Có một số việc bạn làm lúc ăn uống có thể vô tình gây hại cho cơ thể nếu thực hiện lâu dài, từ ngày này qua ngày khác.
Nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội
Thói quen vệ sinh trước và trong khi ăn tưởng tốt hóa ra là sai lầm
Hiện nay, hầu hết gia đình tại Việt Nam đều có thói quen dùng khăn giấy để vệ sinh đồ dùng ăn uống hay lau miệng, lau tay trong bữa ăn, dù khi ở nhà mình hay lúc ra hàng quán, đến nhà hàng, khách sạn. Đáng nói là việc làm này không chỉ diễn ra theo thời điểm, mà lặp lại ngày này qua tháng khác và tạo thành thói quen không thể thiếu, nhất là với những người thường xuyên ăn hàng quán.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm) cho biết, đa số mọi người nghĩ dùng giấy ăn để vệ sinh dụng cụ, lau miệng là sạch sẽ nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Theo lý giải của ông Thịnh, việc dùng giấy ăn để lau bát đũa, nhất là bát đũa khi còn ướt là sai lầm.
Việc dùng khăn giấy lau bát đũa ướt có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
“Riêng với việc dùng giấy ăn lau miệng thì có thể được nhưng cần nhớ loại giấy ăn đó phải đảm bảo sản xuất từ nguyên liệu an toàn, quy trình đạt chuẩn. Thực tế, nhất là ở các quán ăn vỉa hè, các loại giấy ăn đang được sử dụng không phải là loại dùng để lau miệng. Đó là chưa kể, ngay tại các gia đình, không ít người tận dụng giấy cuộn (loại giấy có mục đích dùng khi đi vệ sinh) để lau bát đũa, thậm chí lau miệng… Điều này gây nguy hiểm cho sức khỏe”, ông Thịnh cho hay.
Giấy ăn tái chế gây hại cho sức khỏe người dùng
Theo PGS Thịnh, giấy phục vụ trong ăn uống hay nói cách khác là để lau miệng phải được sản xuất từ nguyên liệu là gỗ, trúc, các loại cỏ… có hàm lượng xenlulozơ cao. Còn giấy vệ sinh thông thường đa số được sản xuất từ các loại giấy tái chế. Quá trình sản xuất các loại giấy này thường được cho nhiều xút, nước javel để tẩy trắng, do vậy khi sử dụng sẽ độc hại.
“Khi dùng các loại giấy ăn tái chế để lau miệng hay bát đũa, các mủn giấy, thậm chí là hạt bụi rất nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy, sẽ bám vào gây nguy hại cho sức khỏe, nhất là hệ hô hấp, phổi, da. Đó là chưa kể, loại giấy này tồn dư hóa chất tẩy trắng, mực in… nếu dùng lâu dài các chất độc hại này sẽ tích tụ trong cơ thể", ông Thịnh nói.
Khăn giấy tái chế dùng để lau miệng có thể khiến cơ thể trực tiếp bị nhiễm các hạt bụi, hóa chất. (Ảnh minh họa)
Chia sẻ với báo chí liên quan đến vấn đề này, TS Trần Quang Tùng - Viện Kỹ thuật Hóa học (Đại học Bách Khoa) cho biết, điều nguy hiểm nhất khi sử dụng các loại giấy ăn tái chế chính là tồn dư hóa chất và kỹ thuật sản xuất không đảm bảo khiến vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
“Trong quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển, nếu tay của công nhân không được vệ sinh sạch sẽ, các vi khuấn sẽ xâm nhập và trú ngụ ở giấy ăn, sau đó xâm nhập vào cơ thể con người trong lúc sử dụng, gây ra các bệnh như tiêu chảy, tả, lị, thương hàn, nhất là với những người có sức đề kháng kém”, ông Tùng cảnh báo.
Làm sao để đảm bảo an toàn
Theo TS Tùng, tốt nhất mọi người không nên lạm dụng giấy ăn, nhất là các loại giấy ở hàng quán bình dân, vỉa hè, tránh tận dụng giấy vệ sinh để dùng trong bữa ăn. “Khi đi ăn uống hoặc mua giấy ăn, cần tránh những loại giấy bản vuông nhỏ, có màu xám đen, bề mặt sần sùi, có nhiều vệt như mực đen, vì đây là loại giấy có quy trình xử lý không đảm bảo, tồn dư nhiều mực in và hóa chất, rất hại cho sức khỏe người dùng”, ông Tùng cảnh báo.
Ông Thịnh khuyến cáo, tốt nhất nên thực hiện việc rửa vệ sinh trước và sau khi ăn là an toàn nhất. Ảnh: Lê Phương.
PGS Nguyễn Duy Thịnh tư vấn thêm, các gia đình không nên dùng giấy, dù là bất cứ loại nào, để lau bát đũa. Nếu cần lau, tốt nhất nên dùng khăn vải sạch và sau mỗi lần dùng thì giặt sạch và phơi khô khăn dưới ánh nắng hoặc khử trùng rồi dùng tiếp. Trường hợp trời có nắng thì không cần lau bát đũa, sau khi rửa chỉ cần phơi khô dưới ánh nắng là đủ.
Đối với việc lựa chọn giấy ăn an toàn, ông Thịnh khuyến cáo nên chọn loại giấy của nhà sản xuất uy tín, có kiểm định. Giấy phải đảm bảo dai, mịn, lau không để lại bụi trên da hoặc vật dụng được lau, giấy không có ánh bạc của hóa chất trên mặt giấy, khi đưa tay chà mạnh có độ dẻo, khó rách. “Tốt nhất mọi người nên thực hành việc rửa tay trước và vệ sinh miệng sau khi ăn, như vậy vừa đảm bảo vệ sinh, vừa không lo chất lượng giấy, lại đỡ tốn kém tiền bạc”, PGS Thịnh khuyên.
Tin liên quan
Chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ giúp bạn giảm nguy cơ mắc ung thư, tiểu đường hay bệnh tim mà còn giúp hạn chế sự suy giảm nhận thức theo...
Việc ăn uống và sinh hoạt cân bằng trong dịp Tết Nguyên đán là rất quan trọng để vừa bảo vệ sức khỏe, vừa không bị đảo lộn nhịp sinh học của...
Thận của bạn sẽ ngày càng suy yếu và cuối cùng không thể lọc được chất thải, khiến cơ thể nhiễm độc nếu bạn tiếp tục duy trì thói quen ăn...
Để không bị tăng cân và ảnh hưởng tới sức khỏe trong những ngày Tết, mọi người có thể thực hiện theo 10 mẹo sau.
Tin bài cùng chủ đề Thói quen có hại
Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều thói quen tưởng chừng vô hại lại tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.