Mang thai ở tuổi U60 vì chủ quan đã mãn kinh

Ngày 02/08/2024 10:53 AM (GMT+7)

Hà Nội - Đi khám vì thường xuyên mất ngủ, bốc hỏa, chị Oanh, 52 tuổi, chết lặng khi nghe thông báo mang thai 14 tuần tuổi.

Tại phòng khám Bệnh viện Phụ sản Trung ương, người phụ nữ quê Yên Bái cho biết kinh nguyệt không đều, thậm chí hai đến ba tháng mới có kinh. Trước đây, chị thường uống thuốc tránh thai hằng ngày. Thấy chậm kinh, chị nghĩ đã đến tuổi mãn kinh nên bỏ thuốc.

Đầu tháng 6, người bệnh mệt mỏi, mất ngủ, ợ chua, thường xuyên bốc hỏa trong người, chán ăn nên đi khám. Kết quả siêu âm phát hiện mang thai 14 tuần khiến chị bật khóc, liên tục xin bác sĩ kiểm tra lại.

Bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa khám bệnh, cho biết bệnh nhân chủ quan, nghĩ đã mãn kinh nên không dùng biện pháp phòng tránh, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Thai phụ lớn tuổi, không biết có em bé nên đã bỏ qua một số mốc siêu âm quan trọng, nguy cơ thai bất thường cao. Chị chia sẻ hai con gái đã lớn, có cháu ngoại, tâm lý xấu hổ, kinh tế khó khăn nên xin đình chỉ thai.

Tương tự, người phụ nữ 50 tuổi, quê Sơn La, ba tháng mới có kinh một lần, ra nhỏ giọt, nên không dùng biện pháp phòng ngừa. Tại thời điểm đó, người chồng bị tăng huyết áp, tiểu đường, phải dùng nhiều loại thuốc kháng sinh, sức khỏe không đảm bảo. Từ khi biết có bầu, vợ chồng bị căng thẳng tâm lý về nguy cơ sinh con bị dị tật. Để giữ thai, họ phải vượt qua nhiều khó khăn về thể chất, tinh thần.

"May mắn, sản phụ sinh con thuận lợi, bé trai 3,6 kg chào đời khỏe mạnh. Sức khỏe hai mẹ con cũng ổn định", bác sĩ nói.

Bác sĩ Thành đang siêu âm cho thai phụ. Ảnh minh họa do bác sĩ cung cấp

Bác sĩ Thành đang siêu âm cho thai phụ. Ảnh minh họa do bác sĩ cung cấp

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi mãn kinh trung bình là 51 và thời kỳ tiền mãn kinh thường bắt đầu vào giữa độ tuổi 40. Tiền mãn kinh có thể chỉ kéo dài vài tháng, nhưng cũng có thể đến 14 năm do một trường hợp khởi phát sớm từ cuối tuổi 30.

Lúc này kinh nguyệt có xu hướng thưa thớt hơn, cơ thể xuất hiện dấu hiệu nóng trong người, khô âm đạo, mệt mỏi, khó ngủ, tâm trạng thất thường. Dù vậy, buồng trứng vẫn còn hoạt động và sản sinh trứng nên vẫn có khả năng thụ thai. "Nhưng nhiều trường hợp tiền mãn kinh, lại chủ quan đã mãn kinh, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn do không có biện pháp phòng ngừa", bác sĩ Thành cho hay.

Việc mang thai ở thời kỳ tiền mãn kinh gây sảy cao hơn do người mẹ lớn tuổi, chất lượng trứng thấp, nội tiết tố dao động và tử cung thay đổi. Ngoài ra, nguy cơ con mang những nhiễm sắc thể bất thường cao hơn người trẻ.

Nghiên cứu mới từ Bộ Y tế cho thấy người mẹ 25 tuổi, tỷ lệ sinh con mắc bệnh Down chỉ 1/1.250 ca; 1/952 ở mẹ tuổi 30; 1/378 ở mẹ tuổi 35; 1/30 ở mẹ trên 45. Tỷ lệ sảy thai, biến chứng thai sản cũng như nguy cơ mang thai ngoài tử cung đều tăng lên sau tuổi 30, đặc biệt là sau tuổi 35. Ở tuổi 20, tỷ lệ phải sinh mổ khoảng 30%, nhưng sẽ tăng lên mức 43% ở tuổi 35.

Phụ nữ lớn tuổi thường mang bệnh lý nhiều hơn người trẻ, chẳng hạn như tim mạch, tăng huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường dễ dẫn tới nguy cơ tiền sản giật, đe dọa trực tiếp đến tính mạng cả con lẫn mẹ. "Quá trình mang thai cũng khiến bệnh nền của mẹ trầm trọng, nguy cơ xuất hiện biến chứng trong thai kỳ cao hơn", bác sĩ nói.

Các chuyên gia khuyên phụ nữ nên tiếp tục tránh thai trong thời kỳ tiền mãn kinh và trong khoảng 12 tháng sau khi kinh nguyệt chấm dứt hoàn toàn. Các biện pháp là dùng bao cao su, uống thuốc, đặt vòng tránh thai, thắt ống dẫn trứng... Sau khi mãn kinh, nên sử dụng các biện pháp bảo vệ để giảm nguy cơ nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

Nếu lỡ mang thai trong độ tuổi tiền mãn kinh, thai phụ phải tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của các bác sĩ để sàng lọc những yếu tố nguy cơ cho cả mẹ và bé.

Mang thai lần 4 lúc 23 tuổi, cô gái phát hiện mắc ung thư cổ tử cung, bác sĩ nhắc tới thủ phạm ít ai ngờ
Đang mang thai con thứ tư ở tuần thai thứ 20, Quyên thấy có bất thường ở vùng kín nên rất lo lắng. Dù mắc ung thư, người mẹ trẻ đã sinh 3 lần vẫn...

Ung thư cổ tử cung

Thùy An
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh con