Cà chua giàu chất chống oxy hóa lycopene giúp cơ thể chống lại căn bệnh ung thư mà ai cũng sợ.
Cách đây không lâu, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã đánh giá và xếp hạng các loại trái cây và rau quả tốt nhất cho sức khỏe. Trong khi cải xoong được xếp hạng cao nhất trong các loại rau thì cà chua được chấm điểm cao nhất trong các loại quả.
Với nhiều người thì cà chua thường được xem là rau nhưng về mặt thực vật học nó là một loại quả. Và điều bất ngờ là cà chua tuy được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá tốt nhất nhưng trong bảng xếp hạng các loại rau quả bị ghét nhất, cà chua luôn đứng ở trong top đầu.
Một phương tiện truyền thông Đài Loan còn mở một cuộc khảo sát xem những loại rau quả nào bị ghét nhất và cà chua đứng ở vị trí thứ 5. Một cuộc khảo sát năm 2017 của nhà sản xuất nguyên liệu cà chua ở Nhật cho thấy nó là loại rau bị trẻ em Nhật Bản ghét thứ tư.
Dù bị ghét như vậy nhưng không thể phủ nhận cà chua có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe rất đáng để tiêu thụ thường xuyên.
Cà chua dù bị nhiều người ghét nhưng lại là loại trái cây tốt nhất cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Cà chua có gì tốt?
Cà chua là một loại trái cây có hàm lượng calo thấp nhưng có thành phần dinh dưỡng tương tự như một loại rau. Theo cơ sở dữ liệu dinh dưỡng của Bộ Nông nghiệp Mỹ, một quả cà chua nặng 60g chỉ chứa 12 calo và ít hơn 3g carbohydrate.
Đặc biệt, cà chua rất giàu chất dinh dưỡng quý giá lycopene, thứ giúp cà chua có màu đỏ. Lycopene nổi tiếng là chất "dọn dẹp gốc tự do" với khả năng chống oxy hóa mạnh hơn β-carotene, vitamin C và E. Nó không chỉ giúp con người chống lại các tổn thương gốc tự do gây ra cho da và ruột mà còn nuôi dưỡng làn da.
Lợi ích của lycopene không chỉ giới hạn ở điều này, một nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí Hóa học Thực phẩm cho thấy tiêu thụ cà chua và lycopene giúp ngăn ngừa bệnh động mạch vành, ung thư dạ dày, ung thư tuyến tiền liệt và bệnh mạch máu não. Ngoài ra, lycopene có thể ngăn ngừa ung thư vú và các bệnh ung thư liên quan đến cơ quan tiêu hóa, giảm tích tụ cholesterol xấu, hạ huyết áp và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ cho biết thêm cà chua cũng rất giàu vitamin A và C, giúp chống lại tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Riehm nói: “Vitamin C cũng rất quan trọng trong việc hình thành các mạch máu, cơ và các bộ phận của xương. Vitamin A cần thiết cho sức khỏe và sự tăng trưởng và phát triển của mắt".
Cà chua giàu lycopene - chất chống oxy hóa giúp phòng ngừa ung thư. (Ảnh minh họa)
Ăn cà chua thế nào để hưởng lợi nhiều nhất?
Nói chung, cà chua có độ chín càng cao thì hàm lượng lycopene càng cao và chủ yếu phân bố ở phần không tan trong nước và vỏ của cà chua, chiếm 72% đến 92% tổng hàm lượng lycopene trong cà chua. Cà chua sống có hàm lượng lycopene thấp và cũng chứa solanine. Do đó, cà chua phải được đun nóng để đạt được tác dụng chống ung thư. Và nước sốt cà chua cũng có tác dụng chống ung thư tốt.
Một số chuyên gia dinh dưỡng còn tìm ra một cách để nhận được lượng lycopene nhiều nhất có thể. Bác sĩ người Đài Loan (Trung Quốc) chỉ ra rằng nếu muốn hấp thụ lycopene trong cà chua một cách hoàn toàn hơn, bạn phải nhớ công thức: “Thêm dầu và giấm, sau đó đun nóng đến 100 độ trong 15 phút”.
Cà chua nấu chín thêm dầu và giấm sẽ càng tăng cường khả năng hấp thụ lycopene. (Ảnh minh họa)
Ông giải thích rằng bởi vì lycopene có trong thành tế bào của cà chua. Khi đun nóng sẽ phát hủy thành tế bào giúp giải phóng lycopene. Đồng thời, cấu trúc hóa học của nó cũng bị thay đổi giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ hơn. Thêm giấm có thể thủy phân và phá vỡ cấu trúc hóa học của lycopene, thêm dầu là do lycopene có đặc tính hòa tan trong dầu, từ đó cải thiện tỷ lệ sử dụng của cơ thể.
Về tần suất ăn, theo một số nghiên cứu cho thấy ăn cà chua bốn bữa một tuần giúp giảm 20% nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, ăn cà chua mười bữa một tuần giúp giảm 50% nguy cơ ung thư. Tuy nhiên không chỉ cà chua mới chứa lycopene, còn nhiều thực phẩm khác cũng chứa chất dinh dưỡng này như cà rốt, bí ngô,... nên bạn không nhất thiết chỉ ăn mỗi cà chua.