Có câu nói “bệnh từ miệng mà ra”, do đó ngoài lý do di truyền thì nguyên nhân dẫn đến bệnh tật có phần liên quan tới chế độ ăn uống. Một số món ăn dù khoái khẩu tới đâu bạn cũng không nên dùng quá nhiều.
Hiện nay, món dưa muối chua rất phổ biến, nhiều người thích ăn vì dưa chua tạo ra cảm giác ngon miệng, chống ngán khi ăn các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, nhưng món ăn này lại tiềm ẩn một thứ nguy hại sức khỏe, đó là: Quá mặn! Một món ăn quá mặn đồng nghĩa với việc chứa quá nhiều natri, ăn nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Tác hại của việc ăn nhiều muối
1. Thận hư
Dưa muối chua chứa rất nhiều muối, ăn nhiều có thể gây hại thận (Ảnh minh họa)
Thận là cơ quan chuyển hóa quan trọng của cơ thể. Khoảng 95% lượng muối trong cơ thể được đào thải qua thận dưới dạng nước tiểu. Lượng muối dư thừa nếu không được đào thải kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng phù nề, càng làm tăng gánh nặng cho thận.
Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng muối dư thừa có thể làm tăng protein trong nước tiểu, đây là một dấu hiệu báo trước cho việc tổn thương thận.
2. Tổn thương dạ dày
Thành phần chính của muối là natri clorua, ion clorua trong đó sẽ làm tăng nồng độ axit dịch vị. Axit dịch vị nồng độ cao sẽ ăn mòn niêm mạc dạ dày và gây ra nhiều bệnh lý khác nhau cho dạ dày như viêm, loét dạ dày.
Theo khảo sát của Đại học London (Anh), năm 2010, khoảng 1/4 bệnh nhân ung thư dạ dày ở Anh có liên quan đến chế độ ăn nhiều muối hàng ngày.
3. Tăng nguy cơ cao huyết áp và bệnh tim mạch
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định lượng muối ăn vào có liên quan mật thiết đến tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp. Khi tiêu thụ quá nhiều muối, để duy trì sự cân bằng của chất lỏng trong cơ thể, dịch ngoại bào sẽ tăng lên, thể tích máu cũng tăng lên và huyết áp cũng tăng lên.
Huyết áp cao có thể dẫn đến bệnh tim mạch. Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học New England của Mỹ, hàng năm trên thế giới có khoảng 1,65 triệu người chết vì bệnh tim mạch do ăn quá nhiều muối.
4. Tăng nguy cơ loãng xương
Lượng muối nạp vào cơ thể càng nhiều, càng tăng nguy cơ loãng xương (Ảnh minh họa)
Các ion natri cần sự hỗ trợ của các ion canxi khi bài tiết ra khỏi cơ thể, cứ 1000mg natri thải ra thì có khoảng 26mg canxi bị mất, có nghĩa là lượng natri cần đào thải càng nhiều thì lượng canxi tiêu thụ càng lớn, và nguy cơ loãng xương càng cao. Ngoài ra, quá nhiều canxi trong nước tiểu sẽ làm tăng nguy cơ bị sỏi thận.
5. Đau đầu
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh cho thấy những người ăn 3.500 mg natri mỗi ngày có nhiều khả năng bị đau đầu hơn những người ăn 1.500 mg mỗi ngày. Quá nhiều natri có thể làm tăng áp lực lên mạch máu, gây phù não, thậm chí chèn ép dây thần kinh, có thể gây đau đầu.
6. Béo phì
Chúng ta đều biết rằng ăn quá nhiều đường sẽ khiến bạn béo, nhưng quá nhiều muối cũng sẽ khiến bạn béo lên. Chế độ ăn nhiều muối sẽ thúc đẩy quá trình tiết insulin trong cơ thể và tăng tích trữ chất béo, điều này không chỉ dẫn đến béo phì mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
7. Nhiễm trùng đường hô hấp
Quá nhiều muối sẽ ức chế hoạt động của các tế bào hô hấp và làm giảm tiết nước bọt ở miệng, do đó làm giảm khả năng kháng bệnh của hệ hô hấp và tăng khả năng nhiễm virus và vi khuẩn trong đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh, viêm họng và các bệnh viêm đường hô hấp trên xảy ra thường xuyên.
Ngoài dưa muối chua chứa nhiều muối, một số thực phẩm chứa nhiều muối này thường bị bỏ qua:
Các loại thịt, cá “ăn liền”, đóng hộp: Các loại thực phẩm ăn liền như giò, chả, ruốc, xúc xích, thịt xông khói, thịt hộp, cá hộp… cũng đã có muối. Do đó đây cũng là những thực phẩm nên hạn chế chấm thêm gia vị chứa muối trong khi ăn.
Các loại súp, nước dùng, nước sốt: Viện dinh dưỡng chỉ ra trong một bát nước phở, nước bún cá, bún riêu cua (tương đương 200ml nước dùng) chứa khoảng 2-4g muối.
Các loại mì ăn liền, pizza, spaghetti: Mì ăn liền, pizza, spaghetti đều là những thực phẩm chứa nhiều muối tiềm ẩn bên trong nhân và bột bánh của chúng. Do đó càng ăn nhiều bạn càng nhận lượng muối đi vào cơ thể nhiều hơn.
Các loại đồ ăn văn ần dấu rất nhiều muối (Ảnh minh họa)
Đồ ăn vặt: Một số đồ ăn vặt như bim bim, hạt điều rang muối, bánh gạo vị mặn cũng chứa nhiều muối. Viện dinh dưỡng ước tính trong gói bim bim 48g có tới gần 900mg muối; trong 1 chiếc bánh gạo chỉ nặng 3g có tới 195mg muối.
Hải sản: Hầu hết các loại hải sản đều chứa nhiều muối hơn các loại sinh vật sống trong nước ngọt. Nên lưu ý khi nấu, chế biến các loại thực phẩm này, cho thêm ít muối hơn các loại khác, đặc biệt là khẩu phần ăn của người bị tim mạch, huyết áp và thận.