Dù không được phẫu thuật tách dính, thậm chí còn từng được dự đoán sẽ không thể sống sót nhưng cuối cùng những cặp song sinh dính liền dưới đây vẫn sống tới cả chục năm sau, còn kết hôn và sinh con.
Song sinh dính liền xảy ra với tỷ lệ từ 1/50.000 – 1/200.000 ca. Tỷ lệ sống sót ở những cặp song sinh dính liền cũng rất thấp, chỉ đạt 25%. Các cặp song sinh dính liền là con gái có khả năng xảy ra nhiều gấp 3 lần so với các cặp song sinh dính liền là nam giới.
Cặp song sinh dính liền có thể chia sẻ chung một hoặc nhiều cơ quan nội tạng. Mỗi cặp dính liền nhau theo cách khác nhau, không cặp nào giống cặp nào. Chúng được phân thành 5 loại theo từng vùng, bộ phận như: thoracopagus (tim, gan, ruột), omphalopagus (gan, mật, ruột), pygopagus (cột sống, trực tràng, đường sinh dục), ischiopagus (xương chậu, đường ruột) và craniopagus (não, màng não).
Tỷ lệ sống sót của những cặp sinh đôi dính liền thường rất thấp. (Ảnh minh họa)
Mặc dù nhiều cặp song sinh dính liền không còn sống khi được sinh ra (chết non) hoặc chết ngay sau khi sinh, những tiến bộ trong phẫu thuật và công nghệ đã cải thiện tỷ lệ sống sót. Một số cặp song sinh dính liền còn sống có thể được phẫu thuật tách ra. Sự thành công của phẫu thuật phụ thuộc vào nơi bị dính liền và các cơ quan dùng chung giữa cả hai cũng như kinh nghiệm và kỹ năng của nhóm phẫu thuật.
Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp song sinh dính liền nào cũng có thể phẫu thuật tách dính bởi có những trường hợp song sinh không thể thực hiện phẫu thuật do độ rủi ro quá cao hoặc do trường hợp đó dính liền ở những bộ phận quan trọng, nguy hiểm.
Và mặc dù không thể tách rời nhưng những cặp song sinh dính liền vẫn có thể sống sót, thậm chí đã có cặp còn kết hôn, quan hệ và sinh con như bình thường.
Anh em song sinh dính liền thân cưới vợ và sinh 21 người con
Chang và Eng Bunker được gọi là anh em sinh đối người Xiêm vì sinh sinh ra ở Xiêm (tên gọi cũ của Thái Lan). Cả hai chào đời vào ngày 11/5/1811 ở tỉnh Samutsongkram, thuộc Xiêm (nay là Thái Lan). Mặc dù có vẻ ngoài đặc biệt nhưng bà Nok - mẹ của hai anh em vẫn yêu thương các con. Bà khuyến khích các con tập thể dục, chạy hoặc bơi lội. Nhờ đó, cả hai anh em đều rất khỏe mạnh và năng động.
Năm 1829, hai anh em Chang và Eng đã theo một thương gia người Anh, Robert Hunter rời khỏi quê nhà đi biểu diễn khắp nơi và mau chóng thu hút sự tò mò của mọi người. Vì thân thể đặc biệt nên đã có không ít chuyên gia tới tìm gặp hai anh em để tìm hiểu. Một bác sĩ đã dùng kim kiểm tra phần da thịt dính liền của cả hai, khi bác sĩ chọc kim gần ai thì người đó mới thấy đau. Chuyên gia cũng phát hiện khi một người nếm thử vị chua, người kia cũng cảm nhận tương tự, hoặc cù một người thì người kia cũng có cảm giác buồn.
Anh em Chang và Eng Bunker.
Sau khi kết thúc hợp đồng với Robert Hunter, cặp song sinh quyết định tự kinh doanh và mau chóng trở nên giàu có, sở hữu đồn điền tại Wilkesboro, Bắc Carolina cùng nhiều nhà cửa.
Năm 33 tuổi, hai anh em Chang và End đã kết hôn với hai chị em Adelaide Yates và Sarah Anne. Để chuẩn bị cho đêm tân hôn đặc biệt, hai anh em đã chuẩn bị một chiếc giường cưới được thiết kế đặc biệt dành cho 4 người nằm, Chang - Eng nằm giữa, trong khi hai bà vợ nằm hai bên.
Sau nhiều năm chung sống, họ đã có 21 người con trong đó Chang có 10 người con, End có 11 người con. Trong số đó có một số đứa sinh đôi bình thường, khỏe mạnh.
Vào tháng 1/1874, Chang bị viêm phế quản sau đó qua đời. Hai tiếng rưỡi sau khi Chang mất. Eng cũng ra đi. Cả hai hưởng thọ 62 tuổi. Khám nghiệm tử thi sau đó cho thấy, cơ thể của cả hai có chung mạch máu và động mạch. Một nguồn tin khác cho rằng, cặp song sinh còn chung lá phổi, do đó Eng qua đời vì mất máu.
Cả hai có cuộc sống giàu có và hạnh phúc bên gia đình với 2 người vợ và 21 người con.
Chị em song sinh dính liền đầu tiên trong lịch sử sinh con
Trái ngược với hai anh em Chang và Eng sau khi sinh con họ vẫn có cuộc sống tốt đẹp thì hai chị em song sinh dính liền Rosa và Josefa Blazek lại nhận sự chỉ trích vì sinh con.
Rosa và Josefa Blazek sinh ra ở Skerchov, Bohemia (Cộng hòa Séc ngày nay) vào ngày 20/1/1878. Vì cả hai có chung các mô và sụn ở lồng ngực và đốt sống nên Rosa và Josefa Blazek không thể thực hiện phẫu thuật tách rời.
Mặc dù là chị em song sinh nhưng tính cách của cả hai rất khác nhau Rosa nói nhiều và dí dỏm còn Josefa thì trầm tính và sống nội tâm. Khi trưởng thành, Rosa muốn yêu đương nhưng bị Josefa phản đối. Năm 1909, Rosa bất ngờ thông báo đã có thai và điều này đã gây sốc cho cả Josefa cũng như dư luận bởi thời điểm đó cả hai cũng rất nổi tiếng. Cũng vì điều này mà sự nghiệp của cả hai nhanh chóng sụp đổ.
Rosa và Josefa Blazek là cặp chị em sinh đôi dính liền đầu tiên trong lịch sử sinh con.
Điều đặc biệt là cả hai dù có hai bộ phận sinh dục riêng biệt nhưng họ vẫn có chung cảm giác ở vùng sinh dục nên vẫn phải trải qua gần gũi thể chất cùng với nhau. Do đó, một số người đồn rằng cả hai đã cùng quan hệ nhưng cũng có thông tin cho rằng Josefa đã bị em gái chuốc thuốc mê rồi lén lút quan hệ với người khác.
Năm 1910, Rosa sinh ra bé trai đặt tên là Franzl và hoàn toàn sinh thường. Cô là nữ song sinh dính liền duy nhất trong lịch sử sinh con. Ban đầu, cha của cậu bé từ chối kết hôn với Rosa vì lý do đạo đức nhưng Rosa vẫn sử dụng họ của người đàn ông là Dvorak và sau đó họ đã cưới nhau. Khi lớn lên, Franzl tham gia chương trình lưu diễn cùng cặp song sinh. Tuy nhiên, vài năm sau, Josefa bị bệnh vàng da, nhanh chóng lan sang Rosa. Cặp song sinh đã qua đời vào ngày 30/3/1922 tại Chicago.
Cặp song sinh dính liền quyết không phẫu thuật, yêu chung một người
Hai chị em song sinh Ganga và Jamuna Mondal năm nay đã 50 tuổi, sinh ra trong gia đình nghèo khó ở Kolkata, phía Tây Bengal, Ấn Độ. Cặp song sinh được nối với nhau ở bụng và xương chậu, họ có bốn cánh tay và ba chân, hai trong số đó được hợp nhất thành một chi duy nhất. Họ có chung một dạ dày, nhưng có hai trái tim, hai quả thận, một lá gan, và một đường sinh sản.
Cặp song sinh đã được các bác sĩ kiểm tra để xác định xem có thể phẫu thuật tác họ hay không nhưng cả hai đã từ chối. Với ngoại hình khác biệt, hai chị em Ganga và Jamuna Mondal bị mọi người xa lánh và gọi là “người nhện”. Cũng chính vì vậy, cha mẹ Ganga và Jamuna đã bỏ rơi hai chị em từ nhỏ. Số phận đưa đẩy, họ theo một gánh xiếc và kiếm được 25 USD (gần 600 nghìn đồng) mỗi đêm.
Hai chị em sinh đôi cùng yêu một người và từng có con nhưng đứa trẻ đã qua đời sớm.
Trong thời gian đó, hai chị em đã quen biết với anh Jasimuddin Ahmad, kém họ 9 tuổi. Lâu dần cả 3 người nảy sinh tình cảm với nhau, Jasimuddin còn chủ động bày tỏ tình cảm với hai chị em. Nhờ tích cách cởi mở của anh Jasimuddin, cả ba người đều chung sống rất vui vẻ. Mối tình 3 người đặc biệt của họ khiến không ít người tò mò về cách họ yêu đương và cả "chuyện ấy" nhưng cả ba đều không chia sẻ.
Mặc dù chung sống với nhau nhưng họ không có ý định kết hôn. Năm 1993, họ sinh con gái bằng phương pháp sinh mổ nhưng bé gái đã chết sau khi sinh vài tiếng.
Cặp song sinh dính liền đầu có thể đọc suy nghĩ của nhau
Tatiana và Krista Hogan (25/10/2006) sinh ra tại Vancouver, Canada là cặp song sinh dính liền cực kỳ hiếm trên thế giới. Cả hai dính liền với nhau ở phần đầu, tình trạng này được gọi là song sinh Craniopagus – loại song sinh dính liền hiếm nhất với tỷ lệ 1/2,5 triệu trường hợp. Thường những cặp song sinh này sẽ không sống qua 24 tiếng.
Nhưng hai chị em Tatiana và Krista Hogan đã chứng minh điều ngược lại, họ đã sống tới hơn 10 năm. Theo CBC News, cha mẹ của hai đứa trẻ đã biết các con bị dính liền từ khi mang thai nhưng cô vẫn kiên quyết giữ lại và thường xuyên tới viện kiểm tra.
Chị em sinh đôi dính liền đầu cực kỳ hiếm gặp đã sống tới hơn 10 năm.
Ban đầu các bác sĩ không hy vọng nhiều về khả năng sống sót của cặp song sinh, họ còn cảnh báo gia đình rằng dù hai đứa trẻ có sống sót cũng sẽ phải nằm liệt giường. Chụp CT cho thấy cặp song sinh không bao giờ có thể tách rời do nguy cơ chấn thương nghiêm trọng hoặc tử vong.
Tuy nhiên, Tatiana và Krista Hogan không chỉ sống sót sau khi sinh mà còn trở thành những cô bé hoạt bát, năng động của hơn 10 năm sau. Cấu trúc não bộ của hai chị em rất đặc biệt, dù mỗi người có một bộ não với cấu trúc đầy đủ nhưng bộ não của cả hai được kết nối bởi một "cây cầu" thalamic, kết nối đồi thị của người này với người kia. Các đồi thị hoạt động giống như một tổng đài chuyển tiếp tín hiệu cảm giác, vận động và điều chỉnh ý thức.
Do đó, Krista và Tatiana Hogan có thể chia sẻ chung các giác quan như xúc giác và vị giác, thậm chí có thể kiểm soát tay chân của nhau. Tatiana có thể nhìn thông qua cả hai mắt của Krista, trong khi Krista chỉ có thể nhìn thông qua một trong hai mắt của Tatiana.
Tatiana điều khiển ba cánh tay và một chân, trong khi Krista điều khiển ba chân và một cánh tay. Họ cũng có thể chuyển sang tự kiểm soát chân tay của bản thân. Cặp song sinh cũng nói rằng họ biết suy nghĩ của nhau mà không cần phải nói.
Cả hai có thể đọc được suy nghĩ của nhau, nhìn thông qua mắt của nhau.
Dù có thể thấu hiểu nhau không cần lời nhưng Tatiana và Krista vẫn có tính cách riêng biệt. Tatiana thể hiện mình là một người có xu hướng thích chỉ đạo còn Krista lại trầm tính hơn.
Cả hai cũng gặp một số vấn đề về thể chất như tiểu đường, động kinh. Do đó, cả hai hàng ngày phải dùng thuốc, xét nghiệm máu và tiêm insulin. Cả hai cũng thường xuyên phải đến viện để kiểm tra.
Bất chấp những hạn chế về mặt thể chất, cả hai chị em vẫn có thể đi xe đạp được chế tạo đặc biệt, phóng xuống đồi trên một chiếc xe trượt băng hay thậm chí học bơi. Hai chị em còn đến trường đi học như bao đứa trẻ khác. Mặc dù việc học hành có phần khó khăn và chậm hơn so với các bạn nhưng Tatiana và Krista vẫn có thể học đọc, viết và làm toán. Các giáo viên cũng phải ngạc nhiên về sự tiến bộ của hai chị em.