Quả sung tuy nhỏ bé, chỉ dùng để ăn kèm hay chế biến trong nước chấm hoá ra có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng biết.
Bác sĩ Kim Yến, Khoa Phòng ngừa và Điều trị, Bệnh viện số 1 của Đại học Y học cổ truyền Quảng Châu, Trung Quốc cho biết: Trong chế độ ăn uống hàng ngày của người Trung Quốc, quả sung ít được nhắc đến nhưng nó là một loại trái cây phổ biến trong chế độ ăn Địa Trung Hải, quả sung thậm chí được sử dụng làm thuốc từ 6.000 năm trước.
Gần đây, các học giả từ Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng của Viện Sức khỏe và An toàn Thực phẩm thuộc Viện Công nghệ Illinois, Mỹ đã phân tích toàn diện các tài liệu toàn cầu có liên quan từ năm 2000 đến 2022 và tóm tắt các lợi ích sức khỏe khác nhau của quả sung và kết luận đã được công bố trên tạp chí Nutrients của Thụy Sĩ.
1. Tác dụng giảm cân
Ăn sung tươi có thể kiểm soát được cân nặng (Ảnh minh họa)
Năm 2011, nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nutrients đã theo dõi 13.000 người trong 4 năm, kết quả cho thấy rằng những người thường xuyên ăn quả sung so với những người không ăn có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp, nằm trong mức bình thường (18,5- 24,99) và vòng eo nhỏ hơn.
Mặt khác, theo một số liệu năm 2019, ăn 120 gam quả sung tươi mỗi ngày thay cho các món ăn vặt khác… trong 5 tuần có thể giúp kiểm soát cân nặng.
2. Thúc đẩy quá trình tiêu hóa
Quả sung rất giàu chất xơ giúp tăng cường sức khỏe đường tiêu hóa bằng cách làm mềm phân, giảm táo bón và đóng vai trò như một loại prebiotic - nguồn thức ăn cho các vi khuẩn lành mạnh cư trú trong đường ruột.
Một nghiên cứu ở 150 người bị hội chứng ruột kích thích kèm táo bón cho thấy những người ăn khoảng 4 quả sung khô (45 gam) 2 lần mỗi ngày giảm đáng kể các triệu chứng đau bụng, đầy hơi và táo bón so với nhóm không ăn.
3. Có lợi cho sức khỏe tim mạch
Theo một nghiên cứu được công bố bởi các nhà nghiên cứu từ Trường Khoa học Dinh dưỡng, Đại học Bang Pennsylvania, Mỹ, ăn 3/4 cốc quả sung khô (khoảng 120 gam) mỗi ngày trong 4 tuần rất có hiệu quả đối với những người có các yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch.
Trong quả sung chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao như Omega 3 và Omega 6. Những chất này có khả năng ngăn chặn nguy cơ xuất hiện bệnh về động mạch vành ở tim, đồng thời giảm đi đáng kể lượng cholesterol và chất béo có hại cho hệ tim mạch.
4. Kiểm soát lượng đường trong máu
Sung khô sắc nước cũng có tác dụng kiểm soát đường huyết (Ảnh minh họa)
Từ xa xưa, quả sung đã được dùng để điều trị bệnh tiểu đường, những năm gần đây nhiều nghiên cứu cũng khẳng định tác dụng hạ đường huyết của các hoạt chất chiết xuất từ quả sung. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy, sau khi uống nước sắc từ quả sung khô ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, lượng đường trong máu sau ăn của họ giảm trong vòng 2 giờ. Một nghiên cứu khác cho thấy, sau khi uống nước sắc từ quả sung khô trong 2 tháng, lượng đường trong máu của bệnh nhân giảm 13,5%.
5. Những tác dụng khác
Các tác giả của bài báo trên tạp chí Nutrients đã phân tích rằng, trong các bệnh mãn tính như béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch, các loại oxy phản ứng và các loại nitơ phản ứng được sản xuất quá mức, từ đó gây ra chứng viêm.
Quả sung chứa nhiều thành phần hoạt tính sinh học như flavonoid, axit phenolic, caroten… có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, có thể giảm căng thẳng oxy hóa và viêm nhiễm trong cơ thể một cách hiệu quả, đồng thời tăng cường sức đề kháng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng quả sung tươi, ép và khô đều có tác dụng tương tự nhau, chỉ cần chọn loại mà bạn thích. Quả sung tươi sau khi rửa sạch có thể ăn trực tiếp, bởi trong vỏ sung rất giàu anthocyanin có lợi cho sức khỏe.
Bác sĩ Kim Yến, Khoa Phòng ngừa và Điều trị, Bệnh viện số 1 của Đại học Y học cổ truyền Quảng Châu, Trung Quốc chia sẻ với phóng viên Thời báo Sức khỏe Toàn cầu rằng, theo y học cổ truyền Trung Quốc, quả sung có tác dụng thanh nhiệt, bổ tỳ ích vị, giải độc tiêu sưng. Sung tươi hoặc khô thêm đường phèn, nấu với nước, uống có tác dụng thanh nhiệt. Sung đem nấu cháo có thể bồi bổ dạ dày, tiêu hóa thức ăn, lợi tiểu và nhuận tràng.
Tuy nhiên, bác sĩ Kim Yến cũng nhắc nhở rằng, những người có lá lách, dạ dày yếu và phụ nữ đang có kinh nguyệt không nên ăn nhiều sung, những người bị dị ứng nên chú ý để tránh dị ứng miệng hoặc da.