Việc ăn trái cây và các thực phẩm khác với liều lượng vừa đủ sẽ không gây tác hại cho cơ thể, kể cả trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.
Đừng bỏ những thực phẩm tốt cho cơ thể
Những ngày vừa qua, thời tiết nắng nóng bao phủ khắp miền Bắc, trong đó có thủ đô Hà Nội. Với điều kiện thời tiết như hiện tại, việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý, nâng cao sức đề kháng là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trên mạng xã hội lại xuất hiện một số thông tin cho rằng, mọi người nên hạn chế ăn một số trái cây, thực phẩm để cơ thể không bị sinh nhiệt, nổi mụn, bốc hỏa.
Cụ thể, một số người cho rằng thời tiết nắng nóng nên hạn chế ăn một số loại quả như dứa, xoài, mận… vì đây đều là những loại quả có tính nóng, dễ gây nổi mụn nhọt. Ngoài ra, còn có thông tin cho rằng mọi người nên tránh xa các thực phẩm như cá, gà, trứng vì dễ làm tăng nhiệt cơ thể, làm tình trạng nóng trong càng trầm trọng.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, những thông tin trên là không chính xác, mọi người không nên áp dụng.
Bác sĩ khẳng định, thông tin ăn cá, gà, trứng mùa hè gây sinh nhiệt là không chính xác. (Ảnh minh họa)
Đối với thông tin không ăn cá, gà trứng vì gây tăng nhiệt cho cơ thể, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng khẳng định: “Đây là thông tin thất thiệt, không có cơ sở khoa học. Bởi tất cả các thực phẩm trên đều là món ăn thông thường và được khuyến nghị sử dụng tại các gia đình trong tất cả các mùa”.
Theo bác sĩ Hưng, trứng là thực phẩm quá quen thuộc và mọi người đều đã biết những giá trị dinh dưỡng mang lại cho sức khỏe. Trong mùa hè, trứng gà dưới tác động của nắng nóng có thể sẽ nhanh hư hỏng hơn, do vậy mọi người nên bảo quản cẩn thận hoặc mua trứng đến đâu sử dụng hết đến đó.
Còn thịt gà hay cá đều là những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật được khuyến nghị sử dụng đầu tiên trong danh sách. “Hiện ngành dinh dưỡng đang khuyến nghị người dân hãy bổ sung chất đạm đến từ nguồn thủy hải sản trong đó có cá là đầu tiên, sau đó đến nhóm gia cầm là gà, cuối cùng mới đến nhóm gia súc như lợn, trâu, bò... Do vậy, một lần nữa tôi nhắc lại, các thông tin trên mạng xã hội khi xuất hiện mọi người cần chắt lọc khi tiếp cận, không phải cái gì cũng đúng, do vậy rất cần thiết phải kiểm chứng từ những người có chuyên môn”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Đừng lạm dụng trái cây vì không phải ăn nhiều là tốt
Theo bác sĩ Hưng, vào mùa hè, với đặc điểm thời tiết nắng nóng, nhu cầu về nước và vitamin của cơ thể rất lớn. Trong đó, rau xanh và quả chín là nguồn cung cấp vitamin và chất xơ chủ yếu cho cơ thể. Do vậy, chúng ta cần tuân thủ ăn đủ số quả chín trong ngày theo khuyến cáo là 200-300 gam/ngày với người lớn. Tốt nhất, nên ăn đa dạng các loại quả chín và loại quả theo mùa.
“Tôi phải nhấn mạnh là chúng ta nên ăn đủ số quả chín trong ngày và không nên ăn quá nhiều. Bởi một số loại quả chứa nhiều đường đơn, ăn nhiều cũng không tốt, thậm chí gây tình trạng thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa. Nếu chúng ta chỉ ăn đủ thì không bao giờ lo bị nóng, còn chuyện nổi mụn có nhiều nguyên nhân gây nên chứ không phải là do trái cây. Do vậy, đừng quy tội cho hoa quả vì điều này chưa có khoa học chứng minh”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Trái cây trong mùa hè nếu ăn điều độ sẽ không gây nóng hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Lương y Bùi Hồng Minh (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết, trong đông y một số quả đúng là có tính nóng, tuy nhiên khi khuyến cáo các chuyên gia luôn nhắc nhở người dân ăn với lượng vừa đủ. Nếu ăn đủ thì sẽ không gây hại với sức khỏe, còn trường hợp ăn quá nhiều thì không chỉ gây nóng mà còn có nhiều tác hại khác.
“Ví dụ trong mùa hè khi ăn mận, chúng ta chỉ nên dùng 10 quả/ngày. Hay như quả vải cũng vậy, dù rất ngon, ngọt nhưng cũng chỉ nên dùng 4-5 quả/lần và một ngày chỉ ăn 2 đến 3 lần. Không chỉ mận, vải mà các loại quả khác cũng vậy, chỉ nên ăn vừa đủ”, lương y Hồng Minh chia sẻ.
Vậy mùa hè ăn uống thế nào cho hợp lý?
Bác sĩ Hưng tư vấn, trong mùa hè chúng ta vẫn phải tuân thủ chế độ ăn lành mạnh và khoa học, đa dạng các nhóm chất như chất béo, bột đường, đạm, vitamin và khoáng chất. Trong mùa hè, với người không có bệnh lý nền thì cần ăn thêm rau xanh, quả chín và uống thêm nước. Vì thời tiết oi nóng, hoạt động thể lực nhiều sẽ làm ra mồ hôi, mất nước.
Bữa ăn nên cân bằng các nhóm chất để đảm bảo sức khỏe mùa nắng nóng. (Ảnh minh họa)
“Mùa hè mất nước nên phải bổ sung nước cho cơ thể, nhưng uống nước cũng phải hợp lý và tùy thuộc vào cân nặng, thể trạng của từng người. Không nên uống nước quá nhiều trước bữa ăn, như vậy sẽ làm căng dạ dày không ăn được nhiều đồ ăn khác”, bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Đặc biệt là dù nắng nóng nhưng chúng ta cũng phải lưu ý hoạt động thể lực, đốt cháy mỡ thừa. Hay như các em bé, ngoài yếu tố dinh dưỡng thì việc ngủ đúng giờ, đủ giấc trong thời gian nghỉ hè là rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.
Một vấn đề cũng rất quan trọng trong mùa hè, đó là thực phẩm dễ ôi thiu, vì thế khi chế biến xong không ăn ngay, hoặc không bảo quản cẩn thận sẽ rất dễ gây ngộ độc thực phẩm.
“Chúng ta nên dùng thực phẩm tươi, biết rõ nguồn gốc, chế biến sống chín riêng biệt. Thực phẩm sau khi nấu hoặc một bữa ăn không nên để hoặc kéo dài quá 2 tiếng. Với thực phẩm thừa thì cần bảo quản tủ lạnh cẩn thận, trước khi ăn phải quay lại, nấu lại ở nhiệt độ phù hợp”, bác sĩ Hưng hướng dẫn.
Tin liên quan
Dù được rất nhiều người yêu thích, song dâu tây, cải bó xôi, cải xoăn,... lại nằm trong danh sách 12 loại rau củ, trái cây có chứa dư lượng...
Tin bài cùng chủ đề TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng
Bí đỏ có rất nhiều công dụng với sức khỏe, có thể để được lâu, nhưng cần phải sử dụng và bảo quản đúng cách mới phát huy được hết công dụng của loại quả này.