Loại gạo giúp người phụ nữ giảm 32kg trong 10 tháng, bác sĩ nói nhiều người đã dùng sai cách

DIỆU THUẦN - Ngày 25/02/2023 19:00 PM (GMT+7)

Theo các bác sĩ, gạo lứt và gạo trắng đều là tinh bột, có lượng đường ngang nhau, khi ăn chúng ta phải nhai kỹ và cần bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng khác cho cơ thể hoạt động.

Uống trà gạo lứt trước bữa ăn 5-10 phút để giảm cân

Chị Yến Nhi (32 tuổi) đang kinh doanh tự do tại TP.HCM. Trước đây, chị có chiều cao 1m64 nhưng nặng hơn 90kg. Cân nặng quá khổ này làm chị đối diện với nguy cơ huyết áp cao, gan nhiễm mỡ, đường huyết ở mức “báo động đỏ” và các nguy cơ về sức khỏe. Điều khiến chị buồn hơn là bị nhiều người chế giễu ngoại hình và có cái nhìn không mấy thiện cảm về mình.

Sau khi con gái thứ 2 được hơn một tuổi, được chồng động viên, chị quyết định giảm cân bằng cách ăn theo chế độ Eat Clean trong vòng 10 tháng và nhảy dance cardio tại nhà. Ngoài thực hiện chế độ ăn uống, tập luyện riêng, chị Yến Nhi còn uống nước trà gạo lứt rang trước mỗi bữa ăn từ 5-10 phút. “Uống trà gạo lứt trước bữa ăn giúp tôi có cảm giác no, từ đó hạn chế cơn thèm ăn”, chị Yến Nhi chia sẻ.

Chị Yến Nhi trước và sau khi giảm cân. Ảnh: NVCC.

Chị Yến Nhi trước và sau khi giảm cân. Ảnh: NVCC.

Yến Nhi cho biết, khi có kế hoạch giảm cân, chị đã tìm hiểu về cách sử dụng gạo lứt như thế nào sẽ giúp giảm cân hiệu quả nhất. “Gạo lứt cũng là tinh bột và có nhiều năng lượng như gạo thường. Nhiều người không biết, cứ nghĩ rằng ăn gạo lứt thay gạo trắng sẽ giúp giảm cân là sai rồi. Gạo lứt chỉ giảm cân tốt nhất khi pha trà hoặc làm nước gạo lứt rang uống, mình chỉ uống nước, còn xác có thể bỏ đi”, chị Yến Nhi chia sẻ.

Chị Yến Nhi may mắn có mẹ chồng ở Đà Lạt, biết con dâu đang có kế hoạch giảm cân, bà tim mua loại gạo lứt ngon ở quê, đảm bảo chất lượng gửi đến TP.HCM cho con dâu. Sau khi nhận gạo của mẹ, chị bảo quản cẩn thận để không bị nấm mốc, mọt… Đến khi trước bữa ăn, chị lấy một lượng vừa đủ gạo rang lên, sau đó cho nước vào đun cho sôi, chờ nguội rồi uống.

Nhờ ăn uống khoa học, tập thể dục và uống trà gạo lứt đều đặn, trong vòng 10 tháng chị Yến Nhi đã giảm từ 90kg xuống còn 58kg. Hiện chị có dáng người cân đối, làn da mịn đẹp khiến nhiều người quen mới nhìn không nhận ra. Chị cho biết, hiện cân nặng đã trở về mức bằng lòng, nhưng chị vẫn tiếp tục làm theo thói quen cũ để giữ dáng, rèn luyện sức khỏe.

Chị Yến Nhi uống trà gạo lứt trước bữa ăn 5-10 phút. (Ảnh minh họa)

Chị Yến Nhi uống trà gạo lứt trước bữa ăn 5-10 phút. (Ảnh minh họa)

Gạo lứt và gạo trắng đều là tinh bột, có lượng đường như nhau

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, gạo lứt thực chất là loại gạo chỉ xát vỏ trấu ngoài, còn nguyên lớp vỏ cám bên trong nên vẫn giữ được chất xơ và các dưỡng chất quan trọng khác như các loại vitamin, canxi, sắt, kẽm và đạm.

Lâu nay, nhiều người cho rằng, ăn gạo lứt sẽ giúp ngừa ung thư và một số bệnh khác, tiến sĩ Lâm cho rằng, điều này chưa có công trình khoa học nào thừa nhận. “Gạo lứt cũng chỉ là một chất tinh bột cung cấp một phần chất dinh dưỡng, vẫn rất cần ăn bổ sung với các nhóm thực phẩm khác như các nhóm thức ăn giàu protein, lipit, rau củ quả khác để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể”, tiến sĩ Lâm nói.

Theo Ths.BS Đặng Ngọc Hùng, Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng (TP.HCM), nhiều người cho rằng ăn tinh bột không tốt vì tạo chất đường, ăn gạo lứt tốt hơn. Thực tế lại không phải vậy.

Bác sĩ Hùng phân tích, cơ thể chúng ta sẽ cần các chất dinh dưỡng: tinh bột - đường, béo, đạm, vitamin, khoáng chất, chất xơ, nước, chất có hoạt tính sinh học. Nghĩa là chất nào cũng không thể thiếu cho một cơ thể khỏe mạnh. Các thực phẩm cung cấp tinh bột - đường cho chúng ta là gạo, nếp, khoai, bánh mì, bún, bắp (ngô), mật ong và đường. Vậy các thực phẩm này khác nhau cái gì? Theo bác sĩ Hùng, đó là ngoài tinh bột, chúng có thể chứa tỉ lệ đạm, vitamin, chất xơ, chất có hoạt tính sinh học… và có chỉ số đường huyết khác nhau. Gạo trắng và gạo lứt khác nhau là vì các chất này.

Theo các bác sĩ, gạo lứt và gạo trắng đều là tinh bột, có gia trị dinh dưỡng và lượng đường ngang nhau. Ảnh minh họa.

Theo các bác sĩ, gạo lứt và gạo trắng đều là tinh bột, có gia trị dinh dưỡng và lượng đường ngang nhau. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Hùng nhấn mạnh, lâu nay, chúng ta thường nghe nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyên ăn gạo lứt, là bởi gạo lứt chứa nhiều chất xơ và vitamin B hơn, cứng hơn nên làm chúng ta nhai chậm lại. “Nhưng điều này lại không đồng nghĩa với việc ăn gạo trắng là xấu. Gạo trắng mất đi một ít vitamin B, chất xơ và chỉ số đường huyết cao hơn một chút nhưng nó vẫn là sự lựa chọn phù hợp và an toàn khi ăn hằng ngày”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Bác sĩ Hùng nhấn mạnh thêm: “Thật ra, gạo lứt vẫn không tốt với người lớn tuổi, người bị viêm dạ dày, người mới ốm dậy và những người bị thiếu máu. Những người này ăn gạo lứt sẽ gây khó tiêu, gây kích thích cơn đau, tăng tiết axit, làm rối loạn hấp thu, làm giảm hấp thu sắt và một số khoáng chất”.

Bác sĩ khẳng định, gạo trắng không phải là thủ phạm gây hại cho sức khỏe, cũng không phải gạo lứt sẽ giúp trị bệnh như: tiểu đường, ung thư, mỡ máu, giúp giảm cân như chúng ta nghĩ. Để ăn gạo tốt cho sức khỏe, chúng ta nên ăn chậm hơn, đừng nhai nhanh, tránh vừa xem TV vừa ăn.

Các bác sĩ cho rằng, để giảm cân hiệu quả, ngoài tập luyện, ăn uống khoa học, chúng ta nên bớt nạp những thực phẩm chế biến sẵn, tinh chế như bánh ngọt, nước ngọt, kem, trà sữa, rượu bia... “Hãy ưu tiên thứ gì chúng ta ăn có thể gần tự nhiên thì tốt hơn. Gạo lứt cũng tốt nếu có thể ăn, tuy nhiên gạo trắng cũng được. Chúng ta hãy luôn nhớ, không nên cắt giảm tinh bột hay loại bỏ tinh bột một cách cực đoan vì cơ thể chúng ta không thể thiếu nó” bác sĩ Húng nói thêm.  

Bỗng xinh đẹp tới mức khiến nhiều người quen ngờ vực sau khi giảm 32kg, mẹ Sài Gòn tiết lộ làm theo cách này
Lúc cân nặng hơn 90kg, Yến Nhi có các chỉ số huyết áp, đường huyết, gan nhiễm mỡ cao và đối diện nhiều nguy cơ về sức khỏe. Với thân hình quá khổ, chị bị nhiều người chế giễu nên có lúc còn nghĩ tới việc làm tiêu cực.

Giảm cân

DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thực phẩm phòng bệnh