Những đường gân xanh thường thấy rõ nhất ở tay và chân nhưng nếu nó xuất hiện ở những khu vực khác và có biểu hiện như ngoằn nghoèo hay dày, hãy cẩn thận.
Mọi người đều quen thuộc với những đường gân xanh trên tay hay chân nhưng lại chẳng mấy ai quan tâm tới chúng. Thực tế gân xanh cũng có thể cảnh báo cho chúng ta không ít vấn đề trong cơ thể.
Tiến sĩ, bác sĩ Zhang Bo - trưởng Khoa Ung thư và Can thiệp Mạch máu đã có 10 năm trong lĩnh vực bệnh lý mạch máu và ung thư.
Tiến sĩ, bác sĩ Zhang Bo.
Nguyên nhân xuất hiện gân xanh trên bề mặt cơ thể là gì?
Thực chất, gân xanh không phải là gân mà là những đường tĩnh mạch nông nằm sát da, có chức năng vận chuyển máu từ các cơ quan quay trở về tim. Máu tĩnh mạch có màu xanh tím trên bề mặt cơ thể nên được gọi là gân xanh.
Vậy cơ thể xuất hiện nhiều những đường gân xanh có vấn đề gì không? Y học cổ truyền cho rằng gân xanh là biểu hiện của khí trệ huyết ứ, nhưng y học hiện đại cho rằng hầu hết các đường gân nổi trên bề mặt cơ thể là bình thường.
Những người dễ nổi gân xanh
Một số người có thể nổi gân xanh rõ ràng hơn, và điều đó không có nghĩa là cơ thể có vấn đề.
Người gầy
Lớp mỡ dưới da của người gây thường mỏng nên có thể nổi rõ các tĩnh mạch và mạch máu. Ngược lại, những người béo phì có nhiều mỡ hơn và có xu hướng khó nhìn rõ gân xanh. Những người béo phì chắc hẳn đã từng trải qua việc khó tìm ven để tiêm hay truyền vì mạch máu không hiển thị rõ ràng nên đôi lúc các bác sĩ, y tá có thể phải mất vài lần tiêm mới tìm được ven.
Nhiều phụ nữ trẻ có làn da mỏng và có thể nhìn thấy các đường gân xanh trên tay và trán. Một số chị em thấy không hấp dẫn thậm chí còn dùng phấn trang điểm để che đi những đường gân xanh này.
Những người đàn ông tập thể dục thường xuyên
Các vận động viên và nam thanh niên có cơ bắp phát triển tốt cần được cung cấp nhiều máu trong quá trình tập luyện gắng sức. Các tĩnh mạch của họ cũng nổi rõ hơn và trông dày hơn.
Người già
Tính đàn hồi của tĩnh mạch người cao tuổi càng kém, nếu quan sát kỹ bàn tay, bàn chân của họ thường thấy nổi gân xanh. Ở một số người cao tuổi do bị teo cơ, giảm mỡ dưới da nên gân xanh nổi rõ hơn.
Nổi gân xanh cũng có thể là bệnh
Y học hiện đại cho rằng gân xanh không phải là một trạng thái bệnh lý, mà là biểu hiện của chức năng của mạch máu. Tuy nhiên, việc xuất hiện các đường gân xanh, thậm chí phồng lên, biến dạng, mất màu của các đường gân xanh ở 3 bộ phận dưới đây thì phải hết sức lưu ý.
Đường gân chân ngoằn nghoèo như giun
Những người ngồi hoặc đứng lâu sẽ làm tăng áp lực tĩnh mạch chân, khiến thành tĩnh mạch giãn ra, phình ra gây nên hiện tượng nổi gân xanh giống giun đất. Đôi khi nó kèm theo sưng và đau, còn được gọi là suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
Nếu không được điều trị kịp thời có thể bị viêm tĩnh mạch, xơ cứng biểu bì, huyết khối tĩnh mạch.
Đường gân bụng sưng, dày
Khi bị xơ gan hoặc có khối u ác tính chèn ép vào các cơ quan, các tĩnh mạch vùng bụng sẽ bị tắc nghẽn, khiến các tĩnh mạch nông ở bụng sưng lên và xuất hiện các đường gân xanh dày và thẳng.
Nói chung, người ta hiếm khi nổi gân xanh ở bụng, một khi đã xuất hiện thì phải hết sức lưu ý. Nên đến bệnh viện xét nghiệm máu định kỳ, xét nghiệm chức năng gan, siêu âm B và các xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân gốc rễ để kê đơn thuốc phù hợp.
Đường gân dày ở cổ
Khi trên cổ có những đường gân xanh dày và lồi lõm, bạn phải đề phòng với chứng “sưng tĩnh mạch hình thoi”. Có thể do chức năng của tâm nhĩ phải bị suy giảm khiến máu trong tĩnh mạch không thể lưu thông đủ trở lại nên bị dồn ứ lên cổ.
Đừng coi thường những hiện tượng này, khi chúng trở nên nghiêm trọng có thể là tiền đề của bệnh nhồi máu cơ tim, bệnh tim,... rất nguy hiểm.
Vì vậy khi xảy ra hiện tượng này, ngoài việc chú ý nghỉ ngơi, trấn tĩnh tâm trạng, bạn phải làm các xét nghiệm này càng sớm càng tốt: xét nghiệm máu, điện tâm đồ, CT, siêu âm tim.