Rửa rau cũng cần đúng cách nếu không sẽ vừa không loại bỏ được bụi bẩn mà còn dễ rước thêm hóa chất vào người.
Dù đã về làm dâu vài năm nhưng mối quan hệ giữa Xiaofen và mẹ chồng vẫn thường xảy ra mâu thuẫn. Họ gần như không hợp nhau từ việc chăm sóc con cái, nội trợ, quản lý tiền bạc và thậm chí cả những việc nhỏ nhặt nhất như rửa rau và trái cây.
Xiaofen tin rằng chất tẩy rửa rau quả có thể khử trùng và làm sạch hoàn toàn, mẹ chồng cô khẳng định muối có thể khử trùng và rẻ tiền, đôi khi bà còn dùng nước vo gạo để rửa trái cây và rau quả. Bà cho rằng ngoài việc rửa sạch rau quả còn có thể tăng thêm dinh dưỡng từ nước vo gạo.
Mâu thuẫn tưởng như nhỏ nhặt này lại khiến hai mẹ con tranh chấp và thậm chí còn đăng lên mạng xã hội để cư dân mạng Trung Quốc đánh giá xem ai đúng ai sai. Bài đăng của Xiaofen đã thu hút sự chú ý từ cư dân mạng và thậm chí ngay cả những chuyên gia dinh dưỡng cũng quan tâm.
Mẹ chồng cho rằng dùng nước vo gạo rửa rau sạch nhưng con dâu tin dùng chất tẩy rửa rau quả. (Ảnh minh họa)
Về cách rửa rau của hai thế hệ già và trẻ, chuyên gia dinh dưỡng Chen Naijia tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan, cho biết cả hai cách làm trên đều không hiệu quả.
Đối với chất tẩy rửa rau quả thì không nên sử dụng, chuyên gia Chen Naijia chỉ ra rằng thứ này có chứa chất hoạt động bề mặt và các thành phần hóa học khác, sử dụng chúng để làm sạch trái cây và rau quả sẽ bổ sung thêm các hóa chất không cần thiết lên bề mặt rau quả.
Người cao tuổi thường sử dụng nước muối và nước vo gạo, chuyên gia Chen Naijia cho biết bản thân gạo cũng có vấn đề về dư lượng thuốc trừ sâu, tạp chất bụi và thậm chí cả trứng côn trùng. Do đó không nên dùng nước vo gạo rửa rau quả. Còn nước muối cũng không phải cách tốt, nước muối sẽ làm tăng áp suất thẩm thấu của nước, tạo điều kiện cho thuốc trừ sâu xâm nhập vào rau quả.
Chuyên gia Chen Naijia chỉ ra rằng ngoài việc loại bỏ bùn, bụi và côn trùng có thể có khi làm sạch rau, điều quan trọng nhất là loại bỏ thuốc trừ sâu còn sót lại trên bề mặt. Cách rửa rau quả sạch nhất là rửa trực tiếp dưới vòi nước và chà nhẹ, tùy theo nhu cầu, đặc điểm của các loại trái cây và rau quả mà có cách rửa khác nhau.
Chuyên gia dinh dưỡng cho biết rửa rau dưới vòi nước chảy là cách làm sạch nhất. (Ảnh minh họa)
Ví dụ, khi xử lý các loại rau có bề mặt không bằng phẳng như mướp đắng, ớt chuông đỏ vàng, ổi hoặc dưa chuột, bạn có thể dùng bàn chải mềm chà nhẹ lên bề mặt, sau đó loại bỏ phần cuống và lõi.
Đối với các loại rau lá cuộn lại như bắp cải, cải thảo, rau xà lách…, trên bề mặt còn sót lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nên loại bỏ 2 đến 3 lá bên ngoài cùng rồi vứt đi, sau đó bóc từng lá một rồi rửa sạch dưới vòi nước chảy. Không nên thái rau trước khi rửa vì chất dinh dưỡng dễ bị mất đi.
Trọng tâm của việc làm sạch các loại rau lá nhỏ như rau cải cúc, cải ngọt, cải chíp,... là loại bỏ phần rễ. Ngoài cặn bẩn, thuốc trừ sâu rất dễ đọng lại ở phần rễ nên trước khi rửa sạch phải loại bỏ rễ trước, sau đó cho phần lá rau vào nước và rửa chúng dưới vòi nước chảy. .
Với các loại quả thành chùm như nho, vải nên cắt bỏ cuống và lá và cắt thành từng quả một để rửa. Đối với những loại trái cây phải gọt vỏ trước khi ăn như cam, quýt cũng cần rửa sạch trước khi ăn để tránh ngón tay bị bẩn và làm bẩn phần thịt quả bên trong.