Theo các bác sĩ, trong quả ổi chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin C và vitamin A rất tốt cho hệ miễn dịch, mắt và tăng cường trí nhớ cho trẻ.
Ổi là vắc-xin tự nhiên cho trẻ
Ổi là loại quả được trồng nhiều ở nước ta, cây cho trái quanh năm. Hiện trên thị trường ngoài ổi sẻ còn có ổi lê Đài Loan, ổi xá lị, ổi không hạt, ổi ruột đỏ… giá bán khoảng từ 10.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, tùy loại.
Theo Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ổi là quả chứa nhiều vitamin đặc biệt là vitamin C. Theo thống kê, trong 100g ổi chứa 1g protein, 15mg canxi, 1mg sắt, 0,06mg retinol (vitamin A), 0,05mg vitamin B1 và 228mg vitamin C. Ổi cũng là loại quả chứa nhiều chất xơ, ít chất béo bão hòa và cholesterol cũng như muối natri. Vì vậy, nếu ăn thường xuyên và đúng cách sẽ rất có lợi cho tim mạch, tăng cường chức năng não, tốt cho răng miệng và tăng cường hệ miễn dịch.
Ổi là loại quả được trồng nhiều ở nước ta. Ảnh minh họa.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng, nếu so sánh trong 100g ổi và cam, hàm lượng vitamin C có trong ổi nhiều hơn cam 4 lần. Theo bác sĩ Hưng, trong tình hình số ca mắc sởi, sốt xuất huyết, chân tay miệng, cảm cúm… đang tăng như hiện nay, cho trẻ ăn ổi sẽ giúp bé tăng cường sức đề kháng trong mùa tựu trường.
Theo bác sĩ Hưng, vitamin C trong ổi còn gọi là axit ascorbic sẽ giúp hỗ trợ đề kháng, chống nhiễm trùng như cảm cúm, mau lành vết thương. Vitamin C cũng được biết là một chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương từ gốc tự do. Tổn thương tế bào của gốc tự do gây ra các bệnh tim mạch, ung thư và bệnh mạn tính khác. Cơ thể con người không thể tự sản sinh ra vitamin C và cũng không dự trữ trong cơ thể được, vì vậy cần tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin C vào trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Còn Vitamin A có trong ổi có tác dụng tốt cho đôi mắt sáng, khỏe. Ngoài ra, đặc tính chống oxy hóa của quả ổi giúp cơ thể bé tăng cường đề kháng, ngăn ngừa nguy cơ ung thư. Đồng thời, quả ổi cũng giúp ngăn ngừa các bệnh do gốc tự do (ROS) gây ra bệnh Alzheimer, Parkinson và các rối loạn khác như tăng oxy trong máu, viêm.
Lượng chất xơ dồi dào trong ổi giúp cải thiện tiêu hóa ở trẻ em, ngăn ngừa táo bón và viêm ruột thừa, tiêu chảy, kiết lỵ. Loại quả này còn góp phần tăng sinh máu trong cơ thể.
Thường xuyên cho trẻ ăn ổi sẽ giúp bé tăng cường sức đề kháng, giảm nguy sơ thiếu máu. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang cho biết, từng tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt… vì được chăm sóc sai cách. “Với trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên, ngoài khuyên các phụ huynh nên bổ sung dưỡng chất cho con, tôi còn khuyên nên cho trẻ thường xuyên ăn ổi bằng cách bỏ vỏ, hạt, cắt miếng, xay sinh tố, ép lấy nước cho con ăn”, bác sĩ Sang chia sẻ.
Theo bác sĩ Sang, ổi là quả nhiều vitamin C gấp 4 lần cam, giá lại rẻ, ngoài chợ lúc nào cũng bán, nhưng là “vắc-xin tự nhiên” rất tốt cho trẻ, nhất là trong mùa trẻ tựu trường, với số ca mắc sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết… đang tăng như hiện nay.
Những lưu ý khi ăn ổi
Theo các bác sĩ, dù ổi là loại quả tốt, chứa nhiều vitamin C cũng như các chất dinh dưỡng khác, nhưng khi sử dụng cũng cần có những lưu ý nhất định để tránh gây hại cho sức khỏe.
Với trẻ đưới 2 tuổi nên cho uống nước ép ổi tuần 2-3 lần. Ảnh minh họa.
- Tuyệt đối không cho trẻ ăn quả ổi còn non, xanh. Bởi các chất dinh dưỡng có trong ổi chỉ phát huy tác dụng khi quả chín. Nếu ăn loại quả này khi còn xanh sẽ khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng, gây ra tình trạng táo bón.
- Không cho trẻ ăn hạt ổi, vì nó khó nhai (nghiền) nát được toàn bộ các hạt ổi, dễ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. “Nếu nhai kỹ được từng hạt ổi sẽ bổ sung nguồn chất xơ có lợi cho cơ thể, tuy nhiên khi trẻ ăn lại rất dễ nuốt cả hạt nên rất dễ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, vì dạ dày không thể nghiền nát hay phân hủy được hạt ổi”, Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng khuyến cáo.
- Chỉ nên cho trẻ ăn vỏ ổi với những quả được trồng, chăm sóc, thu hoạch sạch để giúp trẻ nhận được lượng vitamin và khoáng chất dồi dào trong quả này. Trường hợp nghi ngờ ổi không an toàn, nên rửa sạch và gọt vỏ ổi trước khi ăn.
- Khi cho trẻ ăn ổi nên cắt miếng nhỏ, với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thì nên ép lấy nước, xay sinh tố cho con ăn sẽ tốt hơn.
- Chỉ nên cho trẻ ăn ổi vừa đủ, với nước ép ổi thì chỉ nên cho trẻ uống 2-3 lần/tuần. Trường hợp thấy con có biểu hiện như ngứa, nổi mẩn, sưng phù nên ngừng ăn ổi và đưa đi khám sớm để tìm nguyên nhân.