Cà tím là loại rau trường thọ mà hoàng đế xưa tin dùng nhưng nó chứa một thành phần vừa có lợi mà cũng vừa có hại.
Con người hiện đại ngày càng chú ý đến sức khỏe nên họ rất chú trọng đến việc những gì mình ăn có cân bằng dinh dưỡng hay không. Rau củ vốn giàu chất dinh dưỡng và chất xơ và là thứ không thể thiếu trên bàn ăn. Cà tím là một loại rau khá phổ biến nhưng cũng không phải thực phẩm được ăn nhiều. Tuy nhiên trong xa xưa, nó được gọi là món rau trường sinh của các bậc đế vương và có nhiều lợi ích cho cơ thể con người.
Theo Tổ chức Ung thư Đài Loan, cà tím chứa vitamin A, phức hợp vitamin B, vitamin C, vitamin P, canxi, phốt pho, magie, kali, sắt, đồng và các chất dinh dưỡng khác, và 90% cà tím là nước, giàu chất xơ và saponin giúp giảm cholesterol. Ngoài ra phần vỏ màu tím còn chứa hợp chất polyphenolic có tác dụng chống lại các gốc tự do.
Cà tím chứa nhiều thành phần giúp chống ung thư. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, cà tím còn giàu nhiều thành phần hóa học thực vật chống ung thư, bao gồm vitamin P, anthocyanin, axit chlorogen và solanine.
- Vitamin P: Có thể giúp tăng cường mao mạch và điều chỉnh khả năng hấp thu.
- Anthocyanin: Nó có khả năng siêu chống oxy hóa và có thể ổn định cấu trúc màng tế bào để bảo vệ các tế bào nội mô của động mạch và tĩnh mạch khỏi tổn thương gốc tự do. Nó cũng có thể làm tăng quá trình tổng hợp mucopolysacarit để duy trì tính toàn vẹn của thành động mạch. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng anthocyanin có thể ngăn cholesterol bị oxy hóa và cải thiện hiện tượng xơ vữa động mạch của con người.
Axit chlorogen: Có thể làm giảm tốc độ hấp thụ đường trong ruột và làm giảm lượng đường trong máu tăng nhanh sau bữa ăn.
Solanine: Có thể ức chế các khối u của hệ tiêu hóa. Cà càng tím càng chứa nhiều solanine hơn các loại rau khác. Vì vậy, cà tím có tác dụng chống ung thư tốt.
Thành phần chống ung thư tốt nhất cũng nguy hiểm nhất
Tuy nhiên, Tổ chức Ung thư Đài Loan cũng nhắc nhở, khi để cà tím quá lâu sẽ sản sinh ra rất nhiều solanine. Tiêu thụ vừa phải solanine sẽ không sao nhưng nếu ăn quá nhiều sẽ gây hại cho cơ thể con người.
Tiêu thụ cà tím quá nhiều có thể dẫn đến hấp thụ solanine quá mức gây khó chịu đường tiêu hóa. (Ảnh minh họa)
Feng Shuangqing, giáo sư tại Trường Khoa học Thực phẩm và Kỹ thuật Dinh dưỡng thuộc Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết solanine trong cà tím thực chất là một loại alkaloid có tác dụng bảo vệ chính cây trồng.
Tuy nhiên, khi con người ăn không đúng cách, solanine cũng có thể gây ngộ độc. Các chuyên gia cho biết solanine gây kích ứng đường tiêu hóa nên bạn có thể bị nôn mửa, buồn nôn, khó chịu ở bụng hoặc thậm chí là tiêu chảy. Nếu tiêu thụ số lượng lớn, nó có thể dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng hơn. Trong cơ thể chúng ta có một thứ gọi là ty thể, chủ yếu liên quan đến hô hấp và sản xuất năng lượng, nếu ăn quá nhiều solanine, màng ty thể trong cơ thể sẽ bị tổn thương, từ đó tác động lên hệ hô hấp của con người.
Nếu hàm lượng solanine vượt quá 25 mg, con người sẽ cảm thấy khó chịu ở đường tiêu hóa, nếu vượt quá 400 mg, con người sẽ bị nhiễm độc và có thể tử vong.
Cà tím chứa solanine, vậy nên ăn bao nhiêu để an toàn? Các chuyên gia cho biết nếu ăn 400 gam cà tím sẽ không bị ngộ độc (tương đương với 2 quả cà tím dài và 2/3 quả cà tím tròn). Và mọi người cũng chỉ nên thỉnh thoảng ăn.