Sau khi viết đơn xin nghỉ việc, chị Hoàng Ý Loan bị trầm cảm và chỉ biết “nhốt” mình trong phòng, nghĩ đến những điều tiêu cực. Tới khi bị chồng chê mập, tiều tụy, da mặt xấu, chị mới "bừng tỉnh" và cố gắng tìm lại chính mình.
Bài viết dưới đây là chia sẻ về hành trình tự chữa lành những vấn đề tâm lý bằng cách làm vườn của chị Hoàng Ý Loan với Eva.vn:
Tôi 36 tuổi, đang làm biên tập viên cho một công ty truyền thông, có trụ sở tại TP.HCM. Công việc hiện tại thu nhập không cao nhưng tôi được làm việc trong môi trường thoải mái, có các đồng nghiệp vui vẻ, luôn giúp đỡ nhau. Một phần, nó cũng phù hợp với tình hình sức khỏe, mong muốn được làm việc trong môi trường lành mạnh của tôi.
Trước đây, tôi làm phóng viên cho một trang tin điện tử tại TP.HCM. Công việc này thu nhập tốt, tôi được đi nhiều nơi và có nhiều mối quan hệ tích cực. Nhưng sau đó, tôi phải mất gần 2 năm làm việc trong căng thẳng, mệt mỏi, nhiều lúc bị stress. Đến tháng 4/2022, tôi quyết định xin nghỉ việc.
Khu vườn của chị Loan khi mới bắt đầu. Ảnh: NVCC.
Tôi quyết định dành ra một tháng đưa con gái nhỏ về quê chơi với ba mẹ, đi du lịch một số nơi để thư giãn. Sau kỳ nghỉ, tôi đến cơ quan truyền thông mới làm việc như thỏa thuận. Nhưng chỉ đi làm toàn thời gian chưa đến một tháng, tôi phải xin dừng lại vì không thể tập trung, thường xuyên bị ám ảnh về chuyện cũ, có khi làm việc một lúc là mệt.
Tôi từng được nhiều người đánh giá là luôn vui vẻ, năng động, hòa đồng. Khi gặp các rắc rối trong công việc, cuộc sống, tôi luôn giải quyết theo cách đơn giản nhất. Tôi cũng luôn tự tạo niềm vui cho mình bằng cách xem phim hài, hát, đọc sách báo và trò chuyện vui vẻ với hàng xóm.
Từ sau khi nghỉ việc, tôi trở thành một người hoàn toàn khác. Mỗi ngày ngoài đưa đón con gái đi học, đi chợ, tôi hầu như nhốt mình trong phòng xem điện thoại, suy nghĩ đủ chuyện rồi thấy sao mình bất lực, tội lỗi và kém cỏi.
Tôi cũng từ chối hết các cuộc hẹn, ngại gặp người quen, nhất là các đồng nghiệp vì sợ phải nghe ai đó hỏi đến công việc. Những người hàng xóm, bạn bè nhiều lần hẹn gặp tôi không được đã trách, có người mắng tôi "chảnh", sống ích kỷ, chỉ biết một mình, tôi cũng kệ.
Thành quả của chị Loan thu được sau nhiều ngày làm vườn. Ảnh: NVCC.
Lúc đó, tôi nghĩ đến ai cũng thấy họ xấu xa. Nghĩ đến việc gì, tôi cũng thấy phức tạp, khó giải quyết. Chỉ cần con gái và chồng làm gì không vừa ý là tôi cáu gắt, khó chịu. Khi sự việc nguôi đi, tôi thấy hối hận, có lỗi với chồng con.
Từng là một phóng viên nên tôi có điều kiện gặp nhiều bệnh nhân trầm cảm, các chuyên gia tâm lý, bác sĩ điều trị về vấn đề này, và tôi biết mình đã bị trầm cảm. Nhưng tôi chủ quan, nghĩ mình chỉ cần điều chỉnh lại thói quen thì sẽ ổn. Nhưng không phải vậy, các dấu hiệu trên của tôi dần nặng hơn.
Trong 4 tháng, tôi tăng lên 8kg dù thường xuyên bỏ bữa. Tôi cũng không giao lưu, nói chuyện với ai. Cả ngày chỉ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, dạy con học nhưng tôi thấy mệt mỏi và chỉ nghĩ đến những điều tiêu cực. Cho đến khi bị chồng chê mập, tiều tụy, da mặt xấu, tóc bạc nhiều hơn, tôi mới nhận ra đến lúc mình cần điều trị.
Đến khoa Tâm lý của một bệnh viện tư tại TP.HCM khám, tôi được chẩn đoán mắc trầm cảm ở mức trung bình. Bác sĩ kê thuốc tiết chế cảm xúc cho tôi uống và khuyên nên tập thể thao, thay đổi lối sống hay tìm một niềm vui nào đó có thể “đánh lạc hướng” cơn trầm cảm.
Trước đây, tôi từng viết bài về một bệnh nhân mắc trầm cảm, chị đã tự chữa lành bằng cách làm vườn. Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra, làm vườn không chỉ giúp chúng ta vận động thể chất mà còn tốt cho não, giảm mức độ căng thẳng đáng kể, nhất là những người có các rối loạn về thần kinh.
Cây ổi và cây chuối trong vườn nhà chị Loan đã cho trái. Ảnh: NVCC.
Vợ chồng tôi mua được mảnh đất vào năm 2017, ở TP Thủ Đức. Ngoài xây nhà ở, chúng tôi để lại khoảng 20m2 làm vườn. Trước đây, vì bận việc, tôi hầu như để không hoặc chỉ trồng rau mồng tơi cho con ăn.
Được chồng lo kinh tế, tôi yên tâm tập trung vào việc tự chữa lành cho mình thông qua làm vườn, chăm sóc con, nội trợ. Mỗi ngày, khi con đi học, chồng đi làm, tôi bắt tay nhổ cỏ và cây dại, cải tạo đất, chọn giống cây phù hợp với thời tiết TP.HCM, làm giàn, đến các quán nước mía xin bã mía về phơi khô, cắt nhỏ trộn với đất và phân để trồng cây.
Đầu tiên, tôi trồng các loại rau dễ sống, dễ chăm sóc như mồng tơi, rau cải xanh, rau dền. Khi đất tơi xốp và đủ chất dinh dưỡng, tôi trồng thêm mướp hương, rau khoai, bí xanh, mướp đắng, cà chua, mấy cây đu đủ, cà tím, gừng, nghệ, lá lốt và các loại rau cải, rau thơm… Tôi cũng trồng thêm cây na (mãng cầu), một cây mít, một cây ổi, 2 bụi chuối trong vườn.
Cả ngày, tôi hết tưới nước, bón phân, bắt sâu, nhổ cỏ, rồi chia luống, chọn vị trí trồng cây phù hợp..., chẳng còn thời gian để buồn, suy nghĩ về những điều khiến mình không vui.
Niềm vui của tôi như được nhân đôi khi số cây trong khu vườn nhỏ do mình chăm sóc lúc nào cũng xanh tốt, có đủ rau sạch cho cả nhà ăn. Lúc thu hoạch bí xanh, mướp hương, rau cải được nhiều, ăn không hết, tôi mang đi biếu hàng xóm, người quen, đồng nghiệp. Chỉ đơn giản là cho đi món quà do mình tự làm ra, nhận được lời cảm ơn của mọi người mà tôi thấy trong lòng hân hoan, vui sướng.
Niềm vui của chị Loan như nhân đôi khi thu hoạt được nhiều rau mang đi cho hàng xóm, người quen. Ảnh: NVCC.
Khu vườn này cũng là nơi để tôi dạy con gái nhận biết các loại cây, bắt sâu và là chốn cho gia đình tôi được giải trí bằng cách cùng nhau thu hoạch rau quả, tưới nước cho cây hay dọn dẹp vườn. Đến tháng 2 vừa qua, sau 18 tháng làm vườn, tôi đã vui và đi làm trở lại. Tôi đã có thể tự tin đi gặp các đồng nghiệp, người quen và giảm được 8kg cân nặng, da mặt đã mịn trở lại. Đi tái khám trầm cảm, tôi nhận được lời khen của bác sĩ vì đã loại được 90 các dấu hiệu trầm cảm.
Hiện ngoài đi làm ở công ty, tôi vẫn tranh thủ làm vườn vào sáng sớm, chiều tối và ngày cuối tuần để vừa có được rau ăn, vừa vận động cơ thể và thư giãn.
Trầm cảm (depression) là bệnh rối loạn tâm trạng thường gặp. Theo thống kê, có đến 80% dân số trên thế giới từng bị trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời mình, ở bất cứ ở lứa tuổi nào, thường nữ mắc nhiều hơn nam giới. Người mắc trầm cảm thường có tâm trạng buồn bã, có hoặc không kèm theo triệu chứng hay khóc, không có động lực, giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả những hoạt động họ từng thích, ảnh hưởng đến cách họ cảm giác, suy nghĩ, hành xử và có thể gặp khó khăn trong cuộc sống, hay các vấn đề về thể chất, tinh thần. Theo bác sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Phượng, Bệnh viện tâm thần Mai Hương (Hà Nội), ngoài dùng thuốc theo triệu chứng, hỗ trợ tâm lý thì các liệu pháp đơn giản như làm vườn, đi du lịch... để làm sao tách khỏi môi trường tù túng, ngột ngạt cũng là cách điều trị trầm cảm có hiệu quả tương đối cao. “Có khoảng 50% bệnh nhân của tôi vượt qua stress nhờ vào phương pháp này mà không cần dùng thuốc”, bác sĩ Phượng chia sẻ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, làm vườn là một cách giúp cải thiện các bệnh thần kinh rất tốt, được áp dụng từ thời Ai Cập cổ đại. Theo các nhà khoa học, môi trường thiên nhiên tại các khu vườn kích thích hoạt động trí tuệ và rất nhiều giác quan của con người. Việc bệnh nhân thần kinh hít thở mùi thơm của các loại hoa lá, cỏ cây, chạm vào chúng, thậm chí có thể bị đau nếu gai đâm đều có những tác dụng trị liệu nhất định. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), làm vườn cũng là một hình thức tập thể dục. Các hoạt động như cào đất, cắt cỏ nằm trong nhóm bài tập thể dục có cường độ nhẹ và trung bình. Trong khi đó, các hoạt động như cuốc đất có thể được coi là bài tập thể dục cường độ mạnh. Như vậy, công việc làm vườn giúp con người sử dụng các nhóm cơ chính trong cơ thể, giúp phòng ngừa tình trạng thừa cân béo phì hiệu quả, từ đó giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý. |