Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, có từ 90 - 95% bệnh nhân (BN) tăng huyết áp (THA) không rõ nguyên nhân.
Hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp không có triệu chứng cơ năng (biểu hiện BN cảm nhận được). PGS-TS Phạm Nguyễn Vinh - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết: “Không chỉ là sát thủ thầm lặng, THA còn là nguyên nhân dẫn tới một số biến chứng: nhồi máu cơ tim cấp (NMCTC), đái tháo đường (ĐTĐ), thận mạn tính, THA kháng trị. Những biến chứng đi kèm với THA được gọi là những dạng THA phức tạp”.
Tăng huyết áp kèm nhồi máu cơ tim cấp
NMCTC là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và có xu hướng gia tăng. BN có cảm giác đau như bị bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc ngực trái; lan lên vai trái, mặt trong tay trái cho đến tận ngón đeo nhẫn và ngón út; cơn đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải, hoặc vùng bụng trên. Cơn đau kéo dài hơn 20 phút, đôi khi kèm thêm các dấu hiệu như: vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp, buồn nôn. Riêng đối với những BN bị tăng huyết áp, một số trường hợp không hoặc ít cảm giác đau nên có thể đột tử mà không có dấu hiệu báo trước.
Tăng huyết áp là yếu tố làm tăng mức độ nặng của đái tháo đường, ngược lại đái tháo đường cũng làm cho tăng huyết áp trở nên khó điều trị hơn (Ảnh: Internet)
Một số biến cố có thể xảy ra do THA trên BN NMCTC là: bệnh não do THA, nhồi máu não, xuất huyết nội sọ, xuất huyết dưới màng nhện, suy thất trái và phù phổi cấp, suy thận cấp, thiếu máu tán huyết vi mạch.
Tăng huyết áp kèm đái tháo đường
THA là yếu tố làm tăng mức độ nặng của ĐTĐ, ngược lại ĐTĐ cũng làm cho THA trở nên khó điều trị hơn. Tỷ lệ THA ở người ĐTĐ cao gấp hai lần với người không bị ĐTĐ. Ở BN ĐTĐ týp I, THA là hậu quả nghiêm trọng của biến chứng thận. Còn ở BN ĐTĐ týp II, THA có thể xuất hiện trước khi BN được chẩn đoán ĐTĐ. Theo một nghiên cứu của Mỹ, có 70% BN ĐTĐ týp II bị THA. BN ĐTĐ có THA đi kèm thì nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch cao gấp hai lần những người không bị THA.
Ngoài ra, ở BN có THA kèm ĐTĐ thì ĐTĐ còn ảnh hưởng lên hệ tim mạch như: rối loạn chức năng nội mạc động mạch vành, làm giảm tưới máu cơ tim; rối loạn hệ thần kinh tự chủ; gia tăng yếu tố tạo huyết khối…
Tăng huyết áp kèm suy thận mạn tính
THA gặp ở 80 - 90% BN suy thận mạn giai đoạn cuối. HA gia tăng gây ra nhiều tổn thương cho thận, nhẹ là xuất hiện protein trong nước tiểu dạng vi thể (albumin niệu vi thể), xơ vữa động mạch thận khiến thận bị teo hẹp. Nếu HA nằm trong khoảng 180mmHg thì nguy cơ hẹp mạch máu thận sẽ tăng dần theo thời gian. THA ở những BN suy thận mạn và BN suy thận lọc máu chu kỳ còn dẫn đến hàng loạt các biến chứng nặng nề ở tim, não, mắt… làm tăng tỷ lệ tử vong.
Điều trị THA trên BN suy thận mạn, điều quan trọng nhất là chọn thuốc và phối hợp thuốc, bởi những BN này rất khó sử dụng thuốc và cần nhiều nhóm thuốc để HA đạt mức ổn định.
Tăng huyết áp kháng trị
Là trường hợp không đạt được mục tiêu dù điều trị trên ba loại thuốc hạ áp liều tối đa, trong đó có lợi tiểu.
Nguyên nhân gây ra THA kháng trị là do đo HA không đúng, ăn nhiều muối, dùng thuốc lợi tiểu không đủ liều, do tác dụng của thuốc và tương tác thuốc (kháng viêm không steroid, thuốc ngừa thai, thuốc tăng giao cảm), lạm dụng thảo dược và thuốc cảm cúm, uống quá nhiều rượu...
Để giảm nguy cơ từ những dạng tăng huyết áp phức tạp này, PGS-TS Phạm Nguyễn Vinh cho biết: “Việc làm giảm HA sẽ góp phần rất lớn giúp giảm những tác hại các bệnh trên gây ra. Thậm chí việc kiểm soát tốt HA còn quan trọng hơn kiểm soát tim mạch, đường huyết. Nếu hạn chế tất cả các yếu tố nguy cơ gây THA như: giảm cân, vận động thể dục 30 - 40 phút/ngày, giảm sử dụng natri (chỉ nên sử dụng 2,4g/ngày), ngưng thuốc lá, ăn đủ chất cần thiết (Ca, K, Mg), giảm rượu bia (<30ml rượu mạnh và <720ml bia/ngày), ăn nhiều rau quả trái cây và ăn ít mỡ… thì sẽ giảm được đáng kể tác hại từ các bệnh liên quan này”.