Chúng ta đều được khuyên không nên thức khuya nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu tác hại của thức khuya là gì? Liệu tác động của nó nguy hiểm thế nào tới sức khỏe của chúng ta.
Đi ngủ đúng giờ sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn và thúc đẩy sự trao đổi chất của cơ thể. Tuy nhiên một số người có thói quen thức khuya vì ôn thi, công việc nhiều, cày phim hoặc chỉ đơn giản không thích ngủ sớm.
Thật không may, thức khuya rất có hại cho sức khỏe của bạn, hậu quả của nó luôn lớn hơn những gì bạn tưởng. Dưới đây là những tác hại của thức khuya đối với sức khỏe tinh thần và thể chất.
Tác hại của thức khuya
1. Nguy cơ cao huyết áp
Trong một nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí Chronobiology International, các nhà nghiên cứu phát hiện những người thức khuya có nguy cơ bị cao huyết áp hơn 30% so với người ngủ đúng giờ.
Các lối sống như ăn uống không lành mạnh hoặc lười tập thể dục có thể góp phần làm tăng khả năng tăng huyết áp của "cú đêm".
2. Tăng cân
Ăn vặt khi thức khuya là điều rất phổ biến. Bạn sẽ vô thức nạp vào cơ thể nhiều calo hơn bạn nghĩ vào ban đêm. Bạn thậm chí còn có thể ăn những món ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên trong khi bỏ qua những món như trái cây, rau quả.
3. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy các vấn đề sức khỏe như lượng đường trong máu cao có liên quan đến những người hay thức khuya. Mặc dù nghiên cứu được thực hiện với quy mô tương đối nhỏ, nhưng kết quả cho thấy những phụ nữ thức khuya có nhiều khả năng có lượng đường trong máu cao hơn. Do đó, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 tăng lên.
4. Tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn duy trì một lịch trình ngủ khá đều đặn trong suốt cả tuần và chỉ thức khuya vào cuối tuần? Một nghiên cứu cho thấy thói quen này vẫn có thể gây hại cho sức khỏe và nó có thể ảnh hưởng tới tim. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu phát hiện cứ mỗi khi bạn thay đổi lịch trình giấc ngủ, nguy cơ mắc bệnh tim sẽ tăng 11%.
5. Dễ bị trầm cảm
Trong một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí Depression and Anxiety, những người thường xuyên thức khuya có nhiều khả năng bị trầm cảm và rối loạn lo âu hơn so với những người ngủ sớm. Những người ngủ muộn cũng có nhiều khả năng dễ bị thay đổi tâm trạng trong suốt cả ngày và thường cảm thấy mệt mỏi vào buổi sáng.
6. Nguy cơ tử vong cao hơn
Trong một bài báo được xuất bản vào tháng 4 trên tạp chí Chronobiology International, các nhà nghiên cứu đã theo dõi khoảng nửa triệu người từ 30 đến 73 tuổi trong khoảng sáu năm rưỡi. Sau một thời gian, họ phát hiện những người tự nhận mình là "cú đêm" có nguy cơ tử vong cao hơn 10% so với những người ngủ sớm, dậy sớm.
Những người từng là cú đêm có nhiều khả năng gặp phải các vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường, các vấn đề về thần kinh và rối loạn hô hấp.
7. Trí nhớ kém
Những người thức khuya để học bài rất có thể sẽ bị phản tác dụng. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy thức khuya để học bài, thường kéo theo tình trạng thiếu ngủ, không giúp ích cho trí nhớ dài hạn và tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của não bộ.
8. Rối loạn cương dương
Rối loạn cương dương là tác hại của việc thức khuya với nam giới. Nhiều bằng chứng khoa học đã chứng minh nam giới thức khuya càng nhiều càng có nguy cơ cao bị rối loạn cương dương.
Nguyên nhân là do nồng độ hormone testosterone trong cơ thể suy giảm khi thường xuyên thức khuya, gây ảnh hưởng đến nhu cầu tình dục và đời sống vợ chồng, thậm chí có thể dẫn tới vô sinh. Nồng độ hormone testosterone giảm 15% ở những nam giới ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm. Có đến 79% nam giới mắc rối loạn cương dương do thức khuya, thiếu ngủ hoặc mất ngủ.
9. Phụ nữ bị sạm da
Sau một đêm thức khuya, bạn có thể dễ dàng nhận thấy làn da bị sạm và khô hơn. Bởi thức khuya làm ảnh hưởng tới quá trình thải độc khiến độc tố tích tụ lại trong tế bào da, do đó khiến da bị sạm đen. Bên cạnh đó, thức khuya còn khiến da không có thời gian tự sửa chữa và phục hồi do tác hại của ánh nắng mặt trời, bụi bẩn, gió,...
10. Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt là tác hại của thức khuya với phụ nữ. Thức khuya làm gián đoạn hoạt động của tuyến yên và buồng trứng, làm giảm nồng độ hormone estrogen, progesterone, từ đó dễ gây rối loạn kinh nguyệt.
11. Tăng nguy cơ ung thư vú
Một số nghiên cứu cho thấy ung thư vú có khả năng tăng lên gấp 1.5 lần ở nữ giới có thói quen thức khuya và ngủ không đủ giấc.
Thức khuya có thể gây ảnh hưởng tới hormone progesterone và estrogen. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và ham muốn tình dục mà còn tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Cách để giảm tác hại của thức khuya?
Nếu bạn có dự định thức đêm, hãy cân nhắc ngủ thêm trước đó. Thức khuya khiến mắt phải làm việc quá tải, dẫn đến mỏi, đau, khô mắt... Chính vì vậy, bạn nên chợp mắt khoảng 20 phút rồi tiếp tục công việc.
Ăn uống nhẹ vào ban đêm khi thức khuya, tránh ăn đồ dầu mỡ, đồ ăn nhanh. Uống đủ nước vì thức muộn kéo dài khiến cơ thể dễ bị mất nước.
Nguồn tham khảo 13 Ways Being a Night Owl Could Hurt Your Health - Health - Xuất bản ngày 11/5/2018 7 Ways Staying Up Late Could Be Harmful To Your Health - Bustle - Xuất bản ngày 16/11/2017 |