Nhiều người cho rằng, uống một lượng bia rượu vừa phải trong bữa ăn sẽ tốt cho sức khỏe, nhưng theo các bác sĩ, đến nay chưa có số liệu rõ ràng về điều này.
Mỗi bữa ăn uống một ly bia hoặc rượu
Cụ Nguyễn Đình Tư (ở TP.HCM) năm nay đã hơn 103 tuổi nhưng có trí nhớ tốt, tự chăm sóc cơ thể và vẫn làm việc trên máy tính 10 giờ/ngày. Khoảng 40 năm trước, cụ bị đục thủy tinh thể, phải phẫu thuật hai mắt, nhưng hiện nay, đôi mắt cụ sáng: làm việc, đọc sách nhìn xa không phải mang kính hỗ trợ.
Trò chuyện cùng chúng tôi, cụ Tư cho biết, có được sức khỏe như hiện nay là nhờ mỗi ngày cụ vận động 45 phút vào buổi sáng bằng các bài tập: cổ, lưng, tay, chân, mặt… Còn 18h mỗi ngày, cụ sẽ leo cầu thang bộ 10 lần từ tầng 3 xuống tầng trệt rồi làm ngược lại. Về ăn uống, cụ ăn đơn giản, đúng bữa, không ăn quá no. Cụ cũng răn mình phải luôn sống vui vẻ, làm việc tích cực, không nghĩ đến chuyện tiêu cực.
Ở tuổi 102, cụ Nguyễn Đình Tư vẫn làm việc trên máy tính ngày 10 giờ. Ảnh: Diệu Thuần.
Cụ ông sinh năm năm 1920 này còn cho biết, cụ có thói quen uống một ly bia hoặc rượu trong mỗi bữa ăn để duy trì sức khỏe. Người con trai thứ tư của cụ Tư kể, đây là thói quen từ ngày còn trẻ của ba mình. Ngoài uống bia, cụ Tư còn uống các loại rượu thuốc, rượu ngâm từ các loại cây được cho là tốt cho sức khỏe.
“Bữa cơm nào tôi cũng uống một ly bia hoặc một ly rượu. Tôi đã hỏi kỹ bác sĩ về điều này rồi. Bác sĩ nói, mỗi bữa uống một ly sẽ tốt cho sức khỏe, ăn ngon miệng hơn”, cụ Tư chia sẻ.
Không chỉ cụ Tư, hiện nay nhiều người cũng có thói quen uống một ly bia hoặc rượu trước hoặc trong lúc ăn cơm. Những người có thói quen này truyền tai nhau, trong bia, rượu có hàm lượng vitamin B6, nếu uống một lượng vừa phải sẽ giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch và kiềm hãm sự tăng trưởng của hàm lượng homocysteine trong cơ thể.
Uống bia, rượu sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư, đột quỵ và nhiều bệnh khác
Theo một nghiên cứu về thói quen của những người dùng đồ uống có cồn của Trường Y khoa Harvard và Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ), người uống bia, rượu ở mức thấp, nguy cơ bệnh tim mạch gây chết người thấp hơn người không uống khoảng 20%. Tuy nhiên, để đạt ở mức này, chúng ta cần phải uống ít - theo đúng nghĩa nhấm nháp một chút khi rảnh rỗi hoặc khi ăn.
Tuổi đã cao, cụ Nguyễn Đình Tư vẫn minh mẫn và thích làm việc. Ảnh: NVCC.
Tiến sĩ Kenechukwu Mezue, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) cũng cho rằng, uống 1 ly bia hay một chút rượu mỗi ngày có mức độ căng thẳng giảm, thì những người uống rượu quá mức lại là nhóm có mức độ hoạt động não liên quan đến căng thẳng cao nhất. Chưa kể, họ còn tăng nguy cơ ung thư, tổn thương gan và nguy cơ nghiện rượu.
Theo TS.BS Vũ Trường Khanh, Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bia rượu hay đồ uống có cồn đã xuất hiện rất lâu trên thế giới và là đồ uống quen thuộc của nhiều người trong các bữa ăn gia đình và bàn tiệc. Bác sĩ Khanh phân tích, khi uống bia rượu chỉ sau 5 phút đã có tác động lên não làm tăng tiết dopamin giúp cho cơ thể khoan khoái dễ chịu và có phần hưng phấn quên hết mệt nhọc. Đây là lý do nhiều người thích uống bia, rượu. Những ai đã uống hoặc thích uống bia rượu cũng cần hiểu kỹ về bia rượu. Một đơn vị cồn tương đương 10 gam cồn (ethanol) nguyên chất chứa trong bia hoặc rượu.
Cụ Tư không ngừng nghiên cứu, đã tạo ra 60 tác phẩm giá trị về văn hóa, lịch sử, địa chí của các vùng miền. Năm 2022 cụ được trao bằng kỷ lục Việt Nam về lao động sáng tạo. Ảnh: NVCC.
Theo các số liệu của Viện ung thư quốc gia Mỹ, người uống bia rượu từ trung bình đến nặng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư: khoang miệng, hầu họng, thực quản, gan, trực tráng, dạ dày và ung thư vú… Theo khuyến cáo của Viện sức khỏe quốc gia Mỹ: Uống rượu trung bình là khi uống không quá 2 đơn vị rượu/ngày với nam giới và không quá 1 đơn vị /ngày với nữ giới. Uống rượu nhiều là khi uống trên 4 đơn vị rượu /ngày với nam giới và trên 3 đơn vị/ngày với nữ giới. Không chỉ vậy, bia rượu đã gây không ít hệ lụy như: tai nạn giao thông, gây mất trật tự nơi công cộng, đặc biệt với sức khỏe con người.
Bàn về việc uống rượu ít hoặc trung bình và điều độ làm tăng cường sức khỏe, đặc biệt là tốt cho tim mạch, bác sĩ Khanh cho rằng, cho tới nay chưa có số liệu rõ ràng về tác dụng này. Hội tim mạch cũng như Viện sức khỏe quốc gia Mỹ đã khuyến cáo, mọi người không nên uống rượu vì mục đích làm tăng sức khỏe với bất cứ loại bia rượu nào.
Nhiều người lại cho rằng rượu để lâu hoặc chưng cất nhiều lần sẽ không còn aldehyde để gây độc với cơ thể nữa nên có thể uống. Theo bác sĩ Khanh, điều này là quan niệm sai lầm. Bác sĩ phân tích, cồn trong bia rượu là ethanol, là chất không gây độc. Tuy nhiên, khi uống bia rượu vào cơ thể, ethanol sẽ chuyển hóa phần lớn tại gan tạo thành acetaldehyde. Đây là chất gây tổn thương tế bào gan dẫn đến gan thoái hóa mỡ, viêm gan do rượu, xơ gan và ung thư gan. Chất này cũng là yếu tố gây ra ung thư những cơ quan khác trong cơ thể.
Theo bác sĩ Khanh, thực tế đời sống hàng ngày vẫn có thể dùng bia rượu như những hương vị của cuộc sống, nhưng chúng ta không nên uống quá nhiều, đặc biệt là không nên thường xuyên uống bia rượu. Thói quen này không tốt, dễ gây cảm giác nghiện hay phụ thuộc rượu cũng như mắc bệnh tật do bia rượu gây ra.