Người đàn ông ở giữa thủ đô mắc căn bệnh tưởng chỉ nông dân mới gặp, không rõ nguồn lây

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 09/10/2022 13:48 PM (GMT+7)

Khi được chẩn đoán mắc căn bệnh do xoắn khuẩn Leptospira gây ra, người bệnh vô cùng bất ngờ vì loại xoắn khuẩn này thường hay gặp ở những người tiếp xúc với chất thải động vật, bùn đất…

Các bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E Trung ương) vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam 49 tuổi (ở Cầu Giấy, Hà Nội) đến khám với lý do sốt ngày thứ 3, đau cơ hai bắp chân. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường và từng mổ polyp túi mật.

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Mạnh Cường - Phụ trách khoa Bệnh Nhiệt đới cho hay khi vào viện, bệnh nhân sốt nhẹ, không xuất huyết dưới da hay có biểu hiện phù nề, hai bắp chân đau tăng dần. Các xét nghiệm cho thấy, người bệnh không mắc các bệnh như sốt xuất huyết, cúm, COVID-19… 

“Với những kết quả trên, chúng tôi tiếp tục thăm khám và kiểm tra sâu hơn, kết quả siêu âm mạch (2 bắp chân) không phát hiện bất thường. Tuy nhiên cả gan và thận bệnh nhân đều bị suy, có tổn thương hệ tiết niệu. Ngoài ra, bệnh nhân có chỉ số CK (Creatine Kinase) cao”, bác sĩ Cường chia sẻ.

 Bác sĩ Cường cho biết ca bệnh Leptospirosis mới ghi nhận không rõ nguồn lây.

 Bác sĩ Cường cho biết ca bệnh Leptospirosis mới ghi nhận không rõ nguồn lây.

Từ những kết quả trên, các bác sĩ hướng đến chẩn đoán bệnh nhân có thể bị bệnh Leptospirosis do xoắn khuẩn Leptospira gây ra. Kết quả mẫu gửi đi xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với loại xoắn khuẩn này. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh theo đúng phác đồ.

“Ca bệnh này khá đặc biệt vì bệnh nhân suốt một thời gian dài chỉ ở thành phố, không hề có tiền sử dịch tễ liên quan đến bệnh như tiếp xúc bùn lầy, nguồn chất thải của động vật. Do vậy, nguồn lây của bệnh nhân này không rõ, đây cũng là lần hiếm gặp chúng tôi tiếp nhận ca mắc căn bệnh này có triệu chứng lâm sàng gợi ý và xét nghiệm xác định. Sau khi điều trị nội trú, hiện bệnh nhân đã ổn định, vừa được xuất viện”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Theo bác sĩ Cường, xoắn khuẩn Leptospira có thể lây qua da (vùng bị tổn thương) và niêm mạc, nhất là những người người tiếp xúc nhiều với bùn đất hoặc chất thải của các loại động vật có chứa xoắn khuẩn này. Vì thế, người làm ruộng, người hay đi đến những vùng đầm bùn lầy nước đọng, tiếp xúc nhiều với bùn đất, chất thải động vật dễ bị nhiễm bệnh.

Người thường xuyên tiếp xúc với bùn đất, chất thải động vật dễ mắc Leptospirosis. (Ảnh minh họa)

Người thường xuyên tiếp xúc với bùn đất, chất thải động vật dễ mắc Leptospirosis. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng có sự lây truyền từ người sang người qua đường nước tiểu của người bệnh. Lây qua đường tiêu hóa như qua thức ăn, nước uống không đun sôi, nấu chín, bị ô nhiễm. Cá biệt là lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt nước nhiễm khuẩn ở dạng khí dung. Tuy nhiên, nguy cơ từ một số đường lây này ít gặp hơn.

Bác sĩ Cường cũng cảnh báo, khi mắc căn bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh. Theo đó, khi xoắn khuẩn Leptospira khu trú vào các tạng như gan, thận, màng não, tim, phổi, thượng thận sẽ gây tổn thương các tạng này. 

Ví dụ như trường hợp tổn thương gan trong Leptospira gây triệu chứng vàng da, vàng mắt và rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, nguyên nhân do tổn thương mạch máu nuôi dưỡng tế bào gan dẫn đến hoại tử tế bào và do độc tố xoắn khuẩn gây hủy hồng cầu. Còn trường hợp gây tổn thương thận nếu không can thiệp kịp thời sẽ gây nên tình trạng vô niệu, ure và creatinin máu tăng gây nguy hiểm đến tính mạng. Được biết, nguyên nhân gây tổn thương ống thận là do thiếu oxy máu và do tác động trực tiếp của nội độc tố Leptospira gây nên.

Từ những phân tích trên, bác sĩ Cường khuyến cáo người dân hãy đi khám ngay khi có biểu hiện như mệt mỏi, đau cơ, vàng da, vàng mắt, tiểu ít… nhất là những ai có yếu tố liên quan đến dịch tễ như ở các tỉnh trung du, miền núi, tiếp xúc bùn lây, chất thải động vật.

“Hiện đã có vắc xin phòng bệnh và những người bị mắc cũng sinh ra được miễn dịch, nhưng miễn dịch đó chỉ có giá trị với tuýp huyết thanh mắc phải. Trong khi đó Leptospira có rất nhiều tuýp huyết thanh khác nhau, vì vậy người dân không nên chủ quan. Khi đi rừng, làm việc có liên quan đến yếu tố như đã nói trên thì cần phải trang bị đồ bảo hộ, vệ sinh cá nhân sạch sẽ”, bác sĩ Cường khuyên.

Chỉ với 1 thói quen đơn giản, mẹ đã có thể phòng ngừa hiệu quả các bệnh truyền nhiễm mùa hè cho con
Tuy COVID-19 đã có dấu hiệu hạ nhiệt, mẹ vẫn không nên lơ là việc phòng bệnh cho con. Đặc biệt là vào mùa hè - thời điểm dễ bùng phát nhiều căn bệnh...

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh khác