bệnh này”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Chính vì lý do trên các bác sĩ khuyến cáo mọi người tuyệt đối không giặt chung đồ lót trong máy giặt, kể cả giặt tay cũng phải giặt riêng và tốt nhất của ai người ấy giặt. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc "vùng kín" cho trẻ, phụ huynh cũng cần hướng dẫn con đi tiểu tiện, đại điện đúng cách: Nên thấm khô khi đi tiểu tiện, và lau từ trước ra sau sau khi đại tiện, tránh rửa quá nhiều. Đặc biệt, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi cũng cần mặc đồ lót để bảo vệ "vùng kín", cũng như ngăn các tác nhân gây bệnh từ môi trường.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi