Đôi khi công nghệ lại trở thành thứ cứu nguy cho mạng sống của chúng ta.
Cô Opokua Kwapong (58 tuổi) sống một mình ở New York. Một ngày cô nói chuyện với em gái Adumea Sapong đang sống ở Manchester qua tính năng Facetime trên điện thoại (gọi điện video) thì đột nhiên cảm thấy có điều gì đó bất thường.
Lúc đầu cô cảm thấy giọng nói của em gái bỗng nhiên trở nên khó nghe và lộn xộn. Tuy nhiên cô chỉ nghĩ rằng đó là vì cô vẫn chưa tỉnh ngủ sau giấc nghỉ trưa.
“Em tôi nói rằng cô ấy thấy sắc mặt tôi không tốt. Con bé cũng nói tôi đang lảm nhảm những lời khó hiểu nhưng tôi không tin.” Kwapong kể lại.
Em gái của Kwapong, cô Sapong cũng nói thêm: “Khi tôi gọi cho chị Kwapong, chị ấy bảo không khỏe và có chút mệt mỏi, bước đi cũng thấy khó khăn. Tôi đã khuyên chị thử dùng thuốc aspirin. Tuy nhiên nhìn chị qua Facetime, tôi thấy chị ấy không thể lấy nổi cốc nước và gương mặt bắt đầu run run. Ngay lập tức tôi bảo chị gác máy và gọi bác sĩ.”
Nghe lời em gái, Kwapong gọi ngay cấp cứu tới. Sau khi được chuyển đến bệnh viện, các bác sĩ nhận thấy trong não cô có cục máu đông. Kwapong được chẩn đoán mắc tai biến mạch máu não đã khiến cô bị tê liệt phần bên trái.
Sau khi phục hồi, Kwapong chia sẻ: “Facetime đã cứu sống tôi. Nếu tôi không gọi điện cho em gái và con bé không nhận thấy những điều bất ổn thì có lẽ mọi thứ đã khác. Công nghệ không chỉ cứu sống tôi mà còn cho phép tôi được tiếp tục sống.”
Cô Sapong – em gái của người phụ nữ may mắn thoát chết nói: “Có lẽ bạn đã nghe không ít những chuyện tiêu cực về công nghệ và Internet nhưng đây có thể là một minh chứng cho việc công nghệ cũng có mặt tốt.”
Esmee Russell – người đứng đầu nhóm phòng chống và chữa trị đột quỵ cho hay: “Bất cứ lúc nào và bất cứ ai dù ở độ tuổi ra sao cũng đều có thể bị đột quỵ. Đó là lý do mà tại sao mọi người cần phải xử lý nhanh chóng thì mới có thể kịp thời cứu mạng.”
Các cơn đột quỵ xảy ra khi lượng máu cung cấp cho một phần của não bị ngắt bởi cục máu đông hoặc bị tổn thương do chảy máu khiến các tế bào não bị chết.