Lúc cân nặng hơn 90kg, Yến Nhi có các chỉ số huyết áp, đường huyết, gan nhiễm mỡ cao và đối diện nhiều nguy cơ về sức khỏe. Với thân hình quá khổ, chị bị nhiều người chế giễu nên có lúc còn nghĩ tới việc làm tiêu cực.
Bị chế giễu ngoại hình vì cân nặng quá khổ
Chị Yến Nhi (31 tuổi), đang kinh doanh tự do tại TP.HCM, trước đây có chiều cao 1m64 nhưng nặng hơn 90. Mới đây, chị chia sẻ niềm vui khi đã giảm được 32kg trong gần 10 tháng lên một nhóm giảm cân lành mạnh trên mạng. “Tôi là mẹ 2 con. Tôi bắt đầu giảm cân bằng cách ăn theo chế độ eat-clean từ tháng 3/2022, với cân nặng 90kg. Tôi kết thúc việc giảm cân ngày 23/12/2022 sau 9 tháng 23 ngày thực hiện. Hiện tôi cao 1m64, nặng 58kg”, chị Yến Nhi viết.
Khác biệt về ngoại hình của chị Yến Nhi trước (bên phải) và sau (bên trái) giảm cân. Ảnh: NVCC.
Yến Nhi cho biết, hiện nay chị thấy tự tin và bằng lòng với ngoại hình của mình. Nhiều bạn bè, người quen khi gặp chị cũng rất bất ngờ, có người còn cho rằng chị phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, chị không lăn tăn vì cơ thể hiện tại là do mình cố gắng rèn luyện mới có.
Chia sẻ cùng chúng tôi vào một ngày giữa tháng 2, chị Yến Nhi cho biết, chị đang là nội trợ và có công việc kinh doanh riêng tại TP.HCM. Dù công việc bận rộn, lại chăm sóc hai con nhỏ nhưng 3 tháng qua vì muốn giữ cân nặng hiện tại và rèn luyện sức khỏe, chị vẫn duy trì chế độ ăn cũ và tập dance cardio đều đặn.
Chị Yến Nhi khi có cân nặng hơn 90kg. Ảnh: NVCC.
Yến Nhi cho biết, chị là người thuộc nhóm máu O và có cơ địa béo phì từ nhỏ. Đến nay chị đã trải qua 4 lần giảm cân. Cả 3 lần giảm cân trước của chị đều thành công, nhưng sau đó tăng cân trở lại. 2 lần trước bắt đầu khi chị học lớp 8 và học đại học. Lúc đó, do còn ít tuổi, lại đang đi học nên chị chỉ giảm cân theo cách giảm ăn các thực phẩm nhiều năng lượng.
Lần giảm cân thứ 3 của chị là vào năm 2017 - thời điểm chị lấy chồng hơn hai năm nhưng chưa mang thai. “Lúc đó, tôi có kinh nguyệt không đều và bị hội chứng đa nang buồng trứng”, Yến Nhi nhớ lại. Khi đi khám, bác sĩ khuyến cáo chị có các chỉ số huyết áp, đường huyết, gan nhiễm mỡ cao nên cần giảm cân, nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Lo sợ cho sức khỏe, một phần muốn sinh em bé, chị quyết định giảm cân nặng bằng cách ăn kiêng, đi bộ và chạy bộ mỗi ngày. “Tôi giảm được 15kg, có kinh nguyệt đều lại, các chỉ số sức khỏe cũng trở về trạng thái bình thường. Vui hơn, tôi cũng có thai con đầu lòng vào đúng lúc đó”, người mẹ hai con nhớ lại.
Tuy nhiên, sau khi sinh 2 con gái, Yến Nhi bắt đầu tăng cân một cách chóng mặt, nhất là năm 2021, khi chị vừa sinh con thứ hai, cùng với khoảng thời gian TP.HCM bị dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp. “Vừa ăn nhiều cho có sữa cho con bú, lại không được đi đâu ra khỏi nhà do dịch, tôi tăng đến hơn 90kg”, Yến Nhi chia sẻ. Một lần nữa, các chỉ số về sức khỏe của chị lại ở mức “báo động đỏ”. “Mỗi lần ngồi xuống đứng lên, tôi bị chóng mặt, tê chân. Cơ thể lúc đó rất nặng nề”, người phụ nữ Sài Gòn nói.
Vì có cân nặng quá khổ, Yến Nhi nhiều lần bị chế giễu. Ảnh: NVCC.
Cũng vì có cân nặng quá khổ, Yến Nhi bị nhiều người chế giễu ngoại hình và nhận những cái nhìn không thiện cảm. Điều này cùng với việc bị ảnh hưởng công việc kinh doanh do COVID-19 cũng như đang nuôi con nhỏ làm chị thấy tủi thân, có lúc vì quá căng thẳng nên chị đã nghĩ đến những điều tiêu cực. May mắn, chị được chồng luôn bên cạnh động viên. Sau khi TP.HCM trở lại trạng thái bình thường sau dịch COVID-19, chị nuôi quyết tâm phải giảm cân một lần nữa.
Ăn đồ hấp luộc, tập bài tập toàn thân để giảm cân
Tháng 3/2022, con thứ hai đã được hơn 1 tuổi, chị Yến Nhi quyết định giảm cân bằng cách ăn theo chế độ eat-clean trong vòng 10 tháng và nhảy dance cardio tại nhà. "Tôi đã trải qua 4 lần giảm cân, nhưng có lẽ đây là lần giảm cân lâu nhất và khó nhất của tôi. Bởi, tôi đã trải qua 2 lần sinh con, sức khỏe cũng còn được như trước, nhưng tôi tin nếu có cố gắng và quyết tâm thì không gì là không thể", chị Yến Nhi nuôi quyết tâm.
Về ăn uống, chị ăn đủ 4 chất: trái cây, rau, đạm (thịt + cá + trứng + sữa) và tinh bột. Tuy nhiên, để phù hợp với việc giảm cân của mình, các thực phẩm mua về chị sẽ hấp hoặc luộc để ăn, chứ không xào, rán. "Việc ăn ít tinh bột và nghỉ ăn gián đoạn ban đầu chưa thích nghi được sẽ làm mình rất mệt, khi ăn lại sẽ rất dễ lên cân”, người phụ nữ sinh năm 1992 nói về thói quen ăn uống của mình.
Để giải quyết được tình trạng hay thèm ăn các món mình thích, mỗi tháng chị cho phép mình ăn tự do 1 đến 2 ngày, nhưng không được ăn quá đà.
Yến Nhi ăn đầy đủ: rau, trái cây, chất đạm và tinh bột. Ảnh: NVCC.
Về tập luyện, chị chọn nhảy dance cardio để có thể vận động đầu, vai, tay, eo, chân giúp các cơ săn chắc, cơ thể vận động và giảm đều. Song song đó, chị kết hợp uống trà gạo lứt trước bữa ăn 5-10 phút để mình có cảm giác no, từ đó ăn ít hơn và hỗ trợ việc giảm cân. Nhờ vậy, mỗi tháng chị giảm 2,9-4kg.
Bí quyết giảm cân của chị Yến Nhi là trong 5 tháng đầu chị ăn ít và cắt giảm tinh bột dần và sau đó thay thế các loại thực phẩm chứa tinh bột có hàm lượng calo thấp, số lượng ăn mỗi bữa ít lại. Cách làm này nhằm tạo điều kiện cho cơ thể khi đói sẽ lấy năng lượng từ mỡ dư thừa đi nuôi cơ thể. Một phần, do cơ thể chị lúc đó quá mập, nếu cố gắng tập thể dục thì sức nặng của cơ thể sẽ gây áp lực lên khung xương, khiến các cơ bị đau và nguy hiểm.
Đến tháng thứ 6, sau khi đã giảm một số cân nặng, chị mới bắt đầu tập thể dục mỗi tuần 3-4 lần, mỗi lần tập từ 30 phút đến 1 giờ. Sang tháng thứ 7, chị tăng số lần tập cardio lên 6-7 lần/tuần và mỗi lần tập một tiếng. Ở tháng thứ 8 và thứ 9, chị nâng số lần tập lên ngày 2 lần, mỗi lần tập 1 giờ.
Chị Yến Nhi khi đã giảm cân. Ảnh: NVCC.
Chia sẻ về các tập luyện của mình, chị Yến nhi nói: "Thông thường, khi cơ thể quen với một bài tập nào đó sẽ bị lờn, vì vậy, ban đầu người tập sẽ giảm cân, sau đó cân nặng chững lại. Còn tôi, cân nặng vẫn giảm đều đặn mỗi tháng là vì tôi sẽ thay đổi bài tập liên tục và tăng thời lượng tập bằng các bài tập nhanh, mạnh hơn khiến mồ hôi đổ nhiều, từ đó năng lượng, số mỡ dư thừa được giải phóng".
Nhờ có bí quyết ăn, tập luyện kết hợp việc chăm sóc da hợp lý, dù giảm hơn 32kg trong vòng chưa đầy 10 tháng, chị Yến Nhi có cơ thể săn chắc, làn da đẹp hơn. Vừa qua, khi đi khám sức khỏe, các kết quả xét nghiệm cho thấy, chỉ số đường huyết, huyết áp, gan nhiễm mỡ của Yến Nhi đã trở lại mức bình thường. "Bây giờ, tôi thấy cơ thể mình thanh thoát, nhẹ nhàng, mặc được nhiều mốt quần áo đẹp", chị Yến Nhi chia sẻ.
Theo BS.CK 2 Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên khoa y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM, chế độ ăn eat-clean hiện được nhiều người lựa chọn nhằm mục đích giảm cân và khắc phục một số vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, chế độ ăn nào cũng có mặt tốt và mặt xấu. Để ăn theo chế độ này an toàn, người áp dụng cần thực hiện các điều sau:
- Rửa trái cây và rau củ dưới vòi nước sạch.
- Các dụng cụ nhà bếp như dao, thớt, chén dĩa phải sạch sẽ nếu không đây sẽ là nguồn lây bệnh.
Dù bận rộn với công việc và chăm sóc hai con nhỏ, chị Yến Nhi vẫn duy trì chế độ ăn cũ, tập luyện đều đặn để giữ dáng và sức khỏe. Ảnh: NVCC.
- Bàn tay của người làm bếp phải sạch sẽ để tránh lây lan vi khuẩn virus vào thực phẩm.
- Để ý tới phản ứng của cơ thể với chế độ ăn này, nếu thấy rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, đầy hơi, mất nước, trào ngược dạ dày... thì có thể bạn ăn quá nhiều đồ tươi sống, nên giảm bớt hoặc thay đổi chế độ ăn.
- Đừng quá thần thánh và lạm dụng chế độ ăn này, phải hiểu là nó có những mặt trái và chỉ phù hợp với bạn trong giai đoạn nào đó mà thôi. Nếu ăn vì mục đích giảm cân khi thực sự cần giảm cân vì lý do sức khỏe theo yêu cầu của thầy thuốc thì đó là sự hợp lý. Nếu bạn tự ăn vì ám ảnh cân nặng hay mục đích ép cân hay giữ dáng thì phải xem lại.
- Nên ăn uống đa dạng và rau củ tươi sống là một phần trong đó mà thôi. Mỗi ngày một người trưởng thành nên ăn ít nhất 5 phần rau củ và trái cây. (Với người trưởng thành, 1 phần rau củ, trái cây tương đương khoảng 80 gam), tương đương với 400 gam. Đây cũng là định mức được Tổ chức Y thế Thế giới (WHO) đưa ra. Y học cổ truyền cũng có lời khuyên cái gì thái quá thì sẽ bất cập, ăn nhiều đồ tươi sống sẽ làm hại tỳ vị.
- Trong ăn uống và dinh dưỡng không nên chạy theo trào lưu. Nếu thấy cơ thể có vấn đề nên thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ chuyên ngành dinh dưỡng để có lời khuyên phù hợp.