Nghiên cứu dài nhất của ĐH Harvard tiết lộ bí quyết sống đến 90 tuổi nằm ở 3 chữ: Quan hệ tốt

MINH MINH - Ngày 10/07/2023 06:27 AM (GMT+7)

Một nghiên cứu dài nhất từ ​​trước đến nay của Đại học Harvard đã phát hiện ra rằng chìa khóa để kéo dài tuổi thọ là có những mối quan hệ xã hội tốt, thân thiết, hạnh phúc.

Tất cả chúng ta đều muốn khỏe mạnh và sống đến 90, 100 tuổi, và mỗi người đều có kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe của riêng mình. Có người nói tập thể dục hàng ngày để kiểm soát cân nặng, có người nói ăn uống lành mạnh và theo dõi lượng cholesterol, huyết áp,... Vậy điều nào mới thực sự hiệu quả nhất?

Một nghiên cứu dài nhất từ ​​trước đến nay của Đại học Harvard đã phát hiện ra rằng lý do chính giúp kéo dài tuổi thọ là một yếu tố ít ai ngờ tới đó là các mối quan hệ xã hội.

Câu chuyện về một cựu chiến binh 95 tuổi trong Thế chiến thứ hai

Vào tháng 1 năm 2020, ông Miguel (Louis San Miguel), 95 tuổi, cựu chiến binh Thế chiến thứ hai, đã nhận được giải thưởng nghĩa vụ quân sự từ chính quyền địa phương và tiểu bang tại siêu thị Stop & Shop ở Braintree, Massachusetts (Mỹ). Cho đến thời điểm đó, ông vẫn làm việc 16 giờ một tuần trong siêu thị.

Ông Miguel đã sống tới 97 tuổi, năm 95 tuổi ông vẫn là nhân viên thu ngân tại siêu thị.

Ông Miguel đã sống tới 97 tuổi, năm 95 tuổi ông vẫn là nhân viên thu ngân tại siêu thị.

Dù tuổi tác đã cao nhưng ông vẫn làm công việc nhân viên thu ngân tại siêu thị với tinh thần lạc quan và sự nhanh nhẹn. Theo báo chí địa phương, ông từng là trợ lý phó chủ tịch của Ngân hàng Boston, nghỉ hưu ở tuổi 74 và có cuộc hôn nhân kéo dài 69 năm với người vợ 91 tuổi. 

Chia sẻ về lý do tại sao lại chọn làm việc ở siêu thị thay vì nghỉ hưu hưởng cuộc sống an nhàn, ông Miguel nói: “Tôi làm công việc này vì tôi thực sự thích được ở bên mọi người, đó luôn là một niềm vui".

85 năm nghiên cứu tại Đại học Harvard

Câu chuyện của ông Miguel là một bằng chứng xác đáng về kết quả nghiên cứu tuổi thọ của Đại học Harvard. Năm 1938, các nhà nghiên cứu của Đại học Havard đã bắt tay vào một cuộc nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ để tìm ra: Điều gì khiến chúng ta hạnh phúc trong cuộc sống.

Trong nghiên cứu kéo dài 85 năm về sự phát triển của người trưởng thành, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các mối quan hệ của mỗi người và mức độ hạnh phúc của họ trong những mối quan hệ đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khỏe của bản thân.

Các nhà nghiên cứu bắt đầu theo dõi sức khỏe của 268 sinh viên năm thứ hai tại Đại học Harvard (bao gồm cả Tổng thống Kennedy) vào năm 1938, sau đó theo dõi thêm 456 cư dân của thành phố Boston. Ngày nay, khoảng 60 người trong số họ vẫn còn sống và nhiều người đã hơn 90 tuổi. Khi nghiên cứu tiến triển, vợ của những người đàn ông này và hàng ngàn con cháu cũng tham gia.

Trong 85 năm, các nhà nghiên cứu đã quan sát quỹ đạo sức khỏe và hoàn cảnh sống của những người tham gia, bao gồm cả những thành công và thất bại trong sự nghiệp và hôn nhân của họ. Các hình thức nghiên cứu bao gồm xem xét hồ sơ y tế, phỏng vấn trực tiếp, bảng câu hỏi,...

Nghiên cứu kéo dài 85 năm cho thấy các mối quan hệ xã hội thân thiết, ấm áp giúp con người sống thọ hơn và có sức khỏe tốt hơn. (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu kéo dài 85 năm cho thấy các mối quan hệ xã hội thân thiết, ấm áp giúp con người sống thọ hơn và có sức khỏe tốt hơn. (Ảnh minh họa)

Kết quả cho thấy các mối quan hệ cá nhân thân thiết mang lại cảm giác thoải mái hơn tiền bạc và danh vọng, đồng thời có thể giúp trì hoãn sự suy giảm các chức năng của não và cơ thể. Ngoài ra, chất lượng các mối quan hệ cũng dường như dự đoán tuổi thọ và hạnh phúc của những người tham gia nhiều hơn là địa vị xã hội, chỉ số IQ hay thậm chí là di truyền.

"Khi chúng tôi thu thập mọi thứ về họ ở độ tuổi 50, mức cholesterol ở tuổi trung niên không phải là yếu tố dự đoán họ sẽ như thế nào khi về già, mà là mức độ hài lòng của họ trong các mối quan hệ. Ở tuổi 50, những người hài lòng nhất với các mối quan hệ của họ là những người khỏe mạnh nhất ở tuổi 80," Robert Waldinger - giáo sư tâm thần học của Trường Y Havard và là thành viên trong nhóm nghiên cứu cho hay.

Waldinger cũng nói rằng tiêu chí để đánh giá mối quan hệ xã hội của mỗi người tốt hay không, không dựa vào số lượng người thân, bạn bè mà dựa vào việc họ có cảm nhận được sự ấm áp, thân thiện và các mối quan hệ ấy có vững chắc không. 

"Những mối quan hệ tốt đẹp này không nhất thiết phải hoàn toàn suôn sẻ. Một số cặp vợ chồng ở độ tuổi 80 và 90 tham gia nghiên cứu có thể cãi nhau hàng ngày. Nhưng chỉ cần họ cảm thấy thực sự có thể dựa vào nhau khi gặp khó khăn, thì những cuộc tranh cãi đó chẳng là trong ký ức của họ", Waldinger nói.

Nghiên cứu cũng cho biết những phụ nữ lớn tuổi có cảm giác an toàn bên những người thân thiết sẽ ít bị trầm cảm hơn và có trí nhớ tốt hơn.

Một cuộc hôn nhân hạnh phúc tốt cho sức khỏe não bộ 

Trong các mối quan hệ mà nghiên cứu của Waldinger tìm hiểu, mối quan hệ hôn nhân được xem xét cụ thể nhất. Dĩ nhiên, hôn nhân thường là mối quan hệ mật thiết nhất trong tất cả các mối quan hệ của chúng ta và là mối quan hệ ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Trong một bài báo năm 2011 đăng trên tạp chí Tâm lý học và Lão hóa, một số cụ ông 80 tuổi nói với các nhà nghiên cứu rằng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc khiến họ cảm thấy ít buồn phiền hơn về bệnh tật; trong khi những người lớn tuổi không hạnh phúc trong hôn nhân phải chịu đựng nỗi đau tinh thần và thể xác cùng một lúc.

Hôn nhân hạnh phúc, viên mãn giúp phụ nữ ít bị trầm cảm và có trí nhớ tốt hơn. (Ảnh minh họa)

Hôn nhân hạnh phúc, viên mãn giúp phụ nữ ít bị trầm cảm và có trí nhớ tốt hơn. (Ảnh minh họa)

Bài báo cũng cho biết đối với cả đàn ông và phụ nữ, cuộc hôn nhân của họ càng viên mãn thì họ càng ít cảm thấy buồn phiền về bệnh tật. Tuy nhiên, sự lạc quan này dường như không liên quan chặt chẽ đến khoảng thời gian hai bên dành cho nhau hàng ngày. Nói cách khác, hạnh phúc của hôn nhân không nhất thiết thể hiện ở thời gian ở bên nhau bao lâu mà quan trọng hơn là ở sự chân thành và quan tâm hay không.

Trong một bài báo khác, xuất bản năm 2016, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những phụ nữ lớn tuổi cảm thấy an toàn hơn khi ở bên cạnh nửa kia sẽ ít bị trầm cảm hơn những người thường xuyên cãi vã với chồng và có sức khỏe tốt hơn sau này trong cuộc sống. 

Dành thời gian cho mọi người

Là giám đốc của dự án nghiên cứu kéo dài 80 năm, Waldinger đã kết luận rằng những người có thể duy trì mối quan hệ giữa các cá nhân tốt thường sống lâu hơn và hạnh phúc hơn. Ông nói: “Sự cô đơn có thể gây chết người, tệ như việc hút thuốc hoặc uống rượu".

Đồng thời, bản thân Waldinger cũng thu được rất nhiều lợi ích từ quá trình nghiên cứu. Giờ đây, ông thiền hàng ngày để điều hòa cơ thể và tâm trí, sau đó dành nhiều thời gian và năng lượng hơn cho các mối quan hệ của mình.

Ông cũng đưa ra lời khuyên cho mọi người để kéo dài tuổi thọ đó là: “Hãy thay thế thời gian trên màn hình bằng thời gian với con người”.

Giáo sư y học thọ 104 tuổi tiết lộ kinh nghiệm trường thọ: Ngây thơ như trẻ, ăn như kiến, tim như rùa và đi như khỉ
Tinh hoa giữ gìn sức khỏe của lương y Gan Zuwang để sống tới hơn 100 tuổi là: "Ngây thơ như trẻ, ăn như kiến, tim như rùa và đi như khỉ". 

Sống thọ

Theo MINH MINH (Dịch từ Aboluawang)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe