Những thực phẩm gây hại cho trẻ dịp Tết, món cuối dù 1 miếng cũng không nên kẻo hại não trẻ

MINH MINH - Ngày 17/01/2023 00:00 AM (GMT+7)

Một số thực phẩm ngày Tết dù ngon nhưng trẻ nhỏ nên hạn chế hoặc không nên ăn nếu không sẽ tổn hại đến sức khỏe.

Những thực phẩm gây hại cho trẻ dịp Tết, món cuối dù 1 miếng cũng không nên kẻo hại não trẻ - 1

Trong dịp lễ Tết có rất nhiều đồ ăn vặt và các bậc phụ huynh thường thoải mái hơn trong việc cho phép trẻ chọn đồ ăn uống so với ngày thường. Nhưng cha mẹ nên lưu ý có một số loại thực phẩm tốt nhất không nên cho trẻ ăn nếu không muốn tổn hại sức khỏe của con, thậm chí có thể khiến trẻ nhập viện. 

Bác sĩ Yu Wen, Giám đốc Khoa Nhi, Viện Phúc lợi Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Trung Quốc) liệt kê những đồ ăn trẻ nên tránh hoặc hạn chế ăn dịp nghỉ lễ.

1. Các loại hạt 

Các loại hạt như hạt hướng dương, hạnh nhân, quả óc chó, dẻ cười... là món ăn vặt không thể thiếu trong dịp Tết. Mặc dù các loại hạt rất giàu lecithin và protein thực vật, có thể làm tăng hoạt động của tế bào nhưng cha mẹ phải chú ý khi cho trẻ ăn và không cho ăn quá nhiều.

Bởi vì những loại hạt có kích thước tương đối nhỏ, kết cấu cứng, trẻ nhỏ khó nhai hoặc có thể trong lúc nói cười sẽ nuốt vội mà không nhai, dẫn tới dễ bị hóc và mắc nghẹn vào khí quản, hoặc lọt vào đường thở gây ngạt thở, khó thở, thậm chí tử vong. 

Hơn nữa, loại thực phẩm này chứa nhiều chất béo, nhiều calo, trẻ em tiêu hóa và hấp thu chậm, ăn nhiều sẽ tăng khả năng béo phì. Vì vậy, trong dịp Tết, cố gắng cho trẻ em ăn các loại hạt càng ít càng tốt và cha mẹ nên chú ý quan sát khi cho con ăn.

Nếu muốn cho bé dưới 2 tuổi dùng các loại hạt thì nên nghiền nhỏ hoặc xay thành bột rồi cho vào cháo, cơm nhão. 

2. Đồ ăn nhiều đường

Các đồ ăn vặt như kẹo, kẹo trái cây, thạch tuy trẻ rất yêu thích nhưng ăn nhiều không có lợi.

Trẻ em 2-3 tuổi có sụn nắp thanh quản chưa trưởng thành và chức năng vẫn chưa hoàn thiện. Kẹo và thạch không có giá trị dinh dưỡng lại tương đối trơn, nếu trẻ vừa ăn vừa nô đùa rất dễ khiến kẹo hay thạch chui vào khí quản gây ngạt thở. 

Hơn nữa, kẹo chứa nhiều đường nên trẻ ăn quá nhiều không tốt cho răng, đồng thời khiến trẻ nhanh no, ăn ít bữa hơn, ảnh hưởng đến việc hấp thụ các chất dinh dưỡng khác và gây suy dinh dưỡng.

3. Sản phẩm từ gạo nếp 

Trong dịp lễ Tết, trên bàn ăn của hầu hết mọi nhà đều có bánh chưng, bánh tét, xôi... Những thực phẩm này không nên cho trẻ dưới 3 tuổi ăn. 

Các sản phẩm từ gạo nếp chứa nhiều tinh bột và có độ dính cao, khó tiêu hóa, dễ dính vào thực quản và gây tắc đường hô hấp của trẻ nhỏ. Hơn nữa, đồ nếp có nhược điểm là không dễ tiêu hóa, trẻ em chức năng đường tiêu hóa còn tương đối yếu, nếu ăn sẽ gây tổn hại dạ dày. 

4. Nước ngọt có gas

Nước ngọt có gas chứa rất nhiều carbon dioxide, không chỉ ức chế vi khuẩn trong nước giải khát mà còn ức chế vi khuẩn có ích trong cơ thể con người, do đó hệ thống tiêu hóa sẽ bị tổn thương.

Đặc biệt với trẻ nhỏ, nếu uống quá nhiều một lúc, khí cacbonic thoát ra dễ gây đầy bụng, ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn, thậm chí gây rối loạn chức năng tiêu hóa và gây ra các bệnh về đường tiêu hóa.

Hơn nữa, nước ngọt có gas là chất lỏng có tính axit, khi tiếp xúc với răng sẽ ăn mòn lớp men trên bề mặt, khiến răng ngày càng nhạy cảm, không tốt cho răng của trẻ.

Uống nhiều nước ngọt có gas trong thời gian dài còn có thể dẫn đến bệnh loãng xương, bởi loại nước này chứa axit photphoric sẽ làm thay đổi tỷ lệ canxi và phốt pho trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi, không có lợi cho sự phát triển của xương. Axit photphoric trong đồ uống có ga cũng sẽ cản trở sự hấp thụ sắt.

5. Đồ uống có cồn

Chúng ta đều biết rượu bia có hại như thế nào và không tốt cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, khi các gia đình tụ tập ăn uống dịp Tết, một số người lớn tuổi thích trêu chọc trẻ bằng cách dùng đũa chấm chút rượu cho trẻ thử, thậm chí còn để trẻ nhấp một ngụm hay khuyến khích trẻ uống và cho rằng chỉ một chút sẽ không sao.

Tuy nhiên điều này rất nguy hiểm cho trẻ. Thành phần chính của rượu là ethanol, được gan chuyển hóa thành acetaldehyde sau khi vào cơ thể, sau đó trở thành axit axetic để bài tiết ra ngoài.

Một số người lớn uống rượu không sao vì các enzym phân hủy rượu trong cơ thể đang hoạt động. Tuy nhiên, trẻ nhỏ uống rượu bia cực kỳ có hại, đặc biệt là trẻ dưới 7 tuổi. 

Khả năng giải độc gan của trẻ em tương đối kém do gan chưa trưởng thành, nếu uống rượu bia có thể gây tổn thương gan. Hơn nữa, trẻ nhỏ uống rượu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não. Nếu trẻ uống quá mức, rượu sẽ ức chế chức năng của các tế bào thần kinh, gây hoại tử tế bào thần kinh, gây phù nề tế bào não. 

Ngoài việc ngăn trẻ uống rượu, những món ăn được nấu với bia và rượu cũng không nên cho trẻ ăn nhiều.

3 thứ trong bếp được các nghiên cứu năm 2022 phát hiện có thể tăng nguy cơ ung thư, sang năm mới nhiều nhà nên đổi ngay
Các nghiên cứu của năm 2022 đã xác nhận mối liên hệ giữa nguy cơ gây ung thư của một số thực phẩm, đồ gia dụng.

Bệnh ung thư

Theo MINH MINH (Dịch từ Sohu)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán