Đi học về, bé gái 6 tuổi vào toilet ngồi khóc, mẹ nghi con bị xâm hại nào ngờ gặp tình cảnh oái oăm này

DIỆU THUẦN - Ngày 19/08/2023 14:00 PM (GMT+7)

Ban đầu, chị Linh ngại đưa con đi khám phụ khoa vì sợ người khác nghi ngờ con bị xâm hại. Đến khi bị chồng mắng, chị mới đưa con đến gặp bác sĩ.

Bé gái mắc bệnh vùng kín vì thường xuyên nhịn tiểu

Còn mấy ngày nữa, con gái sẽ bước vào lớp 2 tại một trường tiểu học ở TP.HCM, chị Trần Diệu Linh vẫn thấp thỏm lo bé sẽ gặp vấn đề như năm ngoái. 

Chị Linh kể, khi đang học lớp 1 tại một trường công gần nhà, con gái chị thường nhịn tiểu, sau đó trở thành thói quen, dù mẹ luôn nhắc nhở. Khi chỉ còn 2 tuần nữa sẽ đến kỳ thi học kỳ 2, bé vừa được mẹ đón về liền chạy ngay vào nhà vệ sinh ngồi khóc. “Con không đi tiểu được vì đau và rát”, chị Linh nhớ lại lời bé nói. 

Sau khi đi học về, con gái chị Linh liên tục kêu đau rát vùng kín. Ảnh minh họa.

Sau khi đi học về, con gái chị Linh liên tục kêu đau rát vùng kín. Ảnh minh họa.

Kiểm tra kỹ vùng kín của con, chị Linh thấy một vết xước dài khoảng 1cm sâu bên trong, xung quanh đỏ tấy. Ban đầu, chị nghĩ con bị xâm hại hoặc bị va chạm mạnh ở trường nên tìm đến hỏi cô giáo. Sau khi nghe giáo viên và con gái khẳng định không phải, chị mới thôi nghi ngờ.

Đáng lẽ, khi con có dấu hiệu khác thường ở vùng kín thì cần đưa đi khám để biết nguyên nhân và điều trị cho con phù hợp, chị lại lo sợ nếu làm vậy sẽ bị người khác dị nghị vì nghi trẻ là nạn nhân của xâm hại tình dục nên cứ chần chừ. “Một lần đi khám phụ khoa, tôi gặp một bé gái được mẹ đưa đi khám, rất nhiều ánh mắt nghi ngờ nhìn bé, có người còn hỏi mẹ bé: “Có phải con bị xâm hại không”. Đến lượt con, tôi cũng sợ con bị như vậy”, chị Linh giải thích về việc làm của mình.

Để con đỡ đau, chị Linh tự trị bệnh cho con bằng cách lau rửa vùng kín với nước sạch, cho uống nhiều nước, ăn nhiều đồ mát, có lợi cho đường tiểu của trẻ. Chị cũng giúp con thoải mái khi đi tiểu bằng cách cho nghe nhạc, ngồi bên động viên con. Đến khi con gái bị bệnh ngày thứ ba không đỡ, chị Linh bị chồng mắng mới đưa bé đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) khám.

Từ kết quả xét nghiệm, bác sĩ kết luận, con gái chị Linh bị viêm đường tiết niệu do nhịn tiểu, uống ít nước và có thể nhiễm vi khuẩn từ nhà vệ sinh. Do bệnh ở giai đoạn đầu, sau 3 ngày được điều trị bằng việc uống thuốc, vệ sinh bằng nước sạch, ăn uống nhiều thực phẩm có lợi cho đường tiểu, con gái chị Linh khỏi bệnh, đi học trở lại.

Chị Linh cho biết, sau lần đó, chị luôn dặn con phải uống đủ nước, dạy con vệ sinh vùng kín và đi tiểu khi có nhu cầu. Tuy nhiên, trước thềm năm học mới, chị vẫn có nhiều lo lắng vì con còn nhỏ, nhiều khi quá mê chơi nên quên những lời mẹ dặn.

Trẻ thường xuyên nhịn tiểu có thể dễ bị viêm đường tiết niệu. Ảnh minh họa.

Trẻ thường xuyên nhịn tiểu có thể dễ bị viêm đường tiết niệu. Ảnh minh họa.

Căn bệnh trẻ dễ mắc vì thói quen xấu

Theo BS.CKII Dư Minh Trí, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), viêm đường tiết niệu (nhiễm trùng tiểu) là hiện tượng vi khuẩn từ da hoặc phân của trẻ xâm nhập vào đường tiết niệu rồi phát triển thành bệnh. Đây một bệnh lý thường gặp ở trẻ em, trong đó, tỷ lệ bé gái mắc nhiều hơn bé trai, do bé gái có niệu đạo ngắn hơn nên vi khuẩn dễ xâm nhập hơn.

Nguyên nhân khiến trẻ bị bệnh này là do bị nhiễm khuẩn E.coli. Đây là một loại vi khuẩn đường ruột có nhiều trong phân của người và động vật. Loại vi khuẩn này có nhiều ở thực phẩm, bụi, nước, đất… dễ dàng lây nhiễm sang trẻ em trong điều kiện bị táo bón, suy dinh dưỡng kéo dài, sống trong môi trường có điều kiện vệ sinh kém, hay nhịn tiểu và uống ít nước.

Dấu hiệu của bệnh thường là, trẻ có các biểu hiện rối loạn tiểu tiện: tiểu són, tiểu lắt nhắt, nước tiểu có mùi, trẻ la hét hoảng hốt khi đi tiểu hoặc kêu đau vùng hạ vị, vùng thắt lưng, hố thận, đau âm ỷ kèm theo sốt. Bác sĩ Trí cho rằng, viêm đường tiết niệu ở trẻ không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu phát hiện trễ sẽ dễ bị nặng, có thể có nguy cơ nhiễm trùng thận, sỏi thận hoặc suy thận…  

Theo các bác sĩ, cha mẹ cần trang bị kiến thức tự bảo vệ sức khỏe cho mình khi trẻ bước vào năm học mới. Ảnh minh họa.

Theo các bác sĩ, cha mẹ cần trang bị kiến thức tự bảo vệ sức khỏe cho mình khi trẻ bước vào năm học mới. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Trí khuyến cáo, trẻ đã bị nhiễm trùng tiểu một lần sẽ có nguy cơ tái phát, đặc biệt là bé gái. Để giúp con khỏe mạnh và luôn vui vẻ khi đến trường, cha mẹ cần phòng bệnh cho con bằng cách:

- Hạn chế cho con tắm bồn, nhất là bé gái, vì vi khuẩn và xà phòng sẽ dễ xâm nhập vào niệu đạo của trẻ.

- Tránh mặc quần áo và đồ lót bó sát cho con, đặc biệt là các bé gái.

- Cần cho trẻ uống đủ nước hàng ngày, ăn uống đảm bảo vệ sinh với các loại rau củ quả để tăng lượng nước làm cho hệ bài tiết nước tiểu của trẻ được tốt hơn.

- Tránh cho trẻ uống cà phê và các loại nước uống có chứa chất kích thích khác vì có thể gây kích ứng bàng quang.

-  Với trẻ tuổi mẫu giáo, cần thay tã thường xuyên.

- Khi con đã nhận biết và tự làm vệ sinh cá nhân, cha mẹ cần dạy trẻ cách thực hiện đúng để giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ.

- Khuyến khích trẻ đi vệ sinh thường xuyên và không nhịn tiểu để tránh viêm đường tiểu và các căn bệnh nguy hiểm khác.

-  Dạy trẻ cách lau an toàn từ trước ra sau, đặc biệt là sau khi đi tiêu, nhất là với bé gái.

-  Khi phát hiện trẻ có các bất thường về vùng kín cần đi khám ở bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời, sau đó tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Trong trường hợp trẻ vị thành niên bị nhiễm trùng tiểu tái phát thường xuyên và trẻ có hoạt động tình dục, cha mẹ cần tham khảo thêm bác sĩ về những nguy cơ về các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục. 

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Hai con gái đau ốm liên miên chẳng rõ nguyên do, bố mẹ Sài Gòn sốc khi biết thủ phạm nằm ngay trong phòng ngủ
Theo cảnh báo từ các chuyên gia y tế, môi trường sống không sạch sẽ là một trong những nguyên nhân dễ gây các bệnh về đường hô hấp cho trẻ.

Thói quen có hại

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư vấn sức khỏe trẻ em