Kính áp tròng (contact lens) là thấu kính mỏng làm từ chất dẻo đặt trực tiếp lên mắt con người để điều chỉnh khúc xạ của mắt.
Nó vừa là thiết bị y tế để điều trị các loại bệnh cho mắt lại vừa có tác dụng thẩm mỹ. Tuy nhiên, do lạm dụng có thể phát sinh tình trạng viêm nhiễm như 10 rủi ro dưới đây vừa được do tạp chí y học (BAH) của Canada khuyến cáo.
1. Khi bắt đầu dùng kính
Ngay từ khi bắt đầu dùng kính, bằng cách dùng tay đưa kính vào mắt chính là lúc gây viêm nhiễm và kích thích mạnh nhất bởi các ngón tay là nơi chứa nhiều vi trùng, vi khuẩn. Vì vậy, muốn giảm thiểu nhiễm trùng trước khi dùng kính nên cắt móng tay, rửa sạch tay, không nên dùng nước chè, nước bọt để lau thấu kính. Nên tư vấn chuyên môn về cách sử dụng, khi tháo ra và bảo quản để hạn chế mắc bệnh.
2. Khi đeo kính quá lâu
Giới y học không cổ vũ dùng kính áp tròng quá lâu bởi nó gây phong bế oxy trong mắt. Nếu đeo kính qua đêm hoặc trong thời gian quá dài so với quy định có thể làm tăng nguy cơ viêm loét giác mạc và để lại sẹo trong mắt.
Do kính áp tròng tiếp xúc trực tiếp với mắt nên nó hạn chế nguồn dưỡng khí oxy và dễ làm cho mắt bị khô mắt. (Ảnh minh họa)
3. Khi dùng thuốc chữa bệnh
Theo thống kê, tỉ lệ dùng kính áp tròng ở phụ nữ rất lớn (2/3) nên khi dùng các loại thuốc, nhất là thuốc tránh thai có chứa estrogen sẽ làm tăng hiện tượng nhạy cảm, làm giảm nước mắt và xuất hiện tình trạng khô mắt. Ngoài thuốc tránh thai, nhóm thuốc kháng histamine cũng có thể gây khô mắt. Tiếp đến là các loại thuốc trị trứng cá, aspirin cũng có thể gây kích thích mắt vì vậy trước khi dùng thuốc nên tư vấn bác sĩ.
Xem thêm: Dấu hiệu cảnh báo bệnh tật nguy hiểm qua đôi mắt cần khám ngay
4. Khi sử dụng dịch bôi trơn cho kính áp tròng
Mỗi loại sản phẩm này đều có chứa hóa chất phụ gia và khi hết hạn có thể gây khó chịu cho mắt. Khi sử dụng dịch dùng cho kính nên tư vấn bác sĩ để sản phẩm có chất lượng, cần hạn chế sử dụng và tránh dùng những loại đựng trong chai quá nhỏ, bởi đây là nhóm thuốc có chất lượng kém dễ gây viêm nhiễm.
5. Khi mắt quá khô
Do kính áp tròng tiếp xúc trực tiếp với mắt nên nó hạn chế nguồn dưỡng khí oxy và dễ làm cho mắt bị khô mắt. Hiện tượng thường thấy khi đi trên máy bay, ôtô, khí hậu khô hanh, khi uống thuốc kháng histamine hoặc sau khi uống bia. Nên mang theo loại thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc làm dịu mắt để nhỏ và nên chớp mắt liên tục để tạo ẩm.
6. Khi dùng mỹ phẩm
Đã dùng kính áp tròng thì nên chọn các loại mỹ phẩm, kem dưỡng da phù hợp, nhất là loại có chứa nước để tăng ẩm, kem phải có chất lượng cao, không gây kích thích mắt. Nên đeo kính áp tròng trước khi trang điểm và tháo ra trước khi rửa sạch mỹ phẩm.
7. Khi đi cắt tóc, làm đầu
Khi cắt tóc, làm đầu, nếu không mang trang phục bảo hộ, đeo kính thì những loại hóa chất này có thể thâm nhập vào mắt, gây viêm nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe mắt. Tốt nhất là nên tháo kính mỗi khi đi đến tiệm làm đầu, gội đầu hay nhuộm tóc.
8. Khi đi ra ngoài
Đây cũng là thời gian tiếp xúc nhiều với các chất gây kích thích, gây ô nhiễm, nấm mốc, bụi bẩn có trong không khí nên dễ làm cho mắt bị khô, gây khó chịu. Vì vậy, nên hạn chế dùng kính áp tròng, chỉ nên dùng trong những trường hợp thực sự cần thiết như trong các dịp lễ hội, vui chơi giải trí hay xuất hiện trước đám đông.
9. Khi đi tắm
Nếu dùng kính áp tròng khi tắm lặn ở những khu vực bãi biển có chứa clo cao thì nguy cơ gây viêm nhiễm rất cao. Tốt nhất là nên tháo kính áp tròng ra, sau khi tắm xong nếu cần thì dùng trở lại.
10. Khi hút thuốc lá
Theo nghiên cứu, những người dùng kính áp tròng nếu nghiện thuốc lá thì rủi ro mắc bệnh u xơ cho mắt cao gấp 8 lần những người không hút thuốc. Mọi người nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt, vừa bảo vệ sức khỏe bản thân vừa không gây ô nhiễm môi trường có hại cho những người xung quanh, nhất là nhóm người có thói quen dùng kính áp tròng.