Một chút đường vào buổi sáng có thể giúp kích thích các tế bào thần kinh, làm tinh thần bạn trở nên phấn chấn hơn. Nhưng lượng đường cung cấp vào cơ thể chỉ cần cao lên một chút cũng có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc đối với sức khỏe.
Đường là gì?
Đường có vị ngọt, có sẵn trong thực phẩm hoặc tạo ra từ thực vật (mía đường, củ cải, thốt nốt…) rồi cho vào đồ ăn, thức uống. Đây là một carbohydrat (carbs) mà cơ thể hấp thụ để bổ sung năng lượng.
Có 2 loại đường: đường tự nhiên và đường bổ sung. Đường tự nhiên có sẵn trong các loại thực phẩm chưa qua chế biến: sữa, trái cây, rau, ngũ cốc… Đường tự nhiên phổ biến nhất là fructose trong trái cây, mật ong và lactose trong sữa hay các sản phẩm từ sữa.
Đường giúp bổ sung năng lượng, nhưng ăn nhiều gây hại lớn sức khỏe (Ảnh minh họa)
Đường bổ sung được thêm vào trong quá trình chế biến thực phẩm, đồ uống hay đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng tại nhà. Đường bổ sung có thể là đường tự nhiên (fructose) hay đường chế biến (sản xuất từ bắp).
Ai cũng nói “đường gây gánh nặng” cho cơ thể, vậy gánh nặng ở đây là gì? Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Anh đầu tháng 4 của nhóm bác sĩ Lưu Lương Nhân (Bệnh viện Hoa Tây thuộc Đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc) đã phát hiện ra rằng:
Lượng đường cao có liên quan đến tăng nguy cơ mắc 45 bệnh
Bao gồm 18 bệnh nội tiết, 10 bệnh tim mạch, 7 bệnh ung thư và 10 bệnh khác (thần kinh, răng miệng, gan, xương và dị ứng). Ví dụ, cứ 355ml đồ uống có đường được tiêu thụ mỗi ngày, nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp tăng 11%.
Trước những nguy cơ sức khỏe của chế độ ăn nhiều đường, nghiên cứu cho thấy lượng đường hấp thụ hàng ngày nên dưới 25g và lượng đồ uống có đường hàng tuần nên dưới 355ml.
Tại sao chúng ta vẫn ăn rất nhiều đường dù biết là không tốt?
Tháng 2/2012, một bài báo có tiêu đề "Sức khỏe cộng đồng: Sự thật độc hại về đường" đăng trên tạp chí Nature đã chỉ ra rằng đường cũng giống như thuốc lá và rượu, đường còn có hại hơn nhiều so với chất béo và calo.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng chứng minh thông qua các thí nghiệm trên động vật rằng chứng nghiện đường có tác động kép.
Đường gây nghiện như thuốc lá, rượu bia. (Ảnh minh họa)
Một mặt, đường ảnh hưởng đến nội tiết tố trong cơ thể, khiến não không thể phát đi tín hiệu no, càng ăn càng ghiền, dù đã no bụng vẫn muốn ăn tiếp. Mặt khác, tác động của đường đến nội tiết tố trong cơ thể còn thể hiện ở chỗ, nó sẽ khiến não liên tục phát tín hiệu yêu cầu tiêu thụ đường, giống như chứng nghiện thuốc lá, người ăn đường sẽ ngày càng thích ăn nhiều hơn.
Một bài báo được xuất bản trên CNN Health nhắn nhủ chúng ta về mối liên quan giữa nhân não và vùng đại não gây ra các hành động cố ý. Ví dụ bạn có quyết định ăn thêm một chiếc bánh sô cô la nữa hay không. Phần vỏ não trước trán hoạt hóa các hormone như dopamin kích thích các ý nghĩa như “chiếc bánh này ngon thật và nên nhớ để lần sau có thì lại chọn bánh này”. Việc nghiện một thứ nào đó vì chúng khiến bạn vui vẻ, hạnh phúc sẽ được não bộ ghi nhớ và nếu sự tiếp xúc càng nhiều thì lại càng làm bạn dễ dàng thỏa hiệp với bản thân để được thưởng thức thêm hết lần này đến lần khác. Thông qua những thay đổi này trong não, mọi người sẽ vô tình thích những thực phẩm có chứa nhiều đường.
Không nên dùng quá lượng đường khuyến nghị
“Hướng dẫn chế độ ăn uống cho cư dân Trung Quốc (2022)” đề xuất người trưởng thành cần kiểm soát lượng đường bổ sung, không quá 50g mỗi ngày, tốt nhất là dưới 25g.
Khái niệm 25g là thế nàoì? Theo bác sĩ Lưu Lương Nhân, nếu quy đổi thực phẩm thường ăn trong cuộc sống hàng ngày thì chúng ta dễ dàng ăn vượt quá tiêu chuẩn. Ví dụ:
Nhiều loại thực phẩm bạn ăn hằng ngày chứa rất nhiều đường mà bạn không biết. (Ảnh minh họa)
- Một chai Coca: Một chai Coca 500ml có hàm lượng đường là 10,6%, quy đổi ra thì uống hết một chai tương đương với việc tiêu thụ 53g, vượt quá tiêu chuẩn nghiêm trọng.
- Hai cái bánh: Một chiếc bánh thông thường trung bình 100g chứa 20g đường. Hai chiếc bánh như vậy chứa 40g đường, chắc chắn vượt quá tiêu chuẩn.
- Một quả xoài: Hàm lượng đường trong loại quả này khá cao, khoảng 13,7g trong 100g thịt xoài. Nếu ăn một quả xoài cỡ 350g bạn nhận được gần 48g đường, nên hãy ăn loại xoài vừa phải để tránh nạp quá nhiều đường cho cơ thể.
- Trà sữa: Trung bình một ly trà sữa 480ml có khoảng 55g đường, tiêu thụ hết sẽ vượt gấp đôi lượng đường cho phép.
Ngoài ra, các loại thực phẩm khác cũng chứa đường mà bạn ít để ý như: Sữa chua, bánh mì, sữa tươi, thạch, nước ép trái cây, hoa quả khô, khoai tây chiên, đồ uống được khuyến nghị ít ngọt, sữa đậu nành… Chưa kể các loại thịt khô, nước sốt, các viên, salad, mì trộn… đều chứa đường.
Do vậy, nếu bạn thích ăn vặt thì rất khó kiểm soát lượng đường ăn vào cơ thể. Đó chính là nguyên nhân tại sao khi khám sức khỏe bạn phát hiện lượng đường trong máu cao, đột nhiên mụn mọc khắp mặt, luôn cảm thấy buồn ngủ sau khi ăn, hay luôn cố gắng giảm cân lại không thể giảm.
Lời khuyên: Dù đồ ăn vặt và đồ uống rất ngon nhưng cũng cần sử dụng có chừng mực để bảo vệ sức khỏe.