Theo PGS Lê Công Định – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai, ngoáy tai bằng bông tăm vô cùng nguy hiểm có thể gây thủng màng nhĩ, viêm tai, nấm tai.
Không có tác dụng
Mỗi lần tắm xong, chị Nguyễn Thuỳ Vân trú tại Hoàng Mai, Hà Nội lại lấy bông tăm để ngoáy tai vì không ngoáy chị không chịu được, cảm giác nước vào trong tai.
Bông tăm rất hại cho tai (Ảnh minh họa).
Hơn nữa, cơ địa ráy ướt nên ngoáy xong chị cảm thấy sạch hơn. Gần đây, chị Vân thấy ngứa tai, u nặng, đau bên trong tai nên đi kiểm tra. Bác sĩ vừa đưa ống nội soi tai vào thì phát hiện ống tai của chị bị đóng lại bởi lớp ráy rai đặc quánh dính chặt vào tai.
Các bác sĩ của khoa tai mũi họng, Bệnh viện Bạch Mai rất khó mới có thể lấy hết ráy tai ra được vì nó dính và ẩm. Sau khi kiểm tra, bác sĩ còn phát chị bị viêm tai giữa do nước đọng trong vòi nhĩ. Rất may, chị đi kiểm tra sớm.
Hay trường hợp của bệnh nhân Đỗ Mạnh Hồng trú ở Chương Mỹ, Hà Nội vào viện với đôi tai sung tấy, đỏ, vành tai ngứa có vảy. Anh Hồng cho biết Chủ nhật nào anh cũng tự thưởng cho mình thư giãn bằng đi gội đầu và lấy ráy tai. Nhân viên cắt tóc lấy cho anh thấy rất thích. Nếu không lấy anh thấy ngứa.
Gần đây, tai của anh ngứa bên trong và cả vành tai. Tiết ráy nhiều hơn ngày nào anh ngoáy cũng lấy được ít ráy ra. Thấy việc lấy ráy tai rất thích nên cứ ngứa là anh lại cho dụng cụ vào ngoáy để bớt ngứa hơn
Khi đi khám bác sĩ cho biết anh bị nấm ống tai lan ra cả vành tai, đây là một bệnh lý rất dễ mắc bởi các dụng cụ lấy ráy tai không hợp vệ sinh ở cửa hàng cắt tóc gội đầu hay thậm chí dụng cụ lấy ráy tai tại nhà.
PGS Lê Công Định cho biết có trường hợp con thích ngoáy bông tăm vì buồn buồn do đầu tai chứa nhiều dây thần kinh nên mẹ cứ ngoáy tai cho con để ru con ngủ. Một lần mẹ ngủ quên cắm bông tai trong tai con, bé quay người khóc thét vì bông tai cắm vào màng nhĩ gây thủng màng nhĩ.
Có nhiều trường hợp thì vào cấp cứu với tai chảy mủ, dịch, chảy máu, ống tai sứt da, viêm nấm do ngày nào cũng lấy ráy tai và các dụng cụ lấy sắc có, nhọn có, bông có gây tổn thương cho ống tai.
Hay có bà mẹ vội vàng đưa con vào bệnh viện vì thấy cục ráy tai của con to quá cố chòi cho bằng được dẫn đến chảy máu tai, tổn thương màng nhĩ vì dụng cụ lấy ráy tai.
Nên dừng ngay
PGS Định cho biết ráy tai là một lớp màng bảo vệ tai được tiết ra như dạng mồ hôi và người có ráy ướt, người khô, người nhiều, người ít nhưng dù ráy khô hay ráy ướt tuyệt đối không được tự ý lấy ráy tai.
Ráy tai có tác dụng để bảo vệ da ống tai không bị viêm nhiễm và còn như lớp đệm để giảm tiếng ồn quá lớn. Ráy tai là cơ chế tự bảo vệ của tai, ngăn không cho bụi bẩn, vi khuẩn từ môi trường ngoài đi sâu vào trong tai, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ.
Theo cơ chế bình thường ráy tai sẽ tự rơi ra khỏi ống tai vì thế dù bất cứ động tác nào cũng không lấy do dụng cụ không chuẩn, nhiễm khuẩn từ đồ lấy ráy tai mà khó nhất đó là một số người bị ráy ướt, ráy déo dỉnh nếu lấy thì vô tình đẩy ráy tai sâu vào ống tai lấp đầy ống tai. Ráy tai bị ép lên màng nhĩ và khiến nó không thể rung lên đúng như chức năng. Vì thế sẽ ảnh hưởng tới những vấn đề về thính giác.Dù ở bất cứ điều kiện này cũng không tự lấy ráy tai nếu tai ngứa có thể massager bên ngoài tai thay vì cho dụng cụ vào ngoáy kể cả bông tăm. Khi nước chui vào ống tai có thể ghé tai hoặc để tự nhiên nước sẽ khô thay vì ngoáy cho khô.
Ngoài ra, PGS Định cũng khuyến cáo khí có ráy tai gây khó chịu cần đến bác sĩ chuyên khoa để có dụng cụ chuyên biệt lấy ráy tai. Bác sĩ sẽ phải bơm nước vào để mềm ráy tai và phải lấy làm nhiều lần mới hết được ráy tai. Dụng cụ lấy ráy tai là một dụng như kẹp chứ không phải “chòi” như mọi người vẫn làm.