Theo các bác sĩ, chị em có vòng ngực lớn hay nhỏ cũng nên thường xuyên tầm soát sớm ung thư vú để có thể phát hiện sớm bệnh này nhằm điều trị kịp và tránh các bệnh nguy cơ khác.
Ngồi không vững vì có vòng ngực quá cỡ
Ngày còn con gái, chị Nguyễn Thị Hương (55 tuổi, ở An Giang) có vòng ngực thon gọn. Từ sau khi lấy chồng, sinh con, vòng một của chị dần to bất thường.
Khi bước sang tuổi 35, vòng một của chị Hương ngày càng lớn, chảy xệ, ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hằng ngày. Mỗi khi ngồi, bộ ngực như “kéo” chị về phía trước khiến cơ thể không vững. Khi nằm, chị khó thở, không ngủ được. Từ một người phụ nữ dáng cười cao ráo, đi thẳng lưng, chị phải lom khom mỗi khi đi, đứng.
Bị phì đại tuyến vú hơn 20 năm khiến cuộc sống chị Hương như đảo lộn. Ảnh minh họa.
Một lần đi khám, chị Hương được chẩn đoán bị phì đại tuyến vú lành tính, không đau nhưng gây mất cân đối về vóc dáng, khó khăn trong việc lựa chọn đồ lót và trang phục. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật thu nhỏ, nhưng chị từ chối vì không có điều kiện.
Để thuận tiện trong cuộc sống hàng ngày, chị chọn áo ngực size lớn, có khi phải siết dây áo để ngực không rũ xuống vùng rốn. Vì điều này, khiến “cặp tuyết lê” bị ép chặt dưới da gây đổ mồ hôi nhiều nhưng không được thường xuyên vệ sinh, lâu dần khiến da bị bong tróc, nhiễm trùng. Ngoài ra, chị còn thường xuyên đau lưng, nhức vai và mỏi cột sống.
Mấy tháng trước, chị Hương sờ thấy có khối u to bằng quả trứng gà, cứng và đau nên đi khám, làm các xét nghiệm thì được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 3. Chị được bác sĩ chỉ định hóa trị, sau đó phẫu thuật cắt khối u và thu nhỏ vòng một.
Đầu tháng 2 vừa qua, sau khi kết thúc 8 đợt hóa trị, chị Hương được phẫu thuật cắt bỏ mô tuyến vú tiết kiệm da, kết hợp thu nhỏ ngực. Sau thành công của ca phẫu thuật, hiện vòng 1 của chị đã thon gọn, tình trạng đau lưng, khó thở, dáng đi chúi về phía trước cũng được khắc phục.
Về căn bệnh ung thư, do phát hiện ở giai đoạn muộn, chị Hương cần nhiều thời gian và chi phí điều trị hơn.
Các bác sĩ Bệnh viện K đang phẫu thuật cho nữ bệnh nhân mắc ung thư vú. Ảnh: BVCC.
Phụ nữ ngực to hay nhỏ cũng nên thường xuyên tầm soát ung thư vú
Theo Bệnh viện K (Hà Nội), ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa. Đây là bệnh thường gặp ở nữ giới, có nguy cơ tử vong cao.
Theo các bác sĩ, có nhiều lý do mà cơ thể có các đột biến gen, trong đó khoảng 5-7% trường hợp có nguyên nhân di truyền, còn lại hơn 90% trường hợp chịu tác động của các yếu tố môi trường và lối sống.
Về các ý kiến cho rằng, những người có ngực lớn hoặc mắc phì đại tuyến vú như trường hợp của bà Hương dễ bị ung thư vú hơn, Bệnh viện K khẳng định, điều này không đúng. Bởi, rủi ro mắc bệnh này tăng theo độ tuổi và những yếu tố nguy cơ khác. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ trên 40 tuổi nên tầm soát ung thư vú bằng nhũ ảnh để có thể sớm phát hiện bệnh, giúp giảm chi phí và các rủi ro.
Ths.BS Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cũng cho rằng, không có mối liên hệ nào giữa kích thước ngực và nguy cơ ung thư vú.
Theo các bác sĩ, kích thước ngực to hay nhỏ không phải là nguyên nhân dẫn đến ung thư vú ở nữ. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Tấn, phụ nữ có vòng ngực quá khổ hay mắc phì đại tuyến vú như chị Hương có nhiều khả năng bị đau lưng, nhức vai, mỏi cột sống và dễ khiến họ thấy tự ti hơn, nhưng không phải là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú. Hơn nữa, ngực lớn như chị Hương khiến cho việc kiểm tra các bất thường trở nên khó khăn, dẫn đến dễ bỏ sót các tổn thương, bất thường. “Trên phim chụp nhũ ảnh, mô vú dày đặc xuất hiện dưới dạng một vùng trắng đặc khiến khó phát hiện tổn thương trên vú”, bác sĩ Tấn chia sẻ.
Trong một nghiên cứu về mối liên hệ giữa kích thước vòng ngực và ung thư vú đăng trên tạp chí Dịch tễ học Quốc tế năm 2019, các tác giả Mỹ kết luận, có mối liên hệ nhân quả giữa BMI (chỉ số khối lượng cơ thể) và kích thước ngực với ung thư vú. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng rõ ràng cho mối quan hệ trực tiếp giữa kích thước vú và nguy cơ ung thư vú.
Theo Bệnh viện K, các yếu tố nguy cơ tồn tại làm tăng tỷ lệ ung thư vú ở nữ gồm:
- Phụ nữ lớn tuổi (trên 50 tuổi), phụ nữ chưa có con hoặc sinh con sau 30 tuổi cũng có khả năng cao.
- Do di truyền, nếu trong nhà có mẹ hoặc chị mắc bệnh trước thời kỳ mãn kinh thì nguy cơ các cặp gen kết hợp lại với nhau gây ra ung thư vú cao hơn.
- Có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi).
- Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ có thói quen hút thuốc, uống rượu bia trong vòng 5 năm kể từ khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt có đến 70% phát triển ung thư trước tuổi 50 cao hơn so với những người không hút.
- Phụ nữ có mô vú dày, điều trị xạ trị ở ngực trước tuổi 30, người béo phì.
- Hormone thay thế trị liệu (HRT; estrogen cộng với progesterone) làm tăng nguy cơ ung thư vú nhẹ sau 5 năm điều trị.
- Thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ một chút nếu được sử dụng trong nhiều năm.
Bác sĩ Tấn khuyến cáo, phụ nữ dù có vòng ngực lớn hay nhỏ cũng đều nên kiểm tra định kỳ, chụp nhũ ảnh theo chỉ định của bác sĩ để sớm phát hiện ung thư và các bất thường khác. Ngoài ra, các chị em nên duy trì cân nặng cân đối, tập thể dục thường xuyên, ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, giữ tinh thần thoải mái, lạc quan cũng là cách giảm nguy cơ mắc ung thư vú.
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.